“Một ông dấn ga, ba ông đạp phanh”
Chẳng là cách đây ít lâu, Bộ Tư pháp tổ chức kỳ thi tuyển lãnh đạo cấp vụ một số đơn vị thuộc Bộ và công bố 3 ứng viên trúng tuyển. Trong đó, ông Lê Đình Vinh - Giám đốc Cty Luật TNHH Vietthink trúng tuyển chức danh Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội. Các nguồn tin cho hay, Luật sư Vinh sinh năm 1972, làm tiến sĩ luật ở ĐH Tổng hợp Kyushu, Nhật Bản. Ông từng làm giảng viên ĐH Luật Hà Nội, Phó trưởng Ban thư ký lãnh đạo Văn phòng Bộ Tư pháp.
Thế rồi vì “một ông dấn ga, ba ông đạp phanh”, với lý do “vượt quá tầm tay” mà hôm mới đây, Bộ Tư pháp đã ra quyết định bổ nhiệm một người không tham gia thi tuyển làm Hiệu trưởng Trường ĐH này.
Thôi thì trăm sự là tại “cái ông cơ chế”, nhưng không hiểu sao, khi nghĩ đến sự suôn sẻ của cuộc thi tuyển chức danh Tổng cục trưởng ở Bộ GTVT cách đây hơn một năm mới thấy, dường như có sự không đồng nhất về cách tư duy cũng như tổ chức tìm kiếm người tài cho bộ máy Nhà nước.
Trong cuộc thi này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã gửi thông điệp của mình tới công chúng qua báo chí: “Việc thi tuyển này phải công khai minh bạch, rõ ràng, không có chuyện mập mờ hay ẩn ý gì ở đây. Có một số đồng chí trong Ban giám khảo hỏi tôi là Bộ trưởng định chọn ai? Tôi trả lời là nếu đã định ai thì thi làm gì? Nếu đã định ai trúng mà lại tổ chức thi tuyển thì đồng nghĩa với việc xúc phạm chính mình, là đi ngược lại với chủ trương của Đảng, Chính phủ và lừa dối người dự thi. Lại có người có trách nhiệm hỏi và đề nghị với tôi là sau khi thi xong thì Ban Cán sự Đảng họp để biểu quyết, tôi không đồng tình và cũng nói rằng nếu biểu quyết thì thi làm gì nữa…”.
Thông điệp ấy nói lên một điều, nếu đã tổ chức thi tuyển thì kết quả thi là quyết định duy nhất đúng.
Tưởng là cách làm tiên tiến ấy sẽ được tiếp tục, ai ngờ lại bị “phanh” khựng lại ở Bộ Tư pháp. Thế mới thấm thía một câu cửa miệng của người dân hiện nay: “Hà Nội không vội được đâu!”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.