Lo ngại chấm nương tay học trò tỉnh mình
Các cụm thi tự công bố điểm
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, các trường ĐH chủ trì cụm thi chịu trách nhiệm sao in đề thi, coi thi; chấm thi, chấm phúc khảo; công bố kết quả thi; in giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh; bảo quản bài thi của thí sinh và các tài liệu liên quan của hội đồng thi; xử lý thắc mắc, khiếu nại của thí sinh.
“Để đảm bảo chất lượng coi thi, trường ĐH chủ trì phải huy động tối thiểu 50% cán bộ coi thi, ít nhất mỗi phòng thi có 1 cán bộ coi thi của trường và có ít nhất 50% tổng số cán bộ giám sát phòng thi ở mỗi điểm thi...”, ông Ga nói.
Ngoài ra, các trường ĐH chủ trì cụm thi sử dụng hệ thống phần mềm do bộ cung cấp để đánh số báo danh, sắp xếp phòng thi và hoàn thành giấy báo dự thi theo quy định trong phần mềm quản lý thi để các đơn vị đăng ký dự thi in giấy báo dự thi, ký tên, đóng dấu và trả cho thí sinh xong trước ngày 12/6. Ông Ga cho biết, năm nay, các trường ĐH chủ trì có thể chấm thi tại chỗ hoặc mang về trường để chấm, trường nào chấm thi trường đó công bố kết quả.
Về môn thi, các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 180 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Các môn ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Riêng đề thi môn Ngữ văn có 2 phần Đọc hiểu và Làm văn.
Lo ngại thiếu công bằng trong chấm thi
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, việc Bộ GD&ĐT quy định đưa tối thiểu 50% giám thị của các trường ĐH về coi thi là hoàn toàn đúng đắn nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong thi cử. Tuy nhiên, ông Dũng băn khoăn việc chấm thi giữa các cụm thi không công bằng khi quy định số giáo viên chấm thi của Sở GD&ĐT không ít hơn 50% tổng số cán bộ chấm thi là không hợp lý, dễ dẫn đến tình trạng giáo viên chấm nương tay cho học trò tỉnh mình ở các môn tự luận.
“Để đảm bảo tính công bằng, Bộ cần có văn bản quy định không được để giáo viên địa phương chấm bài của học sinh mình, riêng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chủ trì cụm thi tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ đưa giáo viên từ TPHCM ra đó chấm thi”, ông Dũng đề xuất. Còn ông Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TPHCM kiến nghị, Bộ GD&ĐT có thể cho phép các trường không sử dụng giáo viên địa phương chấm thi để đảm bảo công bằng.
Bà Mai Hồng Qùy, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TPHCM lo ngại để giáo viên địa phương chấm bài học sinh mình dễ nảy sinh tiêu cực và đề xuất đưa tất cả bài thi về TPHCM rồi rọc phách để các tỉnh bốc thăm. “Tỉnh nào bốc thăm được bài của cụm nào thì chấm bài thi của cụm đó”, bà Qùy nói.
Đại diện trường ĐH Tiền Giang cho rằng, việc chấm thi không sử dụng giáo viên địa phương là khó thực hiện được vì số lượng bài thi rất lớn. Còn ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM cho rằng: “Chúng ta phải tin nhau, vì mỗi kì thi có một triệu thí sinh tham gia, lấy đâu ra giáo viên để chấm ngần ấy số bài. Vấn đề ở đây là có cơ chế thanh tra, kiểm soát việc chấm thi, bởi thực tế đã từng xảy ra tình trạng các địa phương bắt tay nhau chấm bài thi”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.