Mâu thuẫn pháp lý đang cản trở mục tiêu xây dựng xanh tại Việt Nam
Khung pháp lý rõ ràng, nhưng thiếu công cụ thực hiện
Luật Xây dựng (sửa đổi) năm 2020 đánh dấu một bước tiến đáng kể trong định hướng phát triển công trình hiệu quả năng lượng. Khoản 9 Điều 5 của Luật quy định rõ: “Khi lập và thực hiện quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình xây dựng, phát triển vật liệu xây dựng phải có giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường.” Không chỉ dừng ở mức khuyến khích, đây là một nghĩa vụ bắt buộc cho toàn bộ chu trình xây dựng.
Tiếp đó, Nghị định 15/2021/NĐ-CP tại Điều 7 cụ thể hóa yêu cầu về các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng, đồng thời nhấn mạnh việc phát triển các công trình xanh, công trình tiết kiệm tài nguyên như một xu hướng cần được thúc đẩy theo lộ trình của Chính phủ.
Bên cạnh đó, QCVN 09:2017/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả – đã được áp dụng bắt buộc từ năm 2018 đối với các công trình có tổng diện tích sàn từ 2.500m² trở lên. Quy chuẩn này đề cập đến các tiêu chí cụ thể liên quan đến lớp vỏ bao che, hệ thống chiếu sáng, thông gió, điều hòa và thiết bị điện. Thực tế là quy chuẩn về công trình hiệu quả năng lượng đã có từ năm 2005 và hầu như không được áp dụng trong thực tế. Về áp dụng quy chuẩn hiệu quả năng lượng như thế nào cho đúng, cho phù hợp với mục tiêu Net Zero 2050 sẽ là một chủ đề dài, sẽ được làm rõ trong 1 bài viết khác.
Các quy định trên cho thấy Việt Nam đã có một khung pháp lý tương đối đầy đủ để thúc đẩy công trình hiệu quả năng lượng - một phần thiết yếu của chiến lược giảm phát thải và phát triển bền vững.
Nội dung thiết kế bị bỏ quên trong Định mức chi phí
Tuy nhiên, bất cập lại nảy sinh từ các văn bản kỹ thuật hướng dẫn triển khai. Cụ thể, Thông tư 12/2021/TT-BXD về định mức chi phí thiết kế xây dựng hiện hành - một văn bản có tính quyết định trong quá trình phê duyệt, thanh toán chi phí thiết kế - lại chưa cập nhật các hạng mục liên quan tới công trình xanh.
Theo phụ lục Thông tư này, các nội dung như: lựa chọn phương án tiết kiệm năng lượng, thiết kế hệ thống điều khiển thông minh, , hay lập báo cáo tác động môi trường, lập cam kết bảo vệ môi trường (có thể hiểu là các dạng chứng nhận xanh, hiệu quả năng lượng), lập các báo cáo, hồ sơ thỏa thuận chuyên ngành theo yêu cầu của chủ đầu tư ... – đều chưa được bao gồm trong định mức chi phí thiết kế ban hành. Riêng lựa chọn phương án tiết kiệm năng lượng yêu cầu bắt buộc theo luật và quy định hiện hành, quy định cũng khuyến khích các hoạt động thực hiện cam kết bảo vệ môi trường,... nhưng cuối cùng lại không có cơ sở thanh toán chi phí, đặc biệt trong các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước vốn phải tuân thủ chặt chẽ định mức được duyệt.
Điều này khiến chủ đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công, lúng túng trong triển khai. Đối với khu vực tư nhân, việc thiếu khung tham chiếu chi phí cũng gây khó khăn trong đàm phán và ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn, đồng thời tạo rủi ro pháp lý cho các bên liên quan.
Hậu quả thực tiễn: dự án bị “trói tay”, nhà đầu tư chùn bước
Theo thống kê từ các tổ chức chuyên ngành, 90% công trình cao tầng tại Việt Nam không tích hợp giải pháp tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn thiết kế , hoặc nếu có, thì chỉ định tính sơ bộ, không có tính toán lợi ích, lượng hoá chi tiết, một phần nguyên nhân chính là do thiếu cơ sở tài chính hợp pháp.
Trong lĩnh vực đầu tư công, chủ đầu tư không thể thanh toán chi phí thiết kế điều khiển thông minh (hạng mục này rất quan trọng trong thực hành tiết kiệm năng lượng) hay tư vấn chứng nhận công trình xanh (1 dạng cam kết bảo vệ môi trường, hoặc hiểu rộng là thoả thuận chuyên ngành khác) nếu không nằm trong định mức hiện hành. Trong khi đó, các khoản chi này không hề nhỏ: hệ thống BMS có giá từ 2,5-7,5 USD/m² tùy quy mô, còn tư vấn xanh dao động tự do, không có số liệu cụ thể nào, tuỳ loại chứng chỉ và hạng mức mong muốn (LOTUS, LEED…), thiết kế có kèm theo lựa chọn giải pháp tiết kiệm năng lượng thậm chí là một hạng mục khó và đòi hỏi tính toán chuyên biệt, mà rất hiếm đơn vị có năng lực tính toán đủ để đưa ra số liệu kinh tế năng lượng, giúp hỗ trợ ra quyết định thiết kế. Làm mô hình hoặc thí nghiệm mô hình thủy lực công trình: là các kỹ thuật tính toán chi tiết để kiểm tra, điều chỉnh nhằm đạt được chất lượng thiết kế, vận hành cao hơn (ứng dụng phổ biến: kiểm tra tiện nghi nhiệt trong không gian sử dụng, kiểm tra khả năng giải nhiệt dàn nóng VRF,…);. Các phần viêc này đều không có cơ sở hạch toán, đồng nghĩa với việc phải loại bỏ khỏi thiết kế, dù đó là điều luật bắt buộc hay khuyến khích.
