"Lên đời" hộ kinh doanh: Muốn thì có muốn...
2017-06-29 14:46:34
0 Bình luận
Nếu gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể trên toàn quốc có thể chuyển đổi thành DN thì Việt Nam sẽ có thêm lượng lớn DN hoạt động, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, không phải cứ chuyển lên DN là tốt, không thể bắt ép chuyển đổi lên DN bằng mệnh lệnh hành chính… là thực trạng và tâm tư hiện nay của các hộ kinh doanh.
Cần chính sách đặc thù để chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN. Ảnh: Trần Việt. |
Cân nhắc thiệt hơn
Là một hộ kinh doanh tại làng nghề, chuyển đổi lên thành DN từ năm 2011, ông Đỗ Hồng Chiêu, Giám đốc Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ An Huy, Chủ tịch Hội Sơn mài Hạ Thái, Làng nghề Sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ, khi còn là hộ kinh doanh, việc sản xuất, kinh doanh của DN thường mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát. Do vậy, việc chuyển đổi thành DN đã giúp quy mô sản xuất lớn hơn, bài bản hơn. Đặc biệt, vào năm 2011, việc thành lập lên DN cũng đã nhận được nhiều ưu đãi của Nhà nước cho DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ như thuế suất XK mặt hàng thủ công mỹ nghệ bằng 0%. Đây là một thuận lợi rất lớn bởi DN hiện có tới 70% sản phẩm XK, việc trở thành DN còn giúp DN có tư cách pháp nhân để thuận lợi ký kết hợp đồng với đối tác trong và ngoài nước; ngoài ra, các thủ tục hoàn thuế, xin cấp C/O, bộ chứng từ hải quan thì phải là DN mới có thể thực hiện được.
Hơn nữa, nhiều ý kiến lo ngại việc chuyển lên DN sẽ khiến chi phí sản xuất, vận hành đội lên, nhưng theo ông Chiêu, chi phí từ hộ kinh doanh lên DN không nhiều. Giá trị kinh tế của các DN làng nghề không lớn như các DN công nghiệp, XNK… nên vấn đề thanh kiểm tra hầu như không đáng kể.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, theo ông Chiêu, Hội Sơn mài Hạ Thái hiện có 100 hội viên, nhưng chỉ có hơn 10 DN, còn lại hộ sản xuất và kinh doanh. “Thực tế thì ai cũng muốn thành DN để kinh doanh lớn hơn, nhưng mấu chốt là DN phải sống được bằng nghề. Nghề sơn mài đòi hỏi công phu, không phải ngành hàng tiêu dùng thường xuyên nên giai đoạn này đang gặp khó khăn. Hơn nữa, nghề này còn chia ra nhiều công đoạn, thành một chuỗi sản xuất, có người làm thương mại thì lên được thành DN, có người làm sản xuất thì chỉ làm được kiểu hộ kinh doanh”, ông Chiêu chia sẻ.
Nói thêm về vấn đề này, ông Đỗ Văn Bình, Chủ hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm đồ thờ (Hà Nội) cho hay, hộ kinh doanh còn khó khăn về vấn đề nguồn vốn và mặt bằng sản xuất. Hộ cũng muốn được phát triển thành DN nhưng còn đang băn khoăn về vấn đề chi phí thuế. Hiện nay, mức thuế môn bài cố định mà hộ kinh doanh của ông Bình phải đóng chưa đến 1 triệu đồng/năm và bản thân chủ hộ có thể tự thực hiện sổ sách kế toán. Nhưng nếu lên DN thì ông Bình lo ngại sẽ phải thực hiện hàng loạt loại giấy tờ kế toán và mức đóng thuế cũng sẽ tăng lên, chưa kể, ông Bình cũng chưa nắm được trình tự, thủ tục cũng như thông tin ưu đãi mà địa phương dành cho DN.
Cần cơ chế đặc thù
Điểm đáng mừng là Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực từ năm 2018 sẽ có nhiều chính sách ưu tiên cho hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành DN. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có nhiều điều khoản tác động tới các hộ kinh doanh, tạo tiền đề, khung pháp luật quan trọng để Nhà nước có sự hỗ trợ cho DN phát triển. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi sẽ có độ trễ của chính sách, vì thế, quan trọng là chính sách cụ thể của địa phương do hộ kinh doanh chủ yếu hoạt động tại địa phương. Nếu địa phương làm tốt, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN hoạt động thì các hộ sẽ chuyển đổi, không nhất thiết phải đợi thi hành Luật.
Nhìn chung, các chuyên gia và hộ kinh doanh đều mong muốn, chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN thì nên dùng các “đòn bẩy kinh tế” hơn là "mệnh lệnh hành chính”; trong đó, không ít hộ kinh doanh đề xuất những cơ chế đặc thù. Ông Đỗ Hồng Chiêu cho hay, Quyết định 31/2014/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội về chính sách khuyến khích phát triển làng nghề Hà Nội đã đưa sơn mài Hạ Thái vào danh sách làng nghề cần được phát triển và có cơ chế chính sách đặc thù. Nên các hộ kinh doanh đều mong muốn chính sách đặc thù đó là cái gì, phải rõ ràng như khuyến khích phát triển, đầu tư ngành du lịch… “Nếu chính sách cứ chung chung thì có thể đúng với nơi này, nhưng lại không phù hợp với nơi kia. Mệnh lệnh hành chính cần thiết nhưng phải có phương pháp phù hợp với từng ngành nghề, địa phương”, ông Chiêu nhận định.
Đặc biệt, chia sẻ kinh nghiệm thành lập cơ sở kinh doanh tại nước ngoài, ông Đỗ Hồng Quân (chủ cơ sở sản xuất nước giải khát tại Ghana) cho hay, việc thành lập cơ sở kinh doanh, DN ở nước ngoài được hỗ trợ về nhiều mặt như mặt bằng, vốn vay… Vì thế, Nhà nước phải giúp giảm áp lực cho các hộ kinh doanh, giúp các hộ kinh doanh cảm thấy an toàn, có lợi thì chắc chắc họ sẽ tự nguyện chuyển đổi.
Chính vì thế, bà Phạm Thị Thu Hằng cho biết, trong thời gian tới, VCCI sẽ tiến hành nhiều hoạt động, tổ chức khóa đào tạo về khởi sự DN. Điều này sẽ giúp các hộ kinh doanh phải nhận thức được là làm DN phải tuân thủ những quy định pháp luật, những điều kiện kinh doanh như thế nào... VCCI cũng sẽ phối hợp để hướng dẫn hộ kinh doanh thực hiện chế độ kế toán hay thực thi quy định pháp luật… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ kinh doanh chuyển đổi.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo baohaiquan.vn