Ngân hàng lớn hướng về doanh nghiệp nhỏ và vừa
2017-08-29 10:06:56
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Hiện nay, việc áp dụng các dây chuyền công nghệ sản xuất lớn theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) ngày càng trở nên phổ biến, nhất là đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Vì vậy, việc tăng hạn mức cung ứng tín dụng trung - dài hạn cho các DN lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là cần thiết và cũng để tạo điều kiện cho các DN này có nguồn vốn đổi mới công nghệ, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu cùng các tập đoàn kinh tế.
Theo thông tin từ Sở Công Thương TP HCM, tính đến tháng 7/2017 Chương trình Kich off - tư vấn cải tiến chất lượng và năng suất cho DN do Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP HCM và Tập đoàn Samsung phối hợp tổ chức - đã tư vấn được cho 22 DN. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 29 DN vào cuối năm nay. Như vậy, sau 2 năm thực hiện chương trình Kich off, từ chỉ 4 DN đủ điều kiện trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ kiện cho Tập đoàn Samsung thì hiện đã lên tới gần 30 DN.
Ảnh mang tính minh họa |
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội Điện tử Việt Nam cho biết, hiện nay ở ngành điện tử đã có vài chục DN nội địa bắt đầu tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm linh kiện cho các tập đoàn lớn như Samsung, Canon, LG, Panasonic… Chỉ tính riêng Samsung hiện đã có 25 DN cung ứng cấp 1 và 190 DN cung ứng cấp 2. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của Samsung năm 2014 chỉ đạt khoảng 35% thì hiện nay đã đạt 57%.
Điều này cho thấy tỉ lệ các DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc bắt tay với các tập đoàn công nghiệp lớn đã có sự khởi sắc đáng kể trong vòng 2-3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo phản ánh từ nhiều DN, khi tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, một trong những khó khăn lớn nhất đối với các DN CNHT trong nước là vấn đề nguồn vốn đầu tư trung dài hạn.
Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí HTMP Việt Nam cho biết, mặc dù nhiều năm nay HTMP là nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn như Samsung, Canon, Panasonic, nhưng hàng năm vẫn phải cạnh tranh để có được hợp đồng với đối tác nước ngoài vì trên thị trường ngày càng nhiều các DN FDI hoạt động trong lĩnh vực CNHT tham gia cung ứng sản phẩm.
Theo phân tích của ông Hào, so với DN trong nước, các DN CNHT nước ngoài họ có lợi thế là dễ tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ từ các ngân hàng quốc tế, đồng thời cũng được hưởng nhiều ưu đãi hơn về thuế thu nhập DN khi đầu tư ở các KCN. Trong khi đó, các DN trong nước đa số phải vay vốn ngân hàng thương mại (NHTM) với mức lãi suất cao hơn. Hạn mức vay trung, dài hạn để đầu tư máy móc, thiết bị cũng khá hạn chế vì tài sản thế chấp của DN nội địa thường chỉ đủ để đảm bảo vay lưu động và tái đầu tư cho các đơn hàng, rất thiếu vốn để đầu tư các dây chuyền công nghệ mới.
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, đến thời điểm này hàng loạt các NHTM lớn đã hưởng ứng việc chuyển dịch cơ cấu nguồn tín dụng dành cho các DN CNHT. Chẳng hạn, giữa tháng 6 vừa qua, các chi nhánh VietinBank tại khu vực TP HCM đã kí kết các hợp đồng tín dụng với tổng trị giá hơn 8.000 tỉ đồng. Số tiền này chia đều cho khoảng 100 DNNVV thuộc 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên. Điều này cho thấy các DN có thể tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ.
Các ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV mới đây cũng đã hưởng ứng. Riêng Vietcombank đã có cam kết dành khoảng 10.000 tỉ đồng cho vay CNHT. Trong khi đó BIDV cũng sẽ dành 10.000 tỉ đồng cho vay DNNVV với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm, hạn mức cho vay được linh hoạt tính theo dòng tiền của khách hàng, đồng thời gia tăng thế chấp bằng các tài sản là động sản, hàng tồn kho, các khoản thu... để tăng hạn mức cho DN.
Ở góc độ địa phương, chính quyền TP HCM đã ban hành Quyết định 15/2017 về hỗ trợ DN đầu tư phát triển sản xuất CNHT. Theo đó, các DN sẽ được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất cho khoản vay tối đa là 200 tỉ đồng/dự án với thời hạn hỗ trợ kéo dài 7 năm. Điều này cho thấy việc kích cầu đầu tư lĩnh vực CNHT đang được TP HCM quan tâm và ưu đãi về tài chính.
Với mức hỗ trợ lãi suất như vậy, rõ ràng là tạo điều kiện rất lớn để các NHTM gia tăng hạn mức cho vay đối với các DN CNHT. Bởi hiện nay chương trình kết nối ngân hàng - DN tại TP HCM đã đi qua giai đoạn “tháo gỡ khó khăn”, trở thành một chương trình có sự phối hợp chặt chẽ với các chính sách ưu đãi vốn khác của địa phương, trong đó có chương trình kích cầu đầu tư. Khi có sự đảm bảo của chính quyền địa phương, các NHTM sẽ mạnh dạn hơn trong việc cung ứng vốn dài hạn cho các DN CNHT nhằm đổi mới công nghệ, tái cấu trúc sản phẩm.
