Mắc 'nợ' cuộc đời

2019-12-12 09:47:43 0 Bình luận
Bà Phạm Thị Dần (57 tuổi), ở thôn Tạ Xá, xã Đại Thắng, H.Phú Xuyên, TP.Hà Nội. Bà cứ tự nguyện đi làm công việc... “mắc nợ với cuộc đời”.

Bà Phạm Thị Dần trong một lần đi tìm nhân chứng cùng các cựu chiến binh

Không để oan khuất cho những người đã hy sinh vì đất nước, hơn 17 năm qua, một phụ nữ ở H.Phú Xuyên, Hà Nội, đã cất công đi tìm nhân chứng, để giúp nhiều người mất trong chiến tranh, được ghi danh với lịch sử dân tộc.

Đó là bà Phạm Thị Dần (57 tuổi), ở thôn Tạ Xá, xã Đại Thắng, H.Phú Xuyên, TP.Hà Nội. Bà cứ tự nguyện đi làm công việc này như “mắc nợ với cuộc đời”.

Vén bức màn... quá khứ

Hơn 17 năm qua bà Dần cứ nghe tin ở đâu trên địa bàn huyện có người hy sinh trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ, mà chưa được công nhận, bà lại lặn lội đi tìm hiểu về quá khứ của họ, để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, đề nghị nhà nước vinh danh. Đến nay đã có hàng chục trường hợp được bà tìm kiếm và được công nhận là anh hùng, liệt sĩ. Trong số đó có Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Văn Tôn - người thiếu niên du kích quả cảm đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp khi mới 12 tuổi.

Gia đình liệt sĩ Trương Văn Tôn cũng không biết bà Dần đã lặng lẽ làm công việc đó cho đến khi liệt sĩ được vinh danh. Họ ngỡ ngàng và xúc động trước việc làm của bà Dần, coi bà như một người thân. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trương Văn Mong (ở xã Phú Thịnh, H.Kim Động, tỉnh Hưng Yên), cháu họ liệt sĩ Trương Văn Tôn, kể: “Gia đình chỉ biết ông tôi hy sinh trong kháng chiến chống Pháp ở Phú Xuyên, Hà Nội. Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình không có điều kiện đi tìm hiểu, cho đến khi được bà Dần báo tin ông đã được nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng. Họ hàng chúng tôi rất cảm động trước tấm lòng của bà Dần”.

Bà Dần với cặp hồ sơ lúc nào cũng mang bên mình để đi... cãi nhau

Đặc biệt, trong quá trình tìm về quá khứ, bà Dần đã phát hiện ra nhiều trường hợp còn bị oan khuất. Bà nhớ nhất là trường hợp của cụ Trần Văn Quăng ở xã Văn Nhân, H.Phú Xuyên, người vừa được công nhận là liệt sĩ sau 64 năm bị nghi oan là “Việt gian bán nước”.

Bà Dần kể, cụ Quăng bị dân làng truyền tai nhau là đã chỉ điểm hầm nuôi giấu cán bộ và bị giặc giết, phơi thây ở làng... Nhưng sau khi bà tìm được nhân chứng là một người đã nuôi giấu cụ Quăng và được nghe kể lại câu chuyện bi hùng về cụ thì mới biết sự thật hoàn toàn ngược lại.

“Trong một lần đi liên lạc cụ bị địch bắt, chúng đưa lên đồn tra khảo 3 ngày rồi đưa cụ về làng, bắt chỉ nơi nuôi giấu cán bộ. Cụ Quăng đã chỉ nhưng cố tình chỉ sai, địch đào bới không thấy mới điên lên và bắn cụ ngay tại chỗ. Giặc còn kéo lê xác cụ rồi bỏ đấy không cho ai chôn...”, bà Dần xúc động kể lại.

Xách cặp là đi... cãi nhau

Chia sẻ về công việc “lạ lùng” của mình, bà Dần cho biết, bà sinh ra ở mảnh đất Phú Xuyên, là cửa ngõ phía nam của thủ đô Hà Nội. Thời chống Mỹ, nơi đây bị bắn phá dữ dội bởi khu vực này là lưới lửa phòng không, ngăn máy bay địch vào Hà Nội.

