Luật sư nói gì về vụ giả mạo chữ ký, "ăn" nguồn tiền xây dựng nghĩa trang liệt sỹ?
2019-07-07 15:59:41
0 Bình luận
Theo các luật sư, việc làm giả tài liệu của cơ quan rồi chiếm đoạt hơn nửa tỷ đồng tiền xây dựng nghĩa trang liệt sỹ tại huyện Đức Cơ, Gia Lai là hành vi tham “ô tài sản”, thậm chí có thể cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nhiều cán bộ sai phạm tại dự án xây dựng, mở rộng nghĩa trang liệt sỹ. |
Như báo NNVN đã đưa tin, ngày 4/7, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã có kết luận về việc quản lý, sử dụng ngân sách để tri trả thanh lý cây cao su, giao đất tái định cư cho hộ gia đình nằm trong diện giải phóng mặt bằng xây dựng, mở rộng nghĩa trang liệt sỹ theo quyết định (QĐ) xuất ngân sách số 1827/QĐ-UBND ngày 9/8/2018 của UBND huyện Đức Cơ.
Trong đó, Thanh tra chỉ ra sai phạm của nhiều cán bộ, lãnh đạo huyện Đức Cơ trong việc xây dựng, mở rộng nghĩa trang liệt sỹ huyện Đức Cơ.
Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Tứ - Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Đức Cơ có hành vi làm giả Quyết định số 42/QĐ-UBND ngày 9/1/2012 (QĐ 42) để cung cấp cho cơ quan thanh tra. Căn cứ vào QĐ 42 này ông Nguyễn Hồng Lam, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch (hiện Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ) ký lệnh chi 524 triệu, rồi sau đó ông Tứ chiếm dụng, chi tiêu cá nhân.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết, việc ông Nguyễn Xuân Tứ làm giả QĐ 42 là hành vi “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” rồi sau đó nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Do ông Tứ là cán bộ nhà nước nên đây được xem là hành vi “tham ô tài sản”. Còn nếu cho rằng ông Tứ “lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản” thì chưa hẳn đúng. Trước mắt phải xử lý về hành vi “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “tham ô tài sản”.
Cũng theo luật sư Hoan, đối với ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, biết hành vi sai phạm của ông Tứ mà làm ngơ, giúp sức thì phải xử lý về tội danh với vai trò đồng phạm.
Trong khi đó, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Gia Lai cho biết, theo chương 23 Bộ luật Hình sự về các tội phạm và chức vụ, xét thấy ông Tứ liên quan đến 2 hành vi “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “chiếm đoạt tài sản”. Với các hành vi trên có thể cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (vì ông Tứ lúc bấy giờ là Phó Chánh văn phòng, không có chức năng quản lý tiền nên không thể xét đến hành vi (tham ô tài sản”).
Cũng theo vị luật sư này, ông Lam liên quan đến hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ” khi để thất thoát nguồn ngân sách nhà nước.
Theo nguồn tin riêng của Báo NNVN, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai chuyển vụ việc sai phạm trên qua Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét, xử lý trước đối với các đảng viên vi phạm gồm: ông Nguyễn Hồng Lam, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; ông Nguyễn Xuân Tứ, Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện; ông Huỳnh Cân, Trưởng Ban Kinh tế xã hội HĐND huyện; ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng TC-KH huyện; ông Nguyễn Đông Dương, chuyên viên phòng TC-KH; cùng các cá nhân có liên quan đến sai phạm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
PV