Lời kêu cứu của một nữ lao động từ Ả rập - Xê út
Trụ sở Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Cát tại Hà Nội. |
“Đơn” chị N được viết sơ sài trên vỏ của một bao thư, câu chữ nguệch ngoạc, không đủ ngữ pháp. Sau khi hoàn thiện các thông tin liên quan, chúng tôi xin ghi lại nội dung đơn đầy đủ như sau:
Kính gửi Bộ Lao động - Thương binh và xã hội; đồng kính gửi Báo Hòa Nhập. Em là V.T.N, sinh ngày 16/11/1988, quê ở Thanh Hóa.
Em được Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát (có văn phòng đại diện tại: Lô 5 + lô 6, khu đô thị Đông Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) tiếp nhận, xét tuyển và đưa sang Ả rập - Xê út ngày 13/2/2018 (tức 28 Tết Mậu Tuất) để làm giúp việc gia đình. Sang tới Ả rập - Xê út được ít ngày, em phát hiện mình đã có thai hơn 2 tháng. Vì có thai và không được ăn uống đầy đủ nên sức khỏe của em bị giảm sút. Gia đình chủ nhà cho em đi khám và bác sỹ cảnh báo: thai có tình trạng nguy kịch. Em đã đề nghị công ty cho em về nước nhưng không được công ty giúp đỡ. Em khẩn thiết cầu cứu các cơ quan có thẩm quyền và báo Hòa Nhập giúp đỡ can thiệp với công ty để cho em được về nước. Người viết đơn: V.T.N.
Từ một bạn đọc ở Thanh Hóa, phóng viên Hòa Nhập có được số điện thoại của ông Vũ Đình Toàn - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát. Qua trao đổi điện thoại, ông Toàn thừa nhận: Chị V.T.N cũng đã có đơn gửi về công ty này vào ngày hôm qua (07/3/2018). Chị N được Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát tuyển dụng, đưa sang Ả rập - Xê út vào ngày 28 Tết như thông tin phản ánh với phóng viên Hòa Nhập.
Khi ra nước ngoài làm việc, người lao động Việt Nam chỉ mong các công ty giữ đúng cam kết về tiền lương, môi trường làm việc và có trách nhiệm giải quyết khi họ gặp vướng mắc |
Trao đổi với phóng viên, ông Toàn cho rằng: Chị N cung cấp thông tin như trong đơn gửi phóng viên và với công ty là không chính xác. Theo ông Toàn, trước khi xuất cảnh, chị N cũng như các lao động khác đều được công ty tổ chức khám sức khỏe và cho học tiếng, các kỹ năng tối thiểu về nghề nghiệp. Vào thời điểm khám sức khỏe, chị N không hề có thai. Sau khi khám sức khỏe, công ty yêu cầu các lao động nữ viết cam kết bằng văn bản là “không được có thai” trước khi xuất cảnh ra nước ngoài làm việc. Trong thời gian học tiếng và chờ bay, chị N vi phạm cam kết đó thì chị N phải chịu trách nhiệm.
Theo nguyện vọng của người lao động, phóng viên Hòa Nhập đề nghị với ông Toàn: Nguyên nhân dẫn đến việc lao động có thai chưa nên bàn lúc này. Nếu chị N có thai và có nguyện vọng về nước thì công ty nên giải quyết sớm để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho họ. Ai vi phạm cam kết, vi phạm hợp đồng thì sẽ giải quyết sau theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm của phóng viên, ông Toàn cho biết, Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát đang chỉ đạo văn phòng đại diện ở Ả rập - Xê út đưa chị N về tạm trú tại văn phòng và được chăm sóc chu đáo để chờ về nước.
Qua phản ánh của một số bạn đọc đã từng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhiều công ty vì lợi nhuận mà bỏ qua quy trình xét tuyển, khám sức khỏe hoặc có chăng cũng được thực hiện một cách chiếu lệ, hình thức. Có trường hợp, giấy chứng nhận sức khỏe của người lao động được thực hiện không đúng quy định của pháp luật, nên khi hậu quả xảy ra, nhiều trường hợp, thiệt thòi vẫn rơi về phía người lao động.
Mong rằng, những cam kết của ông Toàn, đại diện cho Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát như trao đổi với phóng viên là đúng để chị N trở về Việt Nam an toàn.
(*) Nhân vật trong bài đề nghị được dấu tên.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.