Với khu vực tư nhân, mặc dù không chịu ràng buộc định mức nhà nước, nhưng việc thiếu một khung chi phí tham chiếu khiến cho việc đàm phán hợp đồng giữa chủ đầu tư và đơn vị thiết kế trở nên rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh kiến thức chuyên môn về hiệu quả năng lượng còn thiếu hụt.
Hệ quả kéo theo là nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế tòa nhà hiệu quả năng lượng, công trình thân thiện môi trường đang rất khan hiếm, do không có động lực thị trường để đào tạo và phát triển đội ngũ. Trong khi thế giới đã có những tiêu chuẩn cao về mô phỏng năng lượng, phân tích hiệu suất vận hành thì Việt Nam vẫn đang thiếu trầm trọng năng lực chuyên môn cơ bản.
Bài học quốc tế: Chính sách, tài chính và thực thi phải đồng bộ
Singapore là một ví dụ điển hình. Chính phủ nước này không chỉ đưa ra yêu cầu về công trình xanh, mà còn thiết lập hệ thống khuyến khích tài chính đồng bộ. Green Mark Incentive Scheme cung cấp đến 15 triệu SGD/năm để hỗ trợ chi phí thiết kế xanh (50% trước, 50% sau khi hoàn thành), đồng thời thưởng thêm 1-2% diện tích sàn cho tòa nhà đạt chứng nhận cao. Nhờ đó, tính đến nay đã có hơn 4.500 công trình đạt chứng nhận Green Mark, chiếm gần 26% tổng diện tích xây dựng tại Singapore.
Một số quốc gia ASEAN khác sử dụng các công cụ tài chính như Quỹ ASEAN về hạ tầng xanh (ACGF), trái phiếu xanh, hoặc hỗ trợ ưu đãi thuế, giảm phí thuê đất… để hỗ trợ doanh nghiệp.
Xây dựng và phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu.
Khuyến nghị: Hành động đồng bộ trên ba trụ cột
Để gỡ bỏ mâu thuẫn đang cản trở quá trình xây dựng xanh tại Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ trên ba trụ cột chính:
Thứ nhất, sớm điều chỉnh Thông tư 12/2021/TT-BXD, bổ sung các chi phí thiết kế công trình xanh như: thiết kế hệ thống điều khiển thông minh, lựa chọn phương án tiết kiệm năng lượng trong quá trình thiết kế, lựa chọn thiết bị, chi phí tư vấn chứng nhận công trình thân thiện môi trường… Đồng thời, nghiên cứu ban hành hệ số điều chỉnh định mức phù hợp với đặc thù từng loại công trình (chẳng hạn hệ số k = 1,15 đối với công trình có hệ thống tự động hóa).
Thứ hai, xây dựng và vận hành cơ chế tài chính hỗ trợ hiệu quả, như: thành lập Quỹ hỗ trợ Tòa nhà Xanh từ nguồn Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và các khoản viện trợ quốc tế; miễn, giảm, hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp đầu tư công trình xanh đạt các mục tiêu giảm phát thải rõ ràng, phù hợp với định hướng Net zero 2050 đã cam kết của chính phủ; giảm thuế nhập khẩu thiết bị tiết kiệm năng lượng; ưu đãi tiền thuê đất cho các dự án vượtxa chuẩn tiết kiệm năng lượng, chạm vào các mục tiêu Net Zero 2050 trước thời hạn.
Thứ ba, thiết lập lộ trình thực thi và tăng cường năng lực triển khai: Giai đoạn 2025 - 2027: sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; triển khai 20 dự án thí điểm; mở rộng yêu cầu bắt buộc cho công trình từ 1.500m² trở lên trong giai đoạn 2028 - 2030; Đồng thời, cần đào tạo tối thiểu 300 - 500 chuyên gia thiết kế công trình hiệu quả năng lượng, công trình thân thiện môi trường trong 5 năm tới, thông qua hợp tác quốc tế và chương trình hỗ trợ kỹ thuật từ ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Úc, bắc Mỹ….
Tóm lại, trong nhiều năm qua, chưa có sự hỗ trợ nào rõ ràng từ phía chính sách cho các toà nhà thân thiện môi trường, mặc dù các văn bản luật cấp cao đã nêu rõ việc này. Hiện tại, mâu thuẫn giữa các yêu cầu bắt buộc về hiệu quả năng lượng và sự thiếu hụt quy định chi phí thiết kế tương ứng đang trở thành rào cản nghiêm trọng đối với tiến trình phát triển công trình thân thiện môi trường tại Việt Nam. Theo ước tính của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Việt Nam có tiềm năng thu hút tới 80 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực tòa nhà xanh trong những thập kỷ tới. Do đó, việc tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý này không chỉ là yêu cầu cấp thiết từ góc độ thực thi luật pháp, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho toàn ngành xây dựng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.