Vì thế có nhiều dân quân du kích, nhiều thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh, nhưng đến nay vẫn nhiều người chưa được công nhận liệt sĩ. “Tôi đã trăn trở rất nhiều. Trong chiến tranh bộ đội hy sinh thì được công nhận là liệt sĩ, nhưng dân quân du kích và thanh niên xung phong thì việc công nhận còn khó khăn, nên tôi đã đi tìm nhân chứng để hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ, đề nghị nhà nước công nhận cho họ. Chỉ cần một người thông báo là có trường hợp này, trường hợp kia còn chưa được công nhận là tôi đã cảm thấy có trách nhiệm với một con người rồi. Cần phải tìm lại cho họ một danh dự, một sự hy sinh có ý nghĩa, vì có họ thì mới có ngày hôm nay”, bà Dần trải lòng.

Bà Dần cũng cho biết, càng tìm hiểu, bà càng thấy trăn trở. “Nếu không làm thì tôi không thể chịu được, cứ như mắc nợ với cuộc đời. Và cứ làm xong thì tôi mới cảm thấy yên lòng”, bà Dần nói.

 

Bà Dần luôn trăn trở tìm hiểu về những người đã hy sinh trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ

Kể lại quá trình đi tìm kiếm nhân chứng, bà Dần cho biết đó là hành trình không ít gian nan. Có những cuộc tìm kiếm như mò kim đáy bể, bởi đồng đội của các liệt sĩ thì người còn người mất, nhiều người đã già yếu không còn minh mẫn nữa. Nhiều lần bà đã bật khóc khi tìm được nhân chứng, nhưng họ không thể xác nhận cho mình.

Dù khó khăn nhưng bà Dần không bỏ cuộc, bà lặn lội tới từng cơ sở đã nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ, gặp các nhân chứng, cán bộ lão thành cách mạng, tìm hiểu ngọn nguồn để đưa vào hồ sơ. Có khi phải mất vài năm bà mới tìm gặp được nhân chứng. Có những trường hợp còn phải dùng cả lý lẽ thì hồ sơ mới được công nhận. Bà Dần kể: “Có những lần khi làm việc với các cán bộ phòng lao động thương binh xã hội, tôi cũng phải tranh luận để bảo vệ lý lẽ. Vì vậy mà tôi thường nói đùa là đi... cãi nhau”.

Nhớ lại trường hợp đi làm hồ sơ cho liệt sĩ Trần Văn Quăng, bà Dần kể: “Khi nghe nhân chứng kể ông Quăng bị bắn chết tại chỗ và địch còn đe dọa không cho ai chôn, tôi đã thấy có bằng chứng rồi vì nếu là Việt gian, chỉ đúng nơi nuôi giấu cán bộ thì ông Quăng sẽ không bị giết tàn nhẫn như vậy. Và khi “túm” được chi tiết có sức thuyết phục đó, tôi mới đem đi... cãi nhau. Nên cứ khi thấy tôi xuất hiện ở trụ sở huyện thì các cán bộ nhìn thấy từ xa đã bảo: Đấy bà Dần lại chuẩn bị đến “cãi nhau” rồi đấy!”.

Bà Dần không biết đi xe máy, xe đạp, chỉ toàn đi bộ. Nên người ta thường nhìn thấy hình ảnh quen thuộc là bà Dần xách một cái cặp đầy hồ sơ, lạch bạch đi bộ đến các nơi để làm việc. Ai cũng biết bà Dần đến “cãi nhau” nhưng ai cũng quý bà, vì những điều bà nói đều có lý, có tình. Với những cống hiến đó, năm 2018, bà Dần đã được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội trao tặng danh hiệu Người tốt việc tốt.

