Lớp 12 có thể chỉ còn 5 môn học
2017-01-13 14:39:10
0 Bình luận
GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới vừa công khai nhiều thay đổi trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới để lấy ý kiến rộng rãi.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, điểm mới nhất của dự thảo lần này là sự phân biệt giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Theo đó, giai đoạn giáo dục cơ bản gồm các cấp tiểu học và THCS; còn giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp học THPT.
Giai đoạn Giáo dục cơ bản sẽ bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục. Cụ thể, cấp tiểu học sẽ gồm các môn bắt buộc toàn phần là: Tiếng Việt, Ngoại ngữ 1, Toán học, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Nội dung bắt buộc có phân hóa gồm: Kỹ thuật và Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số và hoạt động tự học có hướng dẫn.
Với cấp THCS, các môn học bắt buộc toàn phần gồm: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Các môn bắt buộc có phân hóa: Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn ở cấp học này là Ngoại ngữ 2.
Chương trình giáo dục phổ thông mới có những thay đổi lớn theo định hướng nghề nghiệp |
Định hướng nghề nghiệp sớm
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết, căn cứ Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, giai đoạn định hướng nghề nghiệp phải giúp học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho việc học sau phổ thông có chất lượng. Đối với giai đoạn định hướng nghề nghiệp thực hiện từ cấp THPT gồm 2 giai đoạn nhỏ: Lớp 10 được coi là dự hướng nghề nghiệp còn lớp 11-12 là giai đoạn tiếp cận nghề nghiệp.
Ở giai đoạn này, sẽ không có môn tích hợp và học sinh được học theo định hướng nghề nghiệp. Theo đó, dự kiến lớp 10 có 11 môn học bắt buộc là: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán học, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và Công nghệ; trong đó, mỗi học kỳ không quá 7 môn. Ngoài ra, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng - an ninh, Hoạt động nghệ thuật và hoạt động trải nghiệm sáng tạo cũng là những môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2.
Học sinh lớp 11-12 tự chọn tối thiểu 5 môn trong các môn: Ngữ văn 1, Ngữ văn 2, Toán 1, Toán 2, Ngoại ngữ 1, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học 1, Tin học 2, Thiết kế và công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc. Tổng số tiết của các môn tự chọn không được thấp hơn 20 tiết/tuần. Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường.
Thay đổi mô hình giáo dục
Để thực hiện yêu cầu học tự chọn, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, nhà trường sẽ gặp trở ngại nhất định trong sắp xếp thời khóa biểu. “Chúng tôi xác định chương trình giáo dục phổ thông phải vì học sinh trước hết. Học sinh chọn môn học dưới sự hướng dẫn của nhà trường, cha mẹ nhưng quyền lựa chọn, quyết định là của học sinh”- GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.
Do vậy, dự thảo đề ra trường hợp môn học mà các học sinh chọn không đủ để tổ chức thành lớp học riêng, học sinh có thể học môn đó ở các cơ sở giáo dục khác hoặc thay đổi lựa chọn phù hợp với khả năng đáp ứng của nhà trường. Kết quả học tập cơ sở giáo dục khác được nhà trường công nhận và ghi vào học bạ.
Học sinh lớp 11-12 tự chọn tối thiểu 5 môn trong các môn: Ngữ văn 1, Ngữ văn 2, Toán 1, Toán 2, Ngoại ngữ 1, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học 1, Tin học 2, Thiết kế và công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc.
Một điểm mới nữa ở dự thảo lần này là không tích hợp môn Lịch sử và Địa lý thành môn Khoa học xã hội ở cấp THCS. Ở cấp THPT cũng không gộp Lịch sử vào môn học mới là Công dân với Tổ quốc như dự thảo trước đó. Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Khoa học giáo dục, quan điểm tích hợp trong chương trình hiện hành là phù hợp và cần phát triển ở mức độ cao hơn. Theo đó, ngoài tích hợp nội bộ môn, cần tích hợp các nội dung dạy ở một số môn, lĩnh vực thành môn học mới.
Cụ thể, tích hợp nội dung các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học Trái đất thành nội dung Khoa học tự nhiên. Báo cáo cũng đề xuất, về lâu dài, nên xây dựng nội dung tích hợp theo xu hướng các nước phát triển, đó là cấu trúc nội dung môn Khoa học thông qua hệ thống các chủ đề tích hợp như: Vật chất, năng lượng, khoa học về sự sống, khoa học trái đất, môi trường… xuyên suốt các lớp học.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo anninhthudo.vn