Một số vấn đề cần tháo gỡ về chính sách đối với doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật
Hệ thống chính sách và pháp luật phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Trong đó có nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến các đối tượng thương, bệnh binh, người khuyết tật (NKT) và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của thương binh và NKT. Diện thụ hưởng chính sách trên ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên.
Các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của thương binh và NKT được thể hiện thông qua văn bản pháp luật quan trọng như: Bộ Luật Lao động 1994 (và 2005); Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng 1994; Pháp lệnh Người tàn tật 1998; Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2005 (và 2012), các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện và nhiều Luật, văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực khác có liên quan.
Sau khi Việt Nam là thành viên thứ 118 tham gia ký Công ước Quốc tế về các Quyền của NKT vào tháng 10 năm 2007. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2008/QĐ – TTg, ngày 14/4/2008 về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cơ sở sản xuất dành riêng cho người lao động tàn tật.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, đã thông qua Luật NKT ngày 17/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2012/NĐ – CP, ngày 10/4/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2012. Ngoài ra các Bộ, Ngành Trung ương đã ban hành nhiều thông tư, văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ; Đồng thời cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, đề án, để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức thực hiện Luật.
Qua nghiên cứu hệ thống các văn bản pháp luật trong đó có các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của thương binh và người khuyết tật và trực tiếp là đối tượng thụ hưởng các chính sách ưu đãi đó. Chúng tôi xin có một số ý kiến chia sẻ như sau:
Thứ nhất: Khái niệm “NKT” được nêu trong Luật NKT 2010, không rõ dẫn đến việc hiểu và áp dụng luật không đúng. Vì theo khái niệm trên, nhiều cấp, ngành, địa phương chỉ hiểu cứng nhắc: những đối tượng khuyết tật quy định trong Luật chỉ đơn thuần là khuyết bẩm sinh. Nên có địa phương không công nhận thương binh và người hưởng chế độ như thương binh là NKT. Trên thực tế thì ở nước ta người bị khuyết tật do nhiều nguyên nhân gây nên, như: bẩm sinh (đây là nguyên nhân chủ yếu), tai nạn, chiến tranh…( hiện cả nước có gần 800.000 thương binh và người hưởng chế độ như thương binh – theo Bộ Lao động thương binh và Xã hội). Tình trạng trên dẫn đến địa phương này không công nhận doanh nghiệp sử dụng lao động thương binh là doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT.
Theo chúng tôi, khái niệm “NKT” (hay người tàn tật) được nêu trong Pháp lệnh Người tàn tật 1998 xác định được rõ nét đối tượng mà không phân biệt nguyên nhân gây nên khuyết tật của đối tượng, như ở điều 1 và 2 của pháp lệnh:
“Điều 1: Người tàn tật theo quy định của Pháp lệnh này không phân biệt nguồn gốc gây ra tàn tật là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn.
Điều 2: Người tàn tật là thương binh, bệnh binh được quy định tại Điều 12 và Điều 13 của "Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng" được Nhà nước và xã hội tôn vinh, ngoài việc được hưởng chế độ ưu đãi riêng của Nhà nước theo pháp luật, còn được hưởng những quyền lợi trong Pháp lệnh này mà chế độ ưu đãi riêng chưa quy định”.
Thứ hai: Việc công nhận “doanh nghiệp của NKT” có sự khác biệt lớn về tỷ lệ NKT được thu hút vào làm việc trong doanh nghiệp. Cụ thể:
- Theo Nghị định 81-CP, ngày 23/11/1995 của Chính phủ, Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về lao động là người tàn tật, quy định: "Cơ sở sản xuất kinhh doanh dành riêng cho người lao động là người tàn tật.
Quy định này tiếp túc được nêu tại Điều 1, Quyết định số 51/2008/QĐ – TTg, ngày 14/4/2008 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cơ sở sản xuất dành riêng cho người lao động tàn tật: “Các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người lao động là người tàn tật (sau đây gọi chung là cơ sở kinh doanh) được áp dụng chính sách hỗ trợ quy định tại Quyết định này bao gồm: các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập theo quy định của pháp luật có trên 51% số lao động là người tàn tật và có quy chế hoạt động hoặc điều lệ phù hợp với đối tượng lao động là người tàn tật “.
