Người goá phụ 20 năm mang đôi "chân voi" vất vả nuôi 2 con ăn học
Chị Phạm Thị Tỉnh (42 tuổi, thôn Nội Lễ, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên). Năm 15 tuổi, chị Tỉnh thấy đôi chân bị ngứa, lở loét, từng mảng da bị lột ra. Chị được bố mẹ đưa đi khám ở bệnh viện tỉnh rồi phải chuyển lên Hà Nội. Tại Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương, chị được chẩn đoán mắc bệnh phù voi giun chỉ, không chữa khỏi được.
Đôi chân của chị cứ thế to dần lên, xuất hiện từng ngấn dị dạng khiến việc sinh hoạt, đi lại gặp nhiều khó khăn. Từ nhỏ đến lớn, chị phải uống đủ loại thuốc uống hàng ngày để kiềm chế, không cho bệnh nặng thêm và hoạt động đi lại đỡ đau buốt.
"Nếu không có thuốc duy trì là người tôi lại bị sốt cao, chân bị lở loét, lột da như rắn lột xác, 2 chân tê bì, đau nhức nhối, phải nằm một chỗ", chị Tỉnh nói. Đôi chân ngày càng to ra như "chân voi", "cây chuối hột", chị phải đặt may quần theo kích cỡ riêng. Định kỳ hàng năm, bác sĩ của Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương lại về thăm khám và phát thuốc cho chị.
Năm 28 tuổi, anh Nguyễn Văn Tiến, là người xã bên ngỏ lời cưới chị. Vợ chồng chị bảo nhau làm ăn, vun vén cho tổ ấm nhỏ và dìu nhau vượt qua bệnh tật. Hai cô con gái Nguyễn Thị Kim Anh (13 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Hà (10 tuổi) chào đời là động lực để anh chị vượt lên nghịch cảnh. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, anh Tiến đột ngột qua đời lúc chị Tỉnh mới sinh bé Hà được 12 ngày. Tang thương liên tiếp ập đến khi mẹ đẻ khuất núi sau ngày chị cúng cơm cho chồng.
Nguồn thu nhập của 3 mẹ con chị đến từ nghề bóc tâm sen thuê, hàng tháng kiếm được không nổi một triệu đồng. Vào mùa nhãn, chị lại làm long nhãn kiếm thêm nhưng việc thời vụ này, thu nhập cũng bấp bênh.
Chị Tỉnh nói: "Làm ngày không đủ, tôi còn nhận hàng về làm buổi tối. Ngồi nhiều chân tôi đau nhức lắm nhưng đây là công việc duy nhất giúp tôi kiếm được tiền nên phải cố". Khoản trợ cấp 540.000 đồng/tháng thực sự không đủ chi trả thuốc men, cùng sinh hoạt của 3 mẹ con chị.
Chị Tỉnh tâm sự, sau trận ốm nặng cách đây 7 năm, chị đã nghĩ đến tình huống nếu bị liệt phải cho đứa lớn đi làm con nuôi nhà khác. Mấy năm sau có nhà sư đến thăm đã ngỏ lời nhận nuôi giúp một con để chị bớt đi gánh nặng. Hai cô con gái nghe thấy liền ôm mẹ khóc và nói dù phải ăn cơm với muối cũng xin được ở lại nên chị cố gồng mình nuôi con.
Tương tự hoàn cảnh của chị Tỉnh là em Bùi Thị Huyền (3 tuổi) cùng bà Phùng Thị Thao (48 tuổi, quê ở Thanh Hoá) ra Hà Nội đi ăn xin. Không được may mắn như những đứa trẻ khác, bé Huyền sinh ra đã mang đôi chân to dị dạng đến bất thường. Và cũng chính bởi điều này mà những bất hòa trong gia đình của em bắt đầu từ đó. Vợ chồng lục đục nên khi em mới chỉ được 2 tháng tuổi, người bố đã bỏ đi đến nay bặt vô âm tín.
Mẹ của Huyền vào miền Nam làm may kiếm tiền nhưng không đủ nuôi con. Thế là đứa cháu nhỏ bơ vơ còn chưa đủ tháng cai sữa chỉ biết sống dựa vào mỗi bà ngoại từ bấy cho đến giờ. Hoàn cảnh gia đình đã nghèo đến cái ăn cũng phải chạy đôn chạy đáo lo từng bữa, bé Huyền từ khi còn bế ngửa trên tay đã phải đi hết viện này đến viện khác. Đôi chân đã không bình thường, đến hệ tiêu hóa của em cũng có vấn đề nghiêm trọng khi lúc nào cũng đi ngoài ra máu và đau bụng nhiều. Trong túi không có lấy một đồng, số tiền con gái gửi về hàng tháng nhiều nhặn lắm cũng chỉ có mấy trăm nghìn mà hai bà cháu lại phải nằm điều trị dài ngày ở viện.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.