Ngộ độc thuốc ở trẻ
Ngộ độc thuốc là một nguy cơ lớn ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển toàn diện của trẻ.
Khi bị ngộ độc, do cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, trẻ thường bị tổn thương rất nặng nề, dễ bị tổn thương gan, thận, bị sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm tới tính mạng hoặc để lại những di chứng lâu dài.
Theo số liệu thống kê của ngành y tế, ở Việt Nam hàng năm có khoảng 30% số bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu là do ngộ độc cấp và con số tử vong chiếm khoảng 12%, trong đó không ít bệnh nhân bị ngộ độc thuốc, chủ yếu vẫn là trẻ em. Ở ta, tại các bệnh viện có nhiều trường hợp trẻ em phải cấp cứu, thậm chí tử vong do ngộ độc các loại thuốc thông thường như: thuốc ho, thuốc an thần, thuốc trị sổ mũi, thuốc chống nôn, thuốc kháng histamin chống dị ứng… Ngay thuốc thuốc nhỏ mũi (Naphazoline) cũng có thể gây ngộ độc cho trẻ. Phần lớn trẻ bị ngộ độc thuốc là do sự thiếu kiến thức và vô ý của người lớn.
Nguyên nhân
Một số phụ huynh vì tâm lý “nóng vội” muốn trẻ mau chóng hết bệnh nên tự ý tăng liều thuốc cho trẻ dẫn đến ngộ độc.
Trẻ nhỏ bị ngộ độc thuốc đôi khi do người lớn bất cẩn để thuốc điều trị thường dùng trong các hộp đựng bánh/kẹo hoặc hộp đựng bánh/mứt (nhất là những loại thuốc có màu xanh, đỏ) làm trẻ nhỏ lầm tưởng là thức ăn hay “kẹo” nên bỏ vô miệng ăn dẫn đến nguy cơ bị ngộ độc. Nhiều gia đình chưa chú ý việc cất giữ thuốc cẩn thận trong nhà, đặc biệt là những gia đình có trẻ tầm 2 - 3 tuổi trẻ rất thích khám phá nên nguy cơ uống nhầm thuốc của người lớn dẫn đến ngộ độc là điều khó tránh.
Một số phụ huynh thấy con biếng ăn thường xuyên, người gầy (ốm) nên khi nghe bất cứ ai mách bảo có những loại thuốc “thần dược giúp trẻ ham ăn chóng lớn” là tìm mua bằng được cho trẻ uống. Cũng đã có nhiều trường hợp ngộ độc thuốc xảy ra do cha mẹ cho trẻ uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.
Ở lứa tuổi lớn hơn, khoảng tầm 10 - 17 tuổi, tâm sinh lý của trẻ đang có nhiều thay đổi nên trẻ rất nhạy cảm với những xung đột trong cuộc sống như trẻ bị cha mẹ hoặc thầy cô chê bai hoặc chỉ trích vì học hành sút kém. Đã có nhiều trường hợp ngộ độc thuốc do tự tử ở trẻ được cấp cứu tại bệnh viện là do buồn chuyện gia đình, do bị điểm kém hay bị cha mẹ, thầy cô la mắng.
Cách phòng tránh
Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra cho con em mình, các bậc cha mẹ, người thân và người chăm sóc trẻ cần chú ý thực hiện những điều cơ bản sau đây khi dùng thuốc cho trẻ:
- Không tự ý mua thuốc cho con uống khi chưa được bác sĩ khám và kê đơn. Cho trẻ uống đúng và đủ liều theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý giảm hoặc tăng liều thuốc. Không sử dụng đơn thuốc cũ hay đơn thuốc của trẻ khác.
- Để thuốc ngoài tầm tay với của trẻ, tốt nhất là để thuốc trong tủ có khoá an toàn.
- Không nên uống thuốc trước mặt trẻ, trẻ sẽ để ý và bắt chước lấy thuốc uống.
- Không để thuốc hoặc bất cứ hóa chất nào (đặc biệt là xăng dầu hay thuốc trừ sâu) trong các chai nước uống, hộp kẹo, hộp đựng thức ăn đề phòng trẻ nhầm tưởng là nước ngọt hoặc kẹo và lấy dùng.
- Các bà mẹ đang cho con bú khi dùng thuốc phải có sự tư vấn của bác sĩ vì có một số loại thuốc có thể truyền qua sữa mẹ gây ngộ độc cho trẻ.
- Không cho trẻ uống thuốc không rõ loại, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các loại thuốc Đông y bán dạo, truyền tay.
Khi nghi ngờ trẻ ngộ độc thuốc
Phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường sau khi uống thuốc như: khó thở, mẩn ngứa, co giật…Trẻ cũng có thể bị ngộ độc thuốc khi có biểu hiện ở đường tiêu hóa như trẻ kêu đau bụng nhiều, trẻ buồn nôn, nôn ói nhiều, một số trẻ bị tiêu chảy. Hoặc biểu hiện ở đường hô hấp: trẻ đột ngột ho sặc sụa nhất, nặng hơn trẻ có biểu hiện thở nhanh, tím môi.
Dấu hiệu giá trị nhất trong việc xác định trẻ có nguy cơ bị ngộ độc thuốc là cha mẹ phát hiện xung quanh trẻ có những vỉ thuốc dở dang, những bao đựng thuốc bột bị xé hoặc những chai đựng thuốc của người lớn bị văng tung tóe…
Để nhận biết kịp thời loại thuốc mà trẻ bị ngộ độc đã dùng để báo cho bác sĩ cứu cấp, phải thu thập thông tin ngay: phụ huynh cho biết đã cho trẻ dùng thuốc gì, dùng khi nào, số lượng bao nhiêu. Nếu có thể, gia đình nên đem theo thuốc, bao bì hoặc đơn thuốc đã dùng đến cho bác sĩ điều trị ngộ độc tại bệnh viện để nhanh chóng tìm ra thuốc giải độc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.