Lợi nhuận “bốc hơi” 131 tỷ đồng, nợ xấu tăng cao, VPBank lại dự định tăng vốn điều lệ
2017-04-05 18:02:49
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Theo BCTC 2016 đã được kiểm toán độc lập của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Một số chỉ tiêu tài chính đã thay đổi so với báo cáo ngân hàng này tự lập trước đó.
Ảnh minh hoạ. |
Nợ xấu tăng cao, lợi nhuận “hao hụt”
Tại thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của VPBank tăng gần 18% so với đầu năm, đạt 228.770 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cuối kỳ đạt 17.177 tỷ đồng và vốn điều lệ năm vừa qua tăng lên mức 9.181 tỷ đồng.
Trong đó, tiền gửi của khách hàng sụt giảm hơn 6.483 tỷ đồng xuống còn 123.787 tỷ đồng, tức giảm gần 5%. Cho vay khách hàng tăng lên 23,82%, đạt mức 142.583 tỷ đồng. Ngoài ra, chứng khoán đầu tư của ngân hàng cũng tăng đáng kể từ 43.965 tỷ đồng cuối năm 2015 lên tới 51.948 tỷ đồng cuối năm 2016. VPBank đã phải trích lập dự phòng rủi ro đầu tư chứng khoán 744,87 tỷ đồng…
Về kết quả kinh doanh, BCTC kiểm toán cho thấy, thu nhập lãi thuần cả năm 2016 tăng mạnh tới 46,5% lên mức 15.167 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tăng gần gấp đôi lên mức 1.261 tỷ đồng.
Hoạt động dịch vụ ghi nhận lãi gần 853 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước. Chứng khoán đầu tư báo lãi gần 92 tỷ đồng, giảm 16 tỷ đồng so với báo cáo Quý 4/2016 công bố trước đó. Còn hai hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán kinh doanh đều bị lỗ lần lượt là 319 tỷ đồng và 149 tỷ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tín dụng đạt 10.242 tỷ đồng, tăng tới 60,7% so với năm 2015. Số liệu lãi thuần sau kiểm toán bị giảm 11 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.
Do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh lên tới 5.313 tỷ đồng (năm 2015 chỉ có 3.277 tỷ đồng). Số liệu trích lập dự phòng này tăng thêm 15 tỷ đồng so với trước khi kiểm toán. Do đó tổng lợi nhuận trước thuế của VPbank chỉ đạt 4.929 tỷ đồng và bị giảm 26 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Tổng lợi nhuận sau thuế cả năm 2016 đạt 3.935 tỷ đồng, tăng hơn 1.540 tỷ đồng so với năm 2015 và là nhà băng dẫn đầu lợi nhuận ở khối ngân hàng TMCP. Trong khi trước đó VPBank công bố mức lợi nhuận sau thuế 4.066 tỷ đồng. Tức lãi ròng bị “bốc hơi” 131 tỷ đồng sau khi kiểm toán xem xét số liệu tài chính.
Đáng chú ý, việc phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro của VPBank cũng có thay đổi đáng kể sau kiểm toán. Cụ thể, BCTC do ngân hàng tự lập cho biết, tổng nợ xấu đến cuối năm 2016 là 4.040,5 tỷ đồng, chiếm 2,79% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Tuy nhiên, sau kiểm toán, tổng nợ xấu của VPbank phải điều chỉnh tăng thêm 167 tỷ đồng, lên mức 4.207 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng lên mức 2,91% dư nợ.
Trong cơ cấu nợ xấu, tại BCTC tự lập của VPBank nợ nhóm 3 – dưới tiêu chuẩn ở mức 2.320 tỷ đồng (gần gấp đôi năm 2015), nợ nhóm 4 có 828 tỷ đồng và nợ nhóm 5- có khả năng mất vốn là 892 tỷ đồng.
Song BCTC đã kiểm toán, nợ nhóm 3 phải điều chỉnh số liệu tăng thêm 15 tỷ đồng lên 2.335 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng thêm 147 tỷ đồng lên mức 975 tỷ đồng, nợ nhóm 5 tăng thêm 4 tỷ đồng lên 896 tỷ đồng… Sau khi nợ xấu được “trả lại tên” thì dư nợ nhóm 2- cần chú ý đã giảm tương ứng 167 tỷ đồng.
VPBank dự kiến trình ĐHCĐ phương án tăng vốn điều lệ
Ngày 30/3/2017, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đã thực hiện chốt danh sách cổ đông để tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 10/4 tới đây tại Hà Nội.
Theo dự kiến, VPBank sẽ trình cổ đông báo cáo của Ban điều hành, báo cáo quản trị của HĐQT, báo cáo của Ban kiểm soát và phương án phân phối lợi nhuận.
VPBank cũng dự kiến trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ. Nhiều ngân hàng như ACB, MBB, LienVietPostBank... cũng lên kế hoạch tăng vốn. Tuy nhiên, phần lớn các ngân hàng đều tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức hoặc chia cổ phiếu thưởng. Hiện, VPBank vẫn chưa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên.
Tính tới cuối năm 2016, vốn điều lệ của VPBank đã tăng thêm 1.124 tỷ đồng lên 9.181 tỷ đồng. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa chấp thuận việc VPBank tăng vốn điều lệ từ 9.181 tỷ đồng lên 10.765,453 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng và tăng vốn từ lợi nhuận để lại.
Từ năm 2014 trở lại đây, nhà băng này đã liên tục thực hiện tăng vốn điều lệ và mở rộng quy mô tổng tài sản. Theo BCTC kiểm toán năm 2016, tổng tài sản tại ngày 31/12/2016 của VPBank đạt 228,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại Đại hội tới, VPBank sẽ trình và họp cổ đông phương án sửa đổi Giấy phép hoạt động và một số nội dung quan trọng khác.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Nhất Phong - Hải Hà