Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam mách mẹo giúp con học tốt ngoại ngữ
Nếu bạn đang băn khoăn trước câu hỏi “Cho con học ngoại ngữ khi nào?”, hay “Học ngoại ngữ thế nào cho hiệu quả?”, thì bà mẹ thông minh Phan Hồ Điệp sẽ mách bạn một vài mẹo nhỏ để kích hoạt khả năng ngôn ngữ của con.
Duy trì hứng thú
Có nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh việc học ngoại ngữ của con, cùng với đó sẽ có nhiều lời giải. Nhưng điều đầu tiên, và cũng là quan trọng nhất, đó là duy trì hứng thú của con với ngôn ngữ.
Bạn có thể cho con tiếp cận ngoại ngữ sớm, nhưng hãy nhớ “tiếp cận” khác với “học." Tiếp cận có nghĩa là bạn để con thấy một ngôn ngữ khác, một cách diễn đạt khác thú vị và đáng yêu không kém ngôn ngữ hàng ngày. Hãy bắt đầu bằng những thứ con yêu thích, đó có thể là các bài hát, các bộ phim hoạt hình, các cuốn truyện tranh tiếng nước ngoài… Bạn đừng nóng vội, ép con nói theo hoặc phát âm cho đúng. Hãy để con được tự nhiên, học mà như không.
Ngày bé, Nam được nghe và hát những bài hát tiếng Anh đơn giản. Bài hát chỉ có hai câu: ''Chào con, mẹ yêu con. Chào mẹ, con cũng yêu mẹ.'' Vậy mà hai mẹ con ngân nga hát cả ngày không chán.
Ở thời kỳ “tiếp cận” này, điều quan trọng là mẹ luôn nhớ phát triển vốn từ, cách giao tiếp, diễn đạt bằng tiếng Việt cho con, vì chính quá trình hình thành và phát triển tiếng mẹ đẻ sẽ hỗ trợ cho việc học ngoại ngữ.
Đi học thì phải vui
Để lựa chọn một trung tâm ngoại ngữ phù hợp với con, bạn nên cho con học thử rồi cân nhắc tiếp tục hay không theo những tiêu chí sau:
- Con có hào hứng với việc học hay không? Nếu con luôn vui vẻ khi bố mẹ đón, luôn kể mọi chuyện về lớp học, chia sẻ cảm nghĩ của mình về thầy/cô, bạn bè thì đó là dấu hiệu cho thấy con đang yêu thích môi trường học tập đó.
- Con có thích áp dụng những điều đã học ở lớp không? Có nhiều bé đi học về sẽ “gói ghém” bài học trên lớp, không thích chia sẻ với mẹ. Thậm chí, có bé còn lập luận: “Con không nói vì mẹ có biết ngoại ngữ đâu." Nhưng trên thực tế, các trung tâm tốt sẽ luôn khuyến khích để bé có thể tương tác nhiều nhất với những người xung quanh.
- Con có tham gia các hoạt động tập thể, đặc biệt là những hoạt động đòi hỏi sử dụng ngoại ngữ? Bởi học một ngôn ngữ mới là để con mở rộng khả năng giao tiếp, vì vậy hãy ghi nhận sự tiến bộ của con từng ngày thông qua những hoạt động ngoại khóa này.
Học và chơi cùng con
Nếu bạn đã yên tâm với việc giảng dạy của trung tâm ngoại ngữ, xin chúc mừng, điều tiếp theo nên làm là: dạy cho con khả năng tự học. Con cần có khả năng tự học bằng các con đường khác nhau. Với Nam, con đi học tại trung tâm ngoại ngữ 6 tháng, sau đó là giai đoạn tự học ở nhà. Thời gian này, con cần sự đồng hành, hỗ trợ của bố mẹ.
Hãy mua các giáo trình phù hợp với khả năng của con, và kiên trì theo đuổi giáo trình đó. Ít nhất hãy dành 1 tiếng/ngày để cùng con ôn luyện. Khuyến khích con thực hiện các bài kiểm tra định kỳ trên mạng, 3 hoặc 6 tháng/lần. Hỏi con về số điểm con kỳ vọng, và đặt mục tiêu phấn đấu cùng con.
Bố/mẹ có thể đọc sách ngoại ngữ cho con, ưu tiên những chủ đề mà con thích. Hoặc cùng con xem bộ phim hoạt hình bằng tiếng Anh. Sau đó, hãy đặt câu hỏi cho con, khơi gợi khả năng phân tích, cảm nhận của con; đồng thời cần khuyến khích con chủ động đặt câu hỏi. Việc này giúp con vận dụng trí tưởng tượng và khả năng sử dụng ngôn ngữ. Hãy học thông qua những gì con thích nhất. Nếu bé thích ăn uống, hai mẹ con sẽ cùng vào bếp. Nhờ bé lên mạng tìm kiếm các clip hướng dẫn nấu ăn bằng tiếng Anh (hay ngoại ngữ khác), nói lại cho mẹ rồi hai mẹ con bắt tay vào nấu.
Quan trọng nhất là bố mẹ xây dựng cho con ý thức tự học, và sự háo hức thích tìm hiểu. Niềm yêu thích này sẽ giúp con coi việc học là nhẹ nhàng, dễ chịu.
Bạn hãy tin tưởng rằng, khi con được học và chơi một cách thoải mái, thì ngoại ngữ hay bất cứ môn học nào khác sẽ không còn là trở ngại với con nữa.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.