Lớp học dành cho những đứa trẻ “không bao giờ lớn”

2015-11-09 16:20:38 0 Bình luận
Hơn 4 năm qua, tại Trường tiểu học Nghi Tân, Thị xã Cửa Lò, Nghệ An có một lớp học “đặc biệt”. Ở đó có cô giáo và 13 học trò - những em khuyết tật, chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ... Ngày ngày, cô giáo chủ nhiệm cần mẫn dạy những đứa trẻ “không bao giờ lớn” những kỹ năng cơ bản nhất trong sinh hoạt, làm quen với từng con số, chữ cái.  
 
  
Lớp học đặc biệt tại Trường tiểu học Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, Nghệ An

Gian nan “mời” trẻ đi học
Lớp học “đặc biệt” này có 13 em, độ tuổi từ 10 - 19. Hơn 4 năm nay, phòng học nhỏ này đã trở nên quen thuộc, gắn bó với các em, chứng kiến từng sự đổi thay rất nhỏ, nhưng lại là niềm hạnh phúc, phấn khởi vô cùng của thầy cô và phụ huynh. Đấy chính là lớp học tình thương dành cho những đứa trẻ khuyết tật, chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ tại Trường tiểu học Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, Nghệ An.
Thầy Minh, Hiệu trưởng cho biết: “Vào giữa năm học 2011 – 2012, Trường tiểu học Nghi Tân quyết định mở 1 lớp học tình thương dành cho trẻ em khuyết tật, chậm phát triển, thiểu năng… và hoàn toàn miễn phí. Mục đích để các em được đến trường, có bạn bè, có thầy cô giáo như những đứa trẻ khác, đưa đến sự thay đổi tích cực về trí tuệ, thể chất cho các em. Đồng thời, cũng giải tỏa tâm lý cho phụ huynh các em”.
Tuy nhiên, với một trường học vốn dành cho những đứa trẻ bình thường, chứ không phải là trường chuyên biệt, việc tìm giáo viên, soạn giáo án, đưa ra lộ trình, phương pháp giảng dạy cho các em khuyết tật rất khó khăn. Giáo viên đứng lớp, phải trải qua khóa đào tạo giáo dục đặc biệt, có tâm huyết, chịu khó và cả dũng cảm nữa để có thể đối mặt với những “tai nạn nghề nghiệp”, tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Sau khi có kế hoạch thành lập lớp học tình thương cho trẻ em khuyết tật, Trường tiểu học Nghi Tân đã dành 1 phòng học, và cử cô giáo Nguyễn Thị Liên, một giáo viên có kinh nghiệm và từng dạy tại lớp giáo dục đặc biệt của Thị xã Cửa Lò đứng lớp chủ nhiệm.
Những ngày đầu vô cùng gian nan vất vả, cô Liên phải thống kê danh sách gia đình có con, em khuyết tật, để vận động, thuyết phục bố mẹ cho các em đến trường. Có phụ huynh đồng tình, nhưng hầu hết đều tỏ ra e dè. Bởi con cái họ không có những kỹ năng tối thiểu nhất, tâm sinh lý bất thường. “Ở nhà bố mẹ, ông bà tập trung vào chăm sóc, để mắt trông chừng mà không quản nổi, thì một mình cô giáo làm sao dạy được cháu - bố mẹ các em nói với tôi như vậy”, cô Liên kể. Nhưng rồi, sau thời gian vận động, thuyết phục, nhiều phụ huynh đã đồng ý cho con mình đến lớp để “học thử”. Lớp học bắt đầu với 13 em. Sỹ số lớp duy trì như thế suốt 4 năm qua, một số em đã biết đọc, biết viết và nhiều tuổi đã “tốt nghiệp”, một số em khác lại chuyển vào.
Cô Liên tâm sự: “Những em theo học ở đây, có em mắc chứng câm điếc, có em thiểu năng trí tuệ, em thì mắc chứng tự kỷ. Chúng tôi không đặt nặng vấn đề thành tích học tập mà chủ yếu dạy cho các em kỹ năng sống, để các em có được giao tiếp tối thiểu với xã hội”.

Cô giáo kiêm…vệ sinh viên
Nhớ lại ngày đầu đứng lớp, cô Nguyễn Thị Liên xoay như chong chóng giữa hơn chục đứa học trò, mỗi đứa một tính cách và chẳng đứa nào thèm nghe cô nói! Cô vừa quay sang cầm tay tập viết cho em này, thì em kia đã chạy lung tung trong lớp, và chạy sang cả lớp bên cạnh. Các em cũng không phân biệt giờ học, giờ chơi, cứ cô vào lớp thì trò theo vào, cô ra khỏi lớp, trò cũng ra theo. Có em chưa biết những kỹ năng tối thiểu như vệ sinh cá nhân, cô Liên lại phải kiêm thêm chức danh “bảo mẫu”.
Các em rất hiếu động, nghịch ngợm, nhưng không ý thức được việc mình làm. Có những em sau khi tan học, không chịu về nhà mình mà lang thang, rồi về nhà ông bà nội. Trưa 12h bố mẹ không thấy con đi học về, gọi điện hỏi cô giáo. Thế là cả cô, cả phụ huynh hốt hoảng đi tìm. Lại có em sáng sớm sắp xếp sách vở đi học, nhưng lại không đến lớp, mà giữa đường chạy lên đồi chơi, cô giáo lại phải hỏi thăm rồi đi tìm khắp nơi, mới thấy em đang ngồi trốn dưới gốc cây.
Cô Liên lưu số điện thoại của các phụ huynh để thường xuyên liên lạc. Mỗi lần có thông báo gì, cô lại ghi vào mảnh giấy, dặn dò các em về đưa cho bố mẹ, nhưng sau đó vẫn phải gọi điện để xác minh xem các em có truyền đạt đúng những gì cô dặn hay không. “Dạy các em, là dạy bằng tình yêu thương, bằng cái tâm, nếu không thì không thể nào trụ nổi. Các em vốn đã chịu số phận thiệt thòi, nhiều em hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nên mình luôn tâm niệm sẽ giúp đỡ các em hết lòng” - cô Liên trải lòng. Em Nguyễn Đình Phúc (10 tuổi), ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc là thành viên nhỏ tuổi nhất lớp. Em mới được bố mẹ xin cho vào học tại Trường tiểu học Nghi Tân sau thời gian học tại trường nhà không tiến bộ và “không biết cái gì cả”. Tham gia lớp học tình thương này một thời gian, em đã biết được chữ cái, con số, và đang tập đánh vần. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại ở cách xa trường hơn 20km, bố mẹ Phúc lại phải đi làm sớm. Thế là hằng ngày, bố mẹ Phúc lại chở em đến nhà cô Liên để cô đưa đi học, cuối buổi lại đến nhà cô đón về.

