Năm 2015, cà phê Việt Nam bộc lộ nhiều yếu kém
Sau 3 năm liên tục tăng ở mức cao (2012 - 2014), 11
tháng qua, lượng cà phê xuất khẩu cả nước chỉ đạt 1,5 triệu tấn, kim ngạch 2,32
tỉ USD, giảm tới 27% về lượng và 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị
phần xuất khẩu của cà phê Việt năm 2014 là 22% nay chỉ còn 18%. Đây là mức giảm rất mạnh đối với một mặt hàng
xuất khẩu được coi là chủ lực của nước ta.
Với sự “mất phong độ” này, ngôi vị á quân thế giới
chỉ sau Brazil của cà phê Việt Nam đang bị lung lay. Colombia vừa trải qua niên vụ với sản lượng lớn
nhất 22 năm qua, thu về chừng 1,87 tỉ USD. Năng suất trồng của Colombia cũng
tăng từ 10 bao/ha (2009) lên 16 bao/ha (2015).
Brazil cũng đã có một vụ 2014/2015 bội thu. Tình
hình thuận lợi đến mức tháng 11 vừa qua, Tổng cục Thống kê của Brazil đã phải
tăng dự báo sản lượng cà phê lên thêm 2% so với dự báo tháng trước.
Trong khi đó, cà phê Việt Nam không chỉ suy giảm sản
lượng, giá trị, thị phần xuất khẩu mà con lao đao ở nhiều khía cạnh.
Một trong những yếu tố khiến cà phê Việt Nam cạnh
tranh kém là do biến động tỉ giá. Trong khi đồng Việt Nam giảm giá không đáng kể,
thì đồng real của Brazil giảm tới 72%, đồng peso của Colombia giảm 52%, điều
này khiến mặt bằng giá cà phê giảm sâu. Lo ngại việc giảm giá cà phê xuất khẩu
sẽ không có lãi, nhiều nông dân, doanh nghiệp Việt Nam chọn “găm” cà phê. Ước
tính, tồn kho cà phê Việt đã lên đến hơn 400.000 tấn.
Thừa dịp Việt Nam găm giữ hàng, Colombia và Brazil
đã tận dụng cơ hội để chiếm lấy thị phần xuất khẩu. Điều này khiến nhiều nông
dân, doanh nghiệp Việt Nam phải “ôm hận” vì đã sử dụng bài toán “giữ hàng, đẩy
giá”.
Với đà phá giá đồng tiền của Brazil và Colombia, giá
cà phê Abrabica, loại cà phê chất lượng cao, đã tiệm cận dần với giá cà phê
Robusta. Đặt lên bàn cân so sánh, nhà nhập khẩu sẽ có xu hướng chọn cà phê
Abrabica. Điều này càng thách thức cho nông dân và doanh nghiệp Việt Nam, vì
hơn 90% cà phê Việt Nam lại là Robusta.
Việt Nam cũng đang đối mặt với tình trạng khô hạn và
tỉ lệ diện tích cà phê già cỗi gia tăng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông
thôn, khô hạn đang tác hại đến 40.000 ha cà phê.
Trước khó khăn bủa vây, một số doanh nghiệp cà phê đã
rời bỏ cuộc chơi, nhiều nông dân cũng chấp nhận chặt bỏ cây cà phê để trồng cây
khác. Điều này có thể đe dọa đến tính bền vững của ngành cà phê Việt Nam. Vì vậy,
các hộ dân trồng cà phê và các doanh nghiệp cần bình tĩnh liên kết lại với nhau,
thay đổi phương thức sản xuất như: Tái canh, phân loại cà phê để nâng giá trị
cà phê xuất khẩu, tạo uy tín hơn nữa với thị trường và các doanh nghiệp nhập khẩu.
Năm 2016, có thể mặt bằng giá cà phê vẫn giảm nhưng đừng ngoảnh mặt để một bộ phận doanh nghiệp quan trọng của nền kinh tế phải đơn độc trong “bão”. Lúc này đây, các nhà sản xuất, xuất khẩu cà phê cần lắm một “tấm lòng”, một sự sẻ chia của giới đầu tư, của giới ngân hàng, của thị trường, của các nhà làm chính sách.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.