Lần đầu tiên áp dụng bán vé điện tử tại Lễ hội Chùa Hương 2024
Báo cáo với Đoàn kiểm tra ông Trần Xuân Thăng - Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Mỹ Đức cho biết, tại Lễ hội Chùa Hương năm nay, UBND huyện Mỹ Đức lần đầu tiên ứng dụng việc chuyển đổi từ bán vé truyền thống sang hình thức bán vé điện tử nhằm hướng đến mục tiêu tổ chức Lễ hội ngày càng văn minh, công khai và minh bạch hơn.
Đoàn công tác kiểm tra Lễ hội Chùa Hương
Cũng theo ông Thăng Lễ hội chùa Hương năm 2024 gắn với chủ đề: “Văn minh, an toàn và thân thiện”. Lễ hội sẽ chính thức được diễn ra từ ngày 15/2 đến hết 11/5 (tức từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết ngày 4 tháng Tư năm Giáp Thìn).
Để chuẩn bị cho Lễ hội Ban tổ chức đã thành lập 5 tiểu ban phục vụ gồm: Tiểu ban Hành chính - Tài vụ; tiểu ban Văn hóa - xã hội; tiểu ban An ninh - Trật tự; tiểu ban Quản lý di tích - thắng cảnh, vệ sinh môi trường; tiểu ban Điều hành phương tiện giao thông và vận chuyển khách; trạm kiểm soát vé thắng cảnh bến Thiên Trù; tổ kiểm tra liên ngành y tế - mặt bằng dịch vụ - an toàn thực phẩm.
Đội vệ sinh môi trường được bố trí trên từng khu vực
Thông qua các hoạt động, Lễ hội góp phần tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ và ý thức trách nhiệm trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị văn hoá gắn với phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời quảng bá, khẳng định giá trị văn hoá Lễ hội Chùa Hương và giá trị quần thể khu Di tích Quốc gia đặc biệt gắn với tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của huyện Mỹ Đức.
Hiện nay công tác chỉnh trang cảnh quan môi trường xung quanh khu Di anh tích đã cơ bản hoàn thành. Trong đó, có việc lắp đặt pano, backdrop, bồn hoa cây cảnh dọc tuyến đường 419 Đốc Tín đi Hương Sơn và tuyến đi bộ hai bên bờ suối Yến.
Đối với công tác thu phí năm 2024 thì giá vé vào khu Di tích là 120.000đ /người/lượt; trong đó đã có 2.000đ bảo hiểm. UBND huyện Mỹ Đức cũng đã chỉ đạo UBND xã Hương Sơn thực hiện việc bỏ bán vé tại 2 cổng Đục Khê và cổng Tiên Mai. Tổ chức quản lý bán vé thắng cảnh, vé xuồng đò, vé trông giữ phương tiện tại các bến, bãi gửi xe, để giảm thiểu ùn tắc giao thông tạo điều kiện cho du khách về tham quan lễ Phật.
Các bảng biểu nhắc nhở du khách được dựng lên ở khắp nơi
Trong khi đó với công tác quản lý bến bãi trông giữ phương tiện phục vụ du khách hành hương, hiện xã Hương Sơn có 4 bến bãi trông giữ gồm: Bến xe Hội xá, bến xe Hương Sơn (bến chợ Đục Khê), bến xe đường số 1 và bến xe Cổng vại (bến Tuyết Sơn) tạm thời đáp ứng đủ nhu cầu trông giữ phương tiện trong Lễ hội Chùa Hương năm 2024. Trường hợp lượng khách động đột biến trong các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, huyện sẽ cho phép Ủy ban nhân dân xã Hương Sơn trông giữ xe tại Sân vận động xã Hương Sơn và đường 24m, đường nội bộ khu đồng huyện.
Ông Nguyễn Đình Toàn - Phó Trưởng Ban Quản lý khu Di tích Thắng cảnh Hương Sơn cho biết, việc áp dụng phương thức bán vé điện tử không chỉ tạo sự văn minh, công khai, minh bạch về giá mà quan trọng hơn hình thức này còn góp phần tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước, cũng như các hiện tượng như vé giả, vé lậu.
Đông đảo du khách hành hương đến Chùa Hương
Đồng thời phương thức nói trên cũng giúp cho Ban Quản lý khu Di tích Thắng cảnh Hương Sơn thống kê chi tiết từng ngày, từng giờ số lượng du khách đến với Chùa Hương. Cụ thể, thống kê trong 3 ngày miễn phí vé (từ ngày 30 Tết, Mùng 1 và Mùng 2 Tết Giáp Thìn ) đã có tổng cộng hơn 30.000 lượt du khách hành hương đến với Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn. Đặc biệt, trong ngày đầu áp dụng thu vé là Mùng 3 Tết Giáp Thìn đã có hơn 20.000 người dân đến vãn cảnh Chùa Hương, con số này đã vượt hơn 3.000 người so với ngày đầu tiên áp dụng thu vé của năm 2023.
Đánh giá về công tác tổ chức lễ hội chùa Hương, bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Qua thực tế đi kiểm tra của Đoàn công tác cho thấy, những biến chuyển tích cực về công tác tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm nay. Cụ thể, là sự đối mới trong tư duy lãnh đạo từ Thường trực Huyện ủy; Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện, Ban Quan lý khu Di tích - Thắng cảnh Hương Sơn cho đến các cấp, các ngành từ huyện đến xã… trong đó, nổi bật là việc lắng nghe, khắc phục những thiếu sót, tồn tại đối với công tác tổ chức Lễ hội của các năm trước mà các cơ quan thông tấn báo chí, cũng như người dân đã phản ánh.
Thuyền bè được sơn một màu để tăng tính nhận diện
Điển hình như công tác vệ sinh môi trường đã được địa phương quan tâm hơn, tăng cường nhân lực, vật lực đầm bảo công tác duy trì vệ sinh từng khu vực, từng khuôn viên trong khu Di tích luôn sạch sẽ. Bên cạnh đó là sự đổi mới đáng nghi nhận là công cuộc số hóa về công tác thu vé điện tử…
Đối với công tác an toàn giao thông các bến bãi, thuyền đò được quản lý chặt chẽ. Trong đó tất cả các thuyền bè được quy về một mối do Hợp tác Dịch vụ Du lịch Hương Sơn chịu trách nhiệm quản lý với sự thống nhất về một màu sơn và các thuyền đều có ký hiệu, biển số để nhận diện. Đặc biệt, từ đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng chèo kéo, o ép khách hàng hương.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.