Mầm hạnh phúc vươn cao
Bây giờ ở lớp học này, có những em khá thì đã biết viết, biết đánh vần và tính toán cộng trừ trong phạm vi 10. Những em còn lại thì tập tô, tập nhớ con số. Các em đã biết ngồi yên trong giờ học, nhớ hết các thành viên trong lớp, mỗi khi có ai nghỉ học là hỏi cô giáo tại sao bạn không đi học, bạn có bị ốm không?
Để khuyến khích cô giáo bao giờ cũng cho các em điểm 9, điểm 10. “Nếu cho điểm thấp, các em sẽ thấy chán, và không chịu đi học nữa. Thỉnh thoảng, cô giáo lại mua kẹo, vở, bút, thước kẻ hoặc đồ chơi làm phần thưởng cho các em, để tạo niềm vui, khuyến khích các em đến lớp”, cô Liên chia sẻ.
Các bậc phụ huynh cũng rất phấn khởi với những chuyển biến tuy chậm nhưng tích cực ở con em mình. Em Phùng Thị Hằng năm nay 19 tuổi, theo lớp học tình thương này đã 4 năm. Sau giờ học trên lớp, về nhà em đã biết giúp bố mẹ việc nhà, dọn dẹp, giặt giũ quần áo. “Cháu nó thích đi học lắm, gia đình tôi thực sự rất cảm ơn nhà trường đã giúp đỡ các em khuyết tật như cháu”, chị Hoàng Thị Phan, mẹ em Hằng xúc động nói.
Chị Võ Thị Giang, mẹ của em Sơn Trung Kha (13 tuổi), cho biết: “Tôi cho cháu đi học tại lớp học đặc biệt của Trường tiểu học Nghi Tân đã được 2 năm nay. May mà có lớp học này, nếu không con tôi cũng chỉ có ở nhà mà không được đến lớp. Cháu bị tự kỷ, rất bướng bỉnh, không chịu nghe lời ai cả. Cả bố mẹ, ông bà tập trung hết sức để dạy bảo cháu mà chỉ biết “đầu hàng”. Sau 2 năm đi học, bây giờ, cháu đã biết hết bảng chữ cái, các con số, học đánh vần, nhớ được số điện thoại của bố mẹ. Cháu có nhận thức hơn, sáng dậy sớm đi học, thích giao tiếp hòa nhập với mọi người. Năm ngoái, tôi đưa đón cháu đi học, nhưng năm nay cháu đã có thể tự đến trường bằng xe đạp”.
 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00

Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á phẫu thuật nhân đạo cho người nghèo tại Hải Phòng

Sáng 22/11, Đoàn công tác của Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á (APBA) do Giáo sư Bác sĩ Hattori Tadashi - Giám đốc dẫn đầu, đến khám và phẫu thuật nhân đạo cho bệnh nhân nghèo, mắc bệnh nặng về dịch kính võng mạc tại Hải Phòng.
2024-11-22 19:05:20

Fansipan rực rỡ sắc màu lễ hội hoa sen đá, giá vé cáp treo chỉ còn 550.000 đồng

Lầu đầu tiên được tổ chức tại Fansipan, Lễ hội hoa sen đá đem đến vô vàn trải nhiệm độc đáo cho du khách, đặc biệt khi Sa Pa đang vào mùa mây đẹp nhất năm.
2024-11-22 18:47:26

HEAD Honda Thắng Lợi lưu chuyển tiền thuần âm và chiến lược vượt khó

Mặc dù trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Công ty TNHH Thắng Lợi âm 225 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 1,7 tỷ đồng nhưng kết thúc năm 2023, công ty TNHH Thắng Lợi đạt hơn 711 tỷ đồng doanh thu, báo lãi sau thuế hơn 260 triệu đồng.
2024-11-22 17:40:02

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chặng đường tiếp theo của Việt Nam và Malaysia cũng như việc bảo đảm một hệ thống quốc tế công bằng, rộng mở phụ thuộc lớn vào sự phát triển vững mạnh của ASEAN.
2024-11-22 14:08:22

Hợp tác xã Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường kỷ niệm 10 năm thành lập

Hợp tác xã (HTX) Cựu chiến binh (CCB) Vạn Xuân Trường là mô hình được thành lập theo Luật HTX năm 2012, qua 10 năm hoạt động đã vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế tập thể, là HTX tốp đầu của tỉnh Nam Định về sản xuất kinh doanh.
2024-11-22 09:34:27
Đang tải...