Môi trường hoà nhập cho học sinh khiếm thị
Từ năm 1982 đến năm 1988, là một ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ em khiếm thị nhưng từ năm 1988 cho đến nay, Trường đã thực hiện mô hình giáo dục hoà nhập trẻ khiếm thị với trẻ em mắt sáng. Trải qua một phần ba thế kỷ hình thành và phát triển, Trường đã nhiều năm liên tục là một trong những đơn vị xuất sắc của thành phố Hà Nội. Điều đó khẳng định giáo dục hoà nhập sẽ mang lại một môi trường học tập bình đẳng và toàn diện cho trẻ khiếm thị.
Được tận mắt chứng kiến các em khiếm thị chơi đùa và học tập cùng với các bạn bình thường khác mới thấy được hướng đi đúng đắn của nhà trường khi thực hiện mô hình giáo dục hoà nhập. Không hề có sự khác biệt giữa các em, các em cùng chơi đùa, cùng đọc sách, cùng học tập. Nhà trường đã tối ưu hoá tất cả các dụng cụ giảng dạy để các em khiếm thị có thể cùng sinh hoạt trong một môi trường chung với các bạn mắt sáng mà không gặp một chút khó khăn nào. Từ sách, vở đến các dụng cụ dạy học đều được các cô giáo tự tay dịch sang chữ nổi để các em khiếm thị có thể dễ dàng sử dụng, phục vụ cho công việc học tập của mình.
Ảnh: Một quyển truyện tranh đã được các cô giáo trong trường tự chuyển sang chữ nổi
Ảnh: Dụng cụ hỗ trợ trong học tập đã được chuyển sang chữ nổi
Ảnh: Bản đồ Việt Nam được làm chữ nổi
Theo số liệu thống kê của nhà trường, năm học 2015 – 2016, tổng số học sinh toàn trường có 1.701 em trong đó học sinh khiếm thị là 105 em, độ tuổi từ 6 – 20 tuổi.
Để đảm bảo chất lượng giáo dục, một lớp học có từ 5 – 6 em học sinh khiếm thị, các em được ngồi xen kẽ với các bạn mắt sáng và học chương trình cùng nhau như bình thường. Cô Nguyệt Hằng – Quản lý thư viện, tâm sự: Các em học sinh luôn giúp đỡ và yêu thương nhau, không chỉ giữa các học sinh khiếm thị với nhau mà ngay cả giữa các em khiếm thị và các em mắt sáng. Đối với các em mới đến, chưa quen trường, quen lớp sẽ được các bạn mắt sáng giúp đỡ như: dìu đi, giúp đỡ khi lên lớp học. Đối với các em ở trong ký túc xá thì những em nhỏ hơn, những bạn mới đến sẽ được các anh chị lớn hơn, những bạn đã ở lâu giúp đỡ trong sinh hoạt hằng ngày như đi ăn cơm, giặt quần áo.
Ảnh: Cô Nguyệt Hằng - Quản lý thư viện
Cùng học tập với nhau dưới một mái trường, học chung một lớp, ngồi chung một bàn, nghe chung một bài giảng, sống chung với nhau trong một môi trường đầy ắp những ước mơ và hoài bão, dường như đã không còn khoảng cách giữa các em khiếm thị với các em mắt sáng. Đối với các em – những búp măng non – thế hệ tương lai của đất nước, các em đã nhận thức được như vậy quả là điều đáng trân trọng. Các bậc làm cha, làm mẹ, những người định hướng cho tương lai của con em mình đã không quản ngại để con em mình học cùng với người khiếm thị, đó cũng là hành động giúp các em khiếm thị có thêm sự lạc quan vào cuộc sống.
Cô Nguyệt Hằng chia sẻ thêm: Học sinh khiếm thị sau khi tốt nghiệp THCS, sẽ được nhà trường gửi vào các trường THPT trên địa bàn các em sinh sống để tiếp tục học tập. Do được rèn luyện và chuẩn bị từ trước nên các em hoà nhập rất nhanh và thuận lợi. Có rất nhiều em đã học hết đại học và chuyển lên học thạc sĩ, tiến sĩ. Các em sau khi tốt nghiệp đều có thể tìm được công việc phù hợp và có một cuộc sống ổn định.
Một số em sau khi tốt nghiệp vẫn nhớ đến trường lớp và thầy cô, thường xuyên quay lại để giúp đỡ các em học sinh khóa dưới. Cầm trên tay tấm thiệp mời đám cưới của một học sinh khiếm thị cũ, cô Nguyệt Hằng không giấu được vẻ mặt hạnh phúc và niềm hân hoan.
Trẻ em khiếm thị cũng giống như bao trẻ em bình thường khác, các em cũng có quyền được mơ ước, vui chơi, học hỏi, được hòa mình với cuộc sống, cộng đồng … và mái trường Nguyễn Đình Chiểu chính là nơi đã giúp các em thực hiện được những bước đi đầu tiên trong hành trình thực hiện ước mơ của mình. Ước mơ đó là được đến trường, được học chữ, được hòa mình vui chơi, chia sẻ với bạn bè và được sự yêu thương, đùm bọc, tận tình dạy bảo của các thầy cô giáo. Dìu dắt các em thành người đồng nghĩa với việc các thầy, cô giáo đã đóng góp một phần công sức của mình cho đất nước, làm cho đất nước ngày càng văn minh và phát triển. Đó cũng là động lực lớn lao giúp các em khiếm thị có niềm tin hơn nữa vào cuộc sống, vượt qua rào cản kì thị của xã hội và sự tự ti của bản thân để vươn lên.
Trong những năm qua, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước, các Ban, Ngành, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước. Chính sự hỗ trợ đó đã giúp đỡ cho nhà trường có điều kiện để các em có một môi trường học tập tốt nhất, giúp các em vững bước trên con đường tương lai.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.