Số liệu kinh doanh ở các ngân hàng lớn gần đây cho thấy, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn và huy động đối với khối khách hàng DN nhỏ và vừa tăng rất mạnh, có những đơn vị tỉ lệ này tăng từ 20-25%/năm. Thậm chí, ngân hàng còn thành lập các trung tâm, câu lạc bộ chuyên biệt dành riêng cho cộng đồng này.
Mới đây, Vietinbank tổ chức ra mắt Vietinbank SME Club. Tại sự kiện này, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc ngân hàng khẳng định: “Loại hình DN này chiếm đa số, đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và nguồn lực cho xã hội chính là DN nhỏ và vừa. Vì vậy, chúng tôi luôn coi đây là khu vực chiến lược trọng tâm”.
Theo ông Thọ đây chính là giải pháp tạo cơ chế chính thống xuyên suốt về việc chăm sóc khách hàng DN nhỏ và vừa với các tiêu chí rõ ràng: ưu đãi tài chính và dịch vụ chuyên biệt; kết nối kinh doanh; cầu nối thông tin kiến thức. Trong đó, ngân hàng nhấn mạnh các ưu đãi tài chính như lãi suất tiền gửi, tiền vay có lợi cho khách hàng; rút ngắn thời gian giao dịch; được quyền lựa chọn các sản phẩm, tiện ích. Từ năm 2015-2017, nguồn vốn và dư nợ phân khúc DN nhỏ và vửa của Vietinbank luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững với tỉ lệ tăng trưởng 20-25%/năm; tỉ trọng khách hàng DN nhỏ và vừa trong cơ cấu tài sản và thu nhập của Vietinbank càng gia tăng.
Theo ông Trương Khắc Hoành, Tổng giám đốc Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn phân tích mặt tích cực khi ngân hàng có một trung tâm hay câu lạc bộ dành riêng cho cộng đồng DN nhỏ và vừa. Thứ nhất, mối quan hệ hai bên sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn trong việc xử lí các vướng mắc trong quá trình tiếp cận với nguồn lực và sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Thứ hai, ngân hàng tạo ra cơ chế đặc biệt, sẽ giúp DN nhỏ và vừa tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn có chi phí hợp lí. Đồng thời, ngân hàng cũng được lợi ở chỗ bán các dịch vụ thanh toán tiền lương qua thẻ; dịch vụ ngân hàng cá nhân dành cho nhân viên của công ty; dịch vụ thu phí tiền nước, điện, viễn thông, internet. Thứ ba, khi xác lập được niềm tin, ngân hàng giảm mức độ đòi hỏi tài sản bảo đảm. “Tổng dư nợ của tổng công ty đối với ngành ngân hàng hiện lên đến 2 nghìn tỉ đồng với nhiều cấu phần dư nợ khác nhau. Trong đó, vốn ngắn hạn chỉ 20 tỉ đồng nhưng đa số tài sản bảo đảm đều hình thành từ vốn vay”, ông Hoành xác nhận.
Cũng theo ông Hoành, mặc dù qui mô hoạt động và tiền vay ngân hàng lớn như vậy, nhưng công ty vẫn được coi là DN nhỏ và vừa là bởi DN có rất nhiều dự án nhỏ, các dự án này hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường (cấp, thoát nước) nên vẫn được hưởng cơ chế ưu đãi đối với DN nhỏ và vừa về tiền vay/dịch vụ từ ngân hàng.
Còn Vietcombank, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc ngân hàng cho biết, kế hoạch từ năm 2017, ngân hàng sẽ hướng nhiều hơn đến cộng đồng DN nhỏ và vừa khi mà làm ăn với các DN lớn là các tổng công ty, tập đoàn cũng có những bất cập. Họ là những khách hàng lớn, dòng tiền rất lớn, mỗi khi “mùa căng thẳng thanh khoản” đến (cuối năm), họ rút đi một lượng tiền rất lớn, gây chao đảo thanh khoản cho ngân hàng.
Hai là, có những tổng công ty, tập đoàn ỷ thế vào dòng tiền lớn, họ tiến hành kinh doanh tài chính luôn trên hệ thống ngân hàng. Do là khách hàng lớn, lượng tiền gửi lớn và là đối tác tiêu thụ một lượng sản phẩm dịch vụ rất lớn của ngân hàng nên họ được quyền vay rẻ hơn so với các khách hàng khác. Do đó, họ vay rẻ ở những ngân hàng như Vietcombank và gửi ở những ngân hàng có lãi suất huy động cao hơn để hưởng chêch lệch. “Năm nay Vietcombank sẽ không để tình trạng này tiếp diễn, chúng tôi sẽ ngăn chặn kiểu đầu tư tài chính như trên, đồng thời hướng nhiều hơn đến cộng đồng DN nhỏ và vừa”, ông Thắng nói.
Đồng quan điểm với ông Thắng, ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT LienVietpostBank nhận xét, khi làm ăn với khối khách hàng lớn: DN lớn thường gửi lượng tiền rất lớn, nhưng khi họ đồng loạt rút đi, sẽ tạo ra lỗ hổng thanh khoản, khiến ngân hàng phải chạy đôn đáo. Đó cũng chính là lí do để ngân hàng triển khai hàng loạt sản phẩm với DN nhỏ và vừa, người về hưu ở cả chiều huy động và cho vay nhằm phân tán rủi ro và bảo đảm lợi nhuận bền vững.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Trần Trọng Triết