Lênh đênh theo mùa "cá chạy"

2018-11-25 12:39:46 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Theo thông lệ, cứ cuối tháng 10, đầu tháng 11, nước lũ tại đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu đang rút nhanh. Đây là mùa những con nước rút đi, chỉ còn cá và cá ở lại, như món quà tự nhiên ban tặng cho dải đất này nên người ta gọi là mùa cá ra. Mùa cá ra cũng là mùa đánh bắt cuối cùng của những ngư dân nơi đây.

Quăng chài bắt cá trên dòng kinh gần biên giới Vĩnh Hội Đông- huyện An Phú


Bội thu nhờ nguồn cá ra

Mới sáng sớm nhiều nông dân ở xã biên giới Phú Hội, huyện An Phú (An Giang) đã gọi nhau đi bắt cá đồng. Anh Nguyễn Văn Minh, nhiều năm làm nghề câu lưới ở xã Phú Hội, bộc bạch: “Hồi đầu lũ, cánh đồng Phú Hội rộng gần 1.800ha bị nước nhấn chìm mênh mông như giữa biển. Nay lũ rút đi nhiều, mực nước trên ruộng chỉ còn khoảng 1m, vậy là nông dân tụi tui tranh thủ giăng lưới bắt cá linh, cá rô, cá lăng, cá chốt, cá thiểu… hoặc đặt lọp bắt cá lóc đồng. Hôm nào trúng được vài chục ký cá các loại, kiếm được vài trăm ngàn đồng, ổn định cuộc sống trong mùa lũ”. Anh Trần Văn Tâm (ngụ xã Phú Hội) cũng cho biết: “Lũ đang rút, khoảng 2-3 tuần nữa khu vực này đồng loạt xuống giống lúa đông xuân. Vì vậy, nhiều hộ hối hả giăng lưới bắt cá trên ruộng, hay đặt lọp, đặt dớn ở sông, kênh mương, nhằm bắt các loại cá, cua và đặc biệt là tôm sông bán rất được giá. Có thể nói, đây là cao điểm của mùa cá ra sông nên ai cũng khẩn trương đánh bắt cá, tôm kiếm sống”. Điều đặc biệt, hầu hết cá ở cuối mùa nước nổi đều là cá lớn sau mấy tháng sinh trưởng và phát triển. Nếu đặc sản đầu mùa nước là những đàn cá linh non thì cuối mùa nước chính là những chú cá trê, cá lóc, cá lăng hay cá chốt, mè vinh...

Về kinh nghiệm đánh bắt cá mùa này, anh Tâm bảo, khác rất nhiều với những thời điểm trước. “Bình thường người ta hay đặt dớn, đặt lọp ở những cánh đồng. Đây là kiểu đánh bắt thủy sản phổ biến nhất ở miền Tây. Nhưng khi tới mùa cá ra, phải đánh bắt theo hình thức khác, chủ yếu là sử dụng lưới kéo và lưới vây. Mùa cá ra phải chọn chính xác địa điểm để đón được luồng cá di chuyển. Đồng nước mênh mông, cá có vô vàn hướng di chuyển để ra ngoài kênh, ra ngoài sông.

Tùy từng loài cá lại có cách và thời điểm di chuyển khác nhau. Nhìn con nước chảy, nhìn địa hình kênh đồng, mình phải tính toán được dòng cá đi mới đánh bắt có hiệu quả. Quan trọng hơn, phải thay đổi địa điểm, chuyển ra các tuyến kênh - thường là kênh giao nhau với cánh đồng, vì nước bắt đầu rút đi, cá ở lại. Có năm nước rút nhanh, có năm rút chậm, nhưng cũng như khi tràn vào, nước rút phải đổ ra kênh, rồi ra sông, ra biển, vì vậy, chỉ cần bủa lưới ở ven kênh là có thể chặn được dòng cá ra”, anh cho biết thêm.

Năm nay, nước lũ tràn về nhiều, lại sớm ngay từ đầu tháng 8 nên những cánh đồng vùng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười đều ngập sâu cùng với lượng thủy sản dồi dào hơn các năm trước, đó cũng có nghĩa khi mùa cá ra là khi người dân có nhiều cơ hội để tăng thu nhập.

Tại Vĩnh Long, Kiên Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ… nhiều nông dân cũng tất bật “mùa khai thác cá đồng” khi lũ đang rút. Chị Thái Thị Đông, ở ấp Đông Mỹ, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) cho hay: “Mấy ngày qua những loại cá như cá linh, cá dảnh, cá mè trắng… từ ruộng kéo ra sông rất nhiều. Gia đình tôi thay nhau túc trực kéo vó ở con sông Đông Mỹ này để bắt cá ra sông đem bán. Giá cá hiện nay dao động từ 15.000-40.000 đồng/kg (tùy loại). Tính ra kéo một cái vó mỗi ngày cũng thu nhập được mấy trăm ngàn đồng, dư tiền mua gạo”.