Hoàn cảnh khó khăn vẫn đi làm việc tốn công tốn của

Điều bất ngờ với tôi khi tìm hiểu về bà Dần là hoàn cảnh của bà rất éo le. Bà vốn tốt nghiệp khoa văn, Trường CĐ Sư phạm Hà Tây (cũ) nhưng không theo nghề giáo viên mà lấy chồng, rồi làm cán bộ ở một cơ quan nhà nước. Sau thời kỳ bao cấp, cơ quan đó giải thể, bà mất việc. Chồng lại mất vì ung thư khi bà mới 22 tuổi, để lại một đứa con thơ dại, nên bà một mình tần tảo nuôi con với đủ thứ nghề: bán kem, đóng than, đóng gạch, thợ may...

Nhờ có sở trường viết văn, viết kịch bản sân khấu, lại thông thạo về lịch sử văn hóa, nên bà được địa phương mời tham gia nhiều hoạt động văn hóa, xã hội trên địa bàn, đồng thời bà cũng viết bài gửi cộng tác với các báo để có nhuận bút mưu sinh... Khoản thu nhập ít ỏi này bà cũng dành dụm để đi làm các công việc ý nghĩa suốt 17 năm qua.

Vì vậy, giờ bà vẫn sống một cuộc sống còn khó khăn trong ngôi nhà cấp 4 rộng chừng hơn 20 m2. Con trai bà làm nghề lái xe tải, thu nhập không ổn định, lại nuôi 3 đứa con vì vợ anh mắc bệnh hiểm nghèo. Bà Dần còn phải nuôi một người em trai tàn tật, nên cuộc sống còn không ít gian nan.

Khi tôi thắc mắc vì sao hoàn cảnh khó khăn là vậy bà vẫn đi làm cái việc “bao đồng” vừa tốn công vừa tốn của, bà Dần nói: “Cuộc đời còn có nhiều người khó khăn hơn mình, nên tôi vẫn bằng lòng với cuộc sống của mình, chỉ mong sao có sức khỏe để giúp được nhiều người hơn nữa”.

 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hội nghị Trung ương 10: Cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, hôm nay (18/9) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII tổ chức Hội nghị lần thứ 10 tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược và một số việc cụ thể.
2024-09-19 16:02:36

Hà Giang: CSGT đến tận trường phổ biến luật ATGT cho học sinh

Để hạn chế tai nạn giao thông xảy ra, đặc biệt là đối với các em học sinh, Đội 2 Phòng CSGT Công tỉnh Hà Giang phối hợp với Trường PTDT nội trú THPT tỉnh Hà Giang tổ chức buổi tuyên truyền, giáo dục Luật giao thông đường bộ cho các em học sinh trong trường.
2024-09-19 15:04:52

Chính sách ưu đãi đối với Doanh nghiệp của thương binh và NKT: Những bất cập cần giải quyết

Hiện nay, Việt Nam các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật còn thiếu đồng bộ và bất cập. Nhìn chung, việc tiếp cận các chính sách ưu đãi trên của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là Người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống.
2024-09-19 10:50:25

Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trong đêm 18/9, gây gió mạnh, sóng lớn ven biển và đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Để chủ động ứng phó, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
2024-09-19 10:25:26

Nghĩa tình thủy chung của Bộ đội Cụ Hồ với bạn bè quốc tế

Truyền thống nghĩa tình thủy chung quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ có cội nguồn sâu xa từ truyền thống nhân nghĩa yêu thương của người Việt Nam “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”.
2024-09-19 10:07:15

Văn bản Phúc đáp của Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc Phòng

Ngày 30/7/2024, Tạp chí điện tử Hòa nhập nhận được Đơn đề nghị ghi ngày 23/7/2024 của cựu chiến binh (CCB) Trương Công Ninh (Sinh năm 1954), đối tượng hưởng trợ cấp chất độc hóa học dioxin; hiện đang ngụ tại số nhà 18 đường Trương Đăng Quỹ, tổ dân phố Đông Trung, thị trấn Kiến Xương, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
2024-09-18 18:57:28
Đang tải...