Theo Luật Người khuyết tật và Nghị định số: 28/2012/NĐ – CP, ngày 10/4/2012, của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT, thì Nhà nước khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật và công nhận và ngành Lao động thương binh và Xã hội xem xét, thẩm định, công nhận “Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT”
Theo chúng tôi, việc công nhận “Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT” đây là một quyết sách đúng, tạo cơ hội cho các đối tượng doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là NKT được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Thứ ba: Việc áp dụng các chính sách ưu đãi khi thực hiện Pháp lệnh Người tàn tật 1998 và Luật NKT 2010 cũng có sự khác biệt lớn, cụ thể:
- Căn cứ Bộ Luật Lao động 1994 (và 2005); Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng 1994; Pháp lệnh Người tàn tật 1998; Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2005 (và 2012) đặc biệt là Quyết định số 51/2008/QĐ – TTg, thì quy định rõ: Các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người lao động là người tàn tật (sau đây gọi chung là cơ sở kinh doanh) được thành lập theo quy định của pháp luật có trên 51% số lao động là người tàn tật và có quy chế hoạt động hoặc điều lệ phù hợp với đối tượng lao động là người tàn tật “thì được:
“Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Riêng đối với hoạt động kinh doanh hàng xuất khẩu (trừ xuất khẩu mặt hàng dệt, may không được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp) được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến hết năm 2011.
Miễn tiền thu sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước. Trong thời gian được miễn tiền thu sử dụng đất, cơ sở kinh doanh không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; không được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn liên doanh liên kết bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai “. ( Điều 2, Quyết định số 51/2008/QĐ – TTg ).
- Căn cứ Luật NKT và Nghị định số: 28/2012/NĐ – CP, ngày 10/4/2012, của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT, có quy định mức độ hỗ trợ của Nhà nước, như sau:
“Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là NKT trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là NKT”( Điểm đ, Khoản 1, Điều 9, Nghị định số: 28/2012/NĐ – CP).
Thực tế vừa qua cho thấy, việc quy định “Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là NKT trở lên.” là rất cao. Điều đó đồng nghĩa với việc Nhà nước không khuyến khích được các cơ sở sản xuất, kinh doanh thu hút và sử dụng nhiều lao động là NKT. Vì nếu doanh nghiệp sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên thì không thể phát triển ổn định, bền vững trong điều kiện kinh tế hội nhập, phải luôn đối mặt với cạnh tranh; năng suất lao động của NKT có nhiều hạn chế… Vấn đề này đang được dư luận xã hội, nhất là cộng đồng các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là NKT trên địa bàn cả nước và các Hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam chúng tôi hết sức quan tâm.
AHLĐ Trần Hồng Quảng, Tổng Giám đốc Xí nghiệp Tập thể Thương binh Quang Minh thị sát kiểm tra chất lượng thi công công trình: Nhà điều hành kiêm ăn nghỉ của khách tại Nhà máy vật liệu Trường Sơn ở xã Gia Đức – Thủy Nguyên – TP. Hải Phòng
Trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật và từ thực tiễn của các doanh nghiệp đang sử dụng nhiều lao động là NKT (trong đó có nhiều lao động là thương binh) hiện nay của Việt Nam và Thành phố Hải Phòng, chúng tôi thấy, các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của thương binh và NKT còn thiếu đồng bộ và bất cập. Nhìn chung, việc tiếp cận các chính sách ưu đãi trên của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là NKT còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống. Chúng tôi kiến nghị:
1/ Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc Hội cho phép bổ sung đối tượng Thương binh và người hưởng chế độ như thương binh vào trong Luật NKT 2010.
2/ Đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 9, Nghị định số: 28/2012/NĐ – CP, từ quy định “Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là NKT trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là NKT” thành quy định “Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 51% lao động là NKT trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 51% lao động là NKT”. Bảo đảm phù hợp hơn với thục tế và đáp ứng nguyện vọng của các doanh nghiệp đang sử dụng nhiều lao động là NKT hiện nay.
3/ Đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc thi hành các quy định pháp luật về NKT. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là NKT, các Hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam và NKT trong cả nước kịp thời tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Chính phủ và địa phương đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là NKT./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.