“Lách luật” vay gói 30 nghìn tỷ đồng: Liệu có an tâm?
Nhiều chủ đầu tư các dự án vẫn tư vấn cho khách hàng cách “lách luật” để vay tiền từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Dạo qua một vòng các trang mạng xã hội, mạng internet đều dễ dàng tìm kiếm được những thông tin về việc gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng sắp hết thời hạn. Và kèm theo đó là nhan nhản những dự án được đăng bán với danh nghĩa là dự án “cuối cùng” được vay. Nhiều chủ đầu tư các dự án BĐS ở Hà Nội đang lợi dụng thông tin về việc gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng sắp hết thời hạn để tư vấn cho người mua nhà những cách “lách luật” nhằm vay tiền từ gói tín dụng ưu đãi này trước tháng 6/2016.
Thắc mắc về điều này, chị Nguyễn Thị Mơ (địa chỉ ngõ 178 Tây Sơn, quận Đống Đa) có nhu cầu mua nhà đã chủ động gọi đến số điện thoại đường dây nóng bán hàng của một dự án ở Hà Nội để tìm hiểu thêm. Chị cho biết, nhân viên chào bán dự án bảo đây là dự án gần như là cuối cùng được vay gói 30 nghìn tỷ đồng. Nếu chị mua căn hộ tại dự án thì sẽ được bên chủ đầu tư hỗ trợ hoàn thành thủ tục, hồ sơ vay nhanh gọn, thậm chí có những căn hộ có giá hơn 1,05 tỷ đồng vẫn có thể vay được và được giải ngân hết số tiền vay từ gói ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng trước tháng 6/2016… Nghĩa là trước 1/6 sẽ làm thanh toán trước hạn cho khách hàng. Ví dụ, nếu chị Mơ vay 70%, đến trước 1/6 chỉ được khoảng 50% thôi, lúc đấy chủ đầu tư sẽ làm thông báo thanh toán trước hạn cho chị giải ngân luôn 20% còn lại trước 1/6 thì chị vẫn được vay gói ưu đãi bình thường bằng một văn bản phụ lục hợp đồng mua bán kèm theo hợp đồng chính mà không bị ảnh hưởng bởi các quyết định, thông tư của Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính về gói 30 nghìn tỷ đồng.
Còn những căn hộ có giá trên 1,05 tỷ đồng thì sẽ vay bằng cách nào? Cách làm là tách số tiền chênh khách hàng phải trả luôn, còn trong hợp đồng chỉ ghi số tiền theo đúng quy định là dưới 1,05 tỷ đồng để được vay gói tín dụng ưu đãi. Một nhân viên tại dự án nhà thương mại có giá từ 16 – 18 triệu đồng/m2 ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết.
Chiêu thức “trục lợi” từ gói 30 nghìn tỷ đồng bằng cách tách hợp đồng khi mua nhà có giá trị cao hơn mức 1,05 tỷ đồng đã từng được phản ánh tuy nhiên dường như vẫn chưa được xử lý triệt để. Người bán vẫn cứ bán, người mua vẫn cứ mua và một bộ phận không nhỏ người giàu được vay tiền với giá ưu đãi trong khi cơ hội dành cho người có thu nhập thấp có nhu cầu thực về nhà ở lại đang dần ít đi.
Đề cập đến tình trạng trên, một số chuyên gia BĐS cảnh tỉnh người mua nhà cần thận trọng, tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật để tránh những rủi ro khi vay vốn. Quan trọng hơn là cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cho vay gói 30 nghỉn tỷ hợp đồng, phát hiện sai phạm và có xử lý nghiêm, nhất là trong thời điểm các DN đang chạy đua nước rút trước thời điểm 01/6/2016…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.