Đi dọc theo sông Sở Thượng (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) nhiều người dân tranh thủ thả lưới đón “mùa cá ra sông”, nhất là những ngày nước kém. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) tâm sự: “Năm nay lũ về sớm và lên cao hơn các năm trước, do đó nguồn lợi thủy sản cũng khá hơn. Hiện tại lũ xuống nhanh và đến cuối tháng 11-2018 toàn xã xuống giống đồng loạt hơn 1.000ha lúa đông xuân. Vì vậy, bà con đang tập trung làm đất chu đáo và tranh thủ những lúc này đánh bắt cá đồng từ ruộng ra sông, vừa để ăn, vừa để bán. Nhà nào có điều kiện sẽ dự trữ cá linh lại để làm nước mắm rất ngon”.
Lũ rút. Trên những khúc sông soi bóng những phận đời mưu sinh bằng nghề đặt lú. Quanh năm, họ lấy xuồng làm nhà, lênh đênh theo con “cá chạy”…

Ông Năm Cang (Trần Văn Cang, 55 tuổi, ngụ xã Vĩnh Chánh, Thoại Sơn, An Giang) mới ở cái tuổi “ngũ thập” nhưng nhìn quá hom hem, già trước tuổi. Nhà không “cục đất chọi chim”, từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành, Năm Cang phải làm đủ thứ nghề, từ cắt lúa mướn đến giăng câu, thả lưới, rồi đặt lú ven sông, rạch. Chiếc ghe bầu của Năm Cang nay đã quá cũ kỹ, lỉnh kỉnh với đủ thứ đồ dùng và vật dụng gia đình. Chiếc ghe không chỉ là chỗ ở, mà còn là phương tiện sinh nhai của Năm Cang.

Cắm sào dưới chân cầu Tôn Đức Thắng, bên dòng Long Xuyên đã 6 năm, vợ, chồng Năm Cang xem đây là bến đỗ thứ 2 của gia đình. Ông ngậm ngùi chia sẻ: “Trong chuyến đi đặt lú, cực nhất là phải ngồi canh giữ ngư cụ suốt ngày lẫn đêm”. Ngồi chờ con nước “cá chạy”, Năm Cang bồi hồi nhớ lại: “Ngày trước, gia đình tui sống bằng nghề làm thuê, cắt lúa mướn đủ đắp đổi qua ngày. Về sau, công nghệ phát triển, máy gặt đập liên hợp thịnh hành, tui xuống sông mưu sinh bằng nghề khai thác cá, tôm. Năm nào lũ lớn, cá, tôm bắt được nhiều, cuộc sống đỡ vất vả hơn”.

Nhiều năm trong nghề “bà cậu”, ông rất am hiểu về cách đặt, cách bố trí lú dưới sông sâu như thế nào để bắt được nhiều cá, tôm. Nhìn màu nước tháng 10 nhạt dần, Năm Cang quả quyết: “Nước rút rơi ngay vào mùng 6, mùng 9, mùng 10 (âm lịch), cá đồng ra sông lai rai, đặt lú thời điểm này sẽ thu hoạch khá nhiều”.

Mùa lũ năm nay, Năm Cang đầu tư 80 cái lú, với số tiền gần 20 triệu đồng để khai thác cá, tôm. Nhờ lũ lớn, mỗi ngày gia đình ông thu hoạch cá, tôm nhiều hơn trước. “Lú chạy dính các loại cá như: cá trê, cá lóc, cá mè vinh, cá linh, tôm, tép… thu nhập bình quân 300.000 đồng/ngày. Hôm nào trúng mánh dính cá lớn, kiếm tiền triệu như không”.

Năm Cang cho biết, nghề đặt lú thấy vậy không dễ ăn chút nào. Có người đầu tư cả trăm chiếc lú đem về đặt mãn mùa mà vẫn không lấy được vốn. Còn những người biết cách đặt, chỉ vài con nước kiếm được cả vốn lẫn lời. Đặt lú hơn nhau ở chỗ phải am hiểu được thời gian nào cá đi, cá ở và con nước nào “chạy” mạnh...

Màn đêm buông dài trên sông! Không gian càng cô liêu tĩnh mịch. Vậy mà, vợ, chồng Bảy Lèo (Nguyễn Văn Lèo, 71 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn, An Giang) phải gồng mình lặn ngụp dưới sông để thăm, giữ lú. Nhiều lúc buồn ngủ díu cả mắt nhưng họ vẫn kiên nhẫn chờ đợi thu hoạch những “chiến lợi phẩm”. Những người đặt lú bảo rằng, nghề “bà cậu” ráng đeo, một năm chỉ kiếm sống được trong mùa lũ. Nếu không cố gắng thức trông từng chiếc lú thì bị trộm “rinh”, xem như trắng tay.

