Người có công với đất nước - Xin đừng lãng quên họ!
Phóng viên Tạp chí điện tử Hòa nhập đã tìm đến nhà ông Vũ Văn Dưỡng, trú tại thôn Cẩm Thành, xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, trong ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng của ông cùng người vợ đã trên 60 tuổi, là bà giáo trường làng đã nghỉ hưu, nghe ông kể về thời trai trẻ đi bộ đội, rồi bị thương và hành trình đi đòi hỏi chế độ của người “phế binh” nhưng không được công nhận là thương binh.
Ông Vũ Văn Dưỡng đã 32 năm đi tìm sự công bằng cho chính mình |
Ngày 19/11/1977, ông Vũ Văn Dưỡng nhập ngũ, là chiến sĩ được huấn luyện tại đơn vị C4D9E141F3 tại Hà Bắc với thời gian 5 tháng. Đến tháng 5/1978 ông là hạ sĩ thuộc đơn vị K1D4E174 Quân khu 7 và chiến đấu bên nước bạn Campuchia. Trong thời gian chiến đấu và công tác tại Campuchia ông bị thương tật, được giám định mất sức lao động 61%, ghi trong biên bản khám sức khỏe số 08/HT ngày 24 - 9 - 1979. Nhận thấy ông Dưỡng sức khỏe yếu, không thể tiếp tục phục vụ trong Quân đội, đơn vị đã chuyển ông về đoàn an dưỡng 590 Vĩnh Bảo - Hải Phòng. Đến tháng 9/1986, Quân khu 3 quyết định cho ông về nghỉ ở địa phương để chờ đơn vị chuyển thủ tục chế độ chính sách về Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh, theo văn bản giấy tờ ghi ông được hưởng chế độ trợ cấp bệnh binh 61% do thiếu tướng Đỗ Mạnh Đào đã ký.
Sau một thời gian dài chờ đợi, ông không nhận được bất cứ một thông tin gì của các ngành chức năng về việc giải quyết chế độ chính sách, ông đã tới Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh để hỏi và chỉ nhận được câu trả lời là giấy tờ không hợp lệ. Ngay sau đó, ông Dưỡng nhận lại toàn bộ hồ sơ mang sang Hải Phòng, tìm về đoàn an dưỡng 590 nhưng đơn vị này đã giải tán. Ông lặn lội đã đến Quân khu 3 xin giúp đỡ thì lại nhận được câu trả lời là không có hồ sơ gốc. Ông càng bất ngờ hơn khi cán bộ Quân khu 3 cho biết thêm, hồ sơ của ông không hợp lệ, do không trùng khớp ngày tháng ghi trong biên bản khám sức khoẻ và quyết định nghỉ mất sức kể cả năm sinh của ông.
Ông Vũ Văn Dưỡng đang kể với PV về những lần đi đòi hỏi chế độ của mình. |
Ông Vũ Văn Dưỡng cho biết, đã 32 năm trôi qua, ông không được nhận bất cứ một sự trợ cấp nào của Nhà nước cũng như của địa phương nơi ông sinh sống. Cũng bằng ấy thời gian, ông đã mang đơn đi gõ cửa nhiều cơ quan, ban ngành từ Phòng chính sách Quân khu 3, lên tận Trung ương rồi về tỉnh Quảng Ninh và địa phương, nhưng đến nay quyền lợi chế độ của ông vẫn chìm trong im lặng.
Hồ sơ của ông Vũ Văn Dưỡng |
Cầm tập hồ sơ lý lịch quân nhân và các giấy tờ chứng nhận ông là một bệnh binh đã phai màu thời gian, với giọng trầm buồn, ông Dưỡng bảo, là một thương bệnh binh, lẽ ra ông phải được ghi nhận, được đãi ngộ, vậy mà mấy chục năm trời, tuổi đã cao, sức đã yếu, ông vẫn phải đi đến hết cơ quan này, đơn vị nọ để tìm sự công bằng cho chính bản thân mình mà vẫn chưa được. Nhưng ông tin vào lời nói của phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Từ nay đến năm 2000, chúng ta phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, những đối tượng có công với Cách mạng, các thương binh, gia đình liệt sĩ phải giải quyết chế độ đầy đủ cho họ”. Và ông hy vọng, dù là đã muộn, nhưng chắc chắn những cống hiến của ông sẽ không bị lãng quên.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.