Ngân hàng “đẩy vốn” tín dụng tạo cú hích kinh tế chuyển mình
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 15/4/2025, tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024 và tăng 18,19% so với cùng kỳ năm trước. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các ngành thuộc nhóm động lực tăng trưởng theo định hướng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ Ngân hàng Nhà nước
Lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới tại các ngân hàng thương mại đạt mức 6,34%/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024. Các tổ chức tín dụng đã công bố thông tin lãi suất cho vay trên website chính thức để khách hàng tham khảo.
Về tỷ giá, đến ngày 22/4/2025, tỷ giá giao dịch trên thị trường xoay quanh mức 25.896 VND/USD, tăng 1,64% so với cuối năm 2024.
Kết quả này là nhờ nỗ lực đẩy vốn tín dụng ngay từ đầu năm của hệ thống ngân hàng nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, phục vụ cho kế hoạch tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay được Chính phủ đề ra. Nhiều chỉ đạo kịp thời đã được ban hành để điều tiết tín dụng với từng ngành hàng cụ thể như doanh nghiệp nhỏ và vừa, bất động sản, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, thuỷ sản... giúp tăng tính thanh khoản và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Thường xuyên giám sát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán... bằng cả công cụ thanh tra, kiểm tra và hệ thống cảnh báo sớm. NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, bảo đảm dư nợ tăng trưởng không làm phát sinh thêm nợ xấu.
Đáng chú ý, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng một cách nhanh và hiệu quả nhất. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo quyết liệt và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định số 25 về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng hạn mức cho vay không tài sản đảm bảo đối với hộ cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã lên 300 triệu đồng - 500 triệu đồng - đến 3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tại kỳ họp Quốc hội ngày 5 tháng 5, NHNN sẽ thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 nhằm luật hoá 3 nội dung tại Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Đó là tổ chức tín dụng được thu giữ tài sản đảm bảo, được kê biên tài sản đảm bảo và được hoàn trả tài sản đảm bảo bị kê biên trong các vụ án.
NHNN sẽ tiếp tục linh hoạt, đổi mới trong điều hành tín dụng; tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cố gắng giảm mặt bằng lãi suất để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Hệ thống ngân hàng đang đóng vai trò là kênh cung ứng vốn chủ đạo cho nền kinh tế và dữ liệu lịch sử cho thấy, cứ 2 điểm phần trăm tăng trưởng tín dụng có thể thúc đẩy GDP tăng trưởng 1 điểm phần trăm.
NHNN đánh giá trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều biến động, áp lực lạm phát thời gian tới rất cao do Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, giá hàng hóa thế giới biến động mạnh bởi các yếu tố địa chính trị, biến đổi khí hậu, xu hướng bảo hộ thương mại và điều chỉnh giá hàng hóa do Nhà nước quản lý.
Mặt bằng lãi suất cũng đang chịu sức ép lớn vì lãi suất cho vay đã giảm sâu, trong khi nhu cầu tín dụng cho sản xuất, tiêu dùng dự kiến tăng mạnh để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng năm 2025, đồng thời cạnh tranh huy động vốn ngày càng gay gắt do các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của Mỹ, chính sách tiền tệ khó đoán của Fed và nhu cầu ngoại tệ trong nước duy trì ở mức cao.
Trước những thách thức đó, NHNN định hướng tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Các giải pháp tín dụng sẽ tập trung hỗ trợ sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng rủi ro, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn.
Đồng thời, NHNN theo dõi sát diễn biến quốc tế để kịp thời có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các chính sách thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, vốn ngân hàng nhằm bổ sung cho vốn lưu động, vốn ngắn hạn và việc ngân hàng huy động vốn ngắn hạn nhưng cho vay trung dài hạn sẽ mang đến những rủi ro cho hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung. Để đảm bảo tính an toàn, bền vững cho hệ thống ngân hàng cũng như hệ thống tài chính, một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy sự phát triển các định chế tài chính phi ngân hàng như các công ty bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng đầu tư, quỹ đầu tư...
Đảm bảo đủ vốn cho nền kinh tế
Định hướng thời gian tới, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng: Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế và tình hình sản xuất kinh doanh trong nước để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ngành hàng bị tác động bởi chính sách thuế quan của Mỹ./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.