Càng về đêm, mặt sông càng quạnh quẽ trăng treo. Lâu lâu, Bảy Lèo dỡ lú chạy đầy cá, tôm, ông nói với giọng đầy lạc quan: “Nghề đặt lú đã ăn vào máu của tụi tui. Mưu sinh về đêm riết cũng quen. Đặt lú mê nhất là thời điểm “cá chạy”, kiếm được nhiều tiền, cảm thấy vui hơn”. Những năm gần đây, nghề đặt lú dưới sông sâu đã trở nên quen thuộc và phổ biến trong mùa lũ. Bởi, loại ngư cụ này khai thác được cá, tôm dưới những chỗ sông sâu và nước chảy xiết.

Đặc sản đón Tết

Với người dân vùng ĐBSCL, mùa cá ra luôn luôn là một niềm vui. Có thể vỡ òa với những đàn cá dày đặc kênh rạch hay hài lòng với những mẻ lưới nặng tay. Trong quá khứ - những lão nông dân ở Tân Công Sính (Tam Nông, Đồng Tháp) kể - cách đây chừng 1-2 chục năm, mỗi khi tới mùa cá ra, nước ở những cánh đồng theo kênh rút đi, người dân nơi đây bắt được những con cá rất lớn. Nhiều chú cá lóc ba bốn ký cũng mắc lưới. Rồi mè vinh với cá lăng, những loài cá mà khi mùa nước nổi về người dân ít thấy nhưng khi nước rút đi thì không hiểu sao chúng lại xuất hiện rất nhiều.


Đánh bắt cá lình mùa lũ


Trong thời gian tìm hiểu về cuộc sống của cư dân miệt đồng bằng châu thổ mùa cá ra, chúng tôi được biết đây là một trong những mùa cá đặc biệt nhất của người dân. Không phải nó là mùa cá cuối cùng mà bởi là mùa cá trùng với dịp cuối năm. Thường khi hết mùa cá ra cũng là sắp tới tháng 12, nhiều người bắt đầu chuẩn bị lo dịp tết. Vì thế, nhiều gia đình thay vì coi đánh cá để mưu sinh, họ lại chuẩn bị làm khô, làm mắm từ cá để dành cho dịp tết. Bao năm qua cũng vậy. Thế nên ở vùng đồng bằng châu thổ miền Tây, mùa cá ra là mùa có nhiều người đi khai thác thủy sản. Phần vì tôm cá tập trung nhiều quanh các tuyến kênh chính, phần nữa vì đã gần cuối năm, họ đánh bắt để có nguồn thực phẩm để dành.

Vẫn biết thiên nhiên đã thay đổi nhiều nhưng vẫn mang đến nguồn sinh kế vô tận cho người dân, nhất là những cư dân nghèo. Đó là lý do người ta không chỉ mong chờ mà còn vô cùng náo nức chào đón những mùa cá ra. Mùa cá ra không phải là mùa cá đi mất mà lại là mùa mang đến nguồn thu lớn cho người dân trước khi quay trở lại, vào mùa nước nổi năm sau.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

NNƯT Trần Thị Huệ: Cống hiến cả cuộc đời để gìn giữ văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu

Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ sinh năm 1958 ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Bà sinh ra trong một gia đình “cha truyền con nối”, nhiều đời có “căn quả” hầu đồng.
2024-09-30 13:36:28

Trực Tuấn (Trực Ninh, Nam Định) xứng danh vùng quê kiểu mẫu

Sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, xã Trực Tuấn tiếp tục xây dựng NTM bền vững, thiết thực góp phần xây dựng Trực Ninh đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2024. Nổi bật nhất ở Trực Tuấn hiện nay là thực hiện công tác phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường.
2024-09-30 08:54:00

Ô tô, xe máy đi thế nào sau vụ sạt lở đất ở Hà Giang?

Tối 29/9, Sở GTVT Hà Giang đã ra thông báo phân phân luồng giao thông do sạt lở taluy dương trên Quốc lộ 2 đoạn qua xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang.
2024-09-30 00:31:29

Sau những vụ TNGT học sinh, CSGT mở cao điểm xử lý vi phạm liên quan học sinh

Từ 1/10 đến 31/10, lực lượng CSGT tăng cường xử lý hành vi vi phạm giao thông với lứa tuổi học sinh, người giao phương tiện cho các em khi chưa đủ điều kiện điều khiển.
2024-09-30 00:14:39

Điều kiện chuyển công tác từ Quân đội nhân dân sang Công an nhân dân

Theo quy định tại Thông tư số 21/2023/TT-BCA và Thông tư số 62/2023/TT-BCA, để được tiếp nhận vào Công an nhân dân, cần đáp ứng các tiêu chuẩn về nhu cầu biên chế, trình độ chuyên môn, tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và sức khỏe. Việc xét tuyển sẽ do Hội đồng kiểm tra của Công an địa phương thực hiện theo quy trình quy định.
2024-09-29 23:54:12

Từ New York tới La Habana: Nâng tầm vị thế quốc tế - Vun đắp tình hữu nghị thuỷ chung

Tối 28/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới sân bay quốc tế Nội Bài, thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ và sau đó là thăm cấp Nhà nước tới Cuba theo lời mời của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez cùng Phu nhân.
2024-09-29 11:36:09
Đang tải...