Nữ giám đốc liệt nửa người với đam mê phát triển dịch vụ công nghệ số
Chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (phải) hướng dẫn nhân viên thao tác trên máy tính.
Nhìn chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Ngọc Invoice (huyện Hóc Môn, TP HCM), vừa nghe điện thoại vừa hỗ trợ khách hàng, ít ai biết được chị vốn là người luôn tự ti. Không chỉ vượt qua nghịch cảnh, chị Ngọc còn vươn lên làm chủ, tạo việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là người khuyết tật.
Học để thay đổi số phận
Sinh ra trong một gia đình nông dân có đến 11 người con ở Bình Thuận, tuổi thơ của cô bé Ngọc là những ngày cơ cực, thiếu ăn, thiếu mặc. Cơn sốt bại liệt lúc 3 tuổi đã cướp đi đôi chân của Ngọc khiến cô bé không thể đi đứng, chạy nhảy như những đứa trẻ khác. Thế nhưng, Ngọc quyết tâm học giỏi để thay đổi số phận.
Tốt nghiệp THPT, Ngọc vào TP HCM học ngành Tin học kế toán ứng dụng tại Trường CĐ Kỹ nghệ II. Tốt nghiệp, Ngọc đi làm vài nơi, từ kế toán kho đến lập trình viên, quản trị mạng, bán hàng online… Rồi chị lấy chồng, sinh con. Với những kinh nghiệm tích lũy được trong suốt thời gian đi làm, tháng 7-2019, chị quyết định thành lập Công ty TNHH Hồng Ngọc Invoice chuyên cung cấp dịch vụ chữ ký số, hóa đơn điện tử, đăng ký thành lập doanh nghiệp, kế toán, khai báo thuế, thiết kế web…
Vừa làm chủ vừa làm nhân viên nên chị tự tay làm mọi thứ. Với chiếc xe ba bánh, chị rong ruổi khắp nơi từ TP HCM đến Đồng Nai, Bình Dương, Long An… để gặp gỡ, hỗ trợ khách hàng, ký hợp đồng. "Khi biết tôi là người khuyết tật, nhiều khách hàng rất e dè, thậm chí nghi ngờ năng lực của công ty. Thế nhưng, sau khi tiếp xúc và được hỗ trợ, họ vui vẻ hợp tác ngay. Hiện nay, các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển đổi số vì thế hướng đi Công ty TNHH Hồng Ngọc Invoice rất đúng đắn" - chị cho hay.
Hiện công ty có 4 nhân viên chính thức và 5 nhân viên bán thời gian, đa số là người khuyết tật. Thu nhập bình quân nhân viên từ 5-7 triệu đồng/tháng. Nhân viên làm giỏi còn được thưởng theo doanh số. Mọi hoạt động của công ty được số hóa nên chị có thể quản lý nhân viên và có thể hỗ trợ họ giải quyết sự vụ phát sinh từ xa.
Chị Trương Thị Vân Anh (quê ở Bình Dương), nhân viên sale Công ty TNHH Hồng Ngọc Invoice, nói mình rất hài lòng với công việc bán thời gian tại công ty. Vân Anh cho biết năm học lớp 10, trong một lần đổ dốc, chiếc xe đạp của chị mất lái, va vào đá. Dù được chữa trị kịp thời nhưng đôi chân chị không thể đi lại được. Do vậy, chị quyết định học nghề may tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Nhà May Mắn (quận Tân Phú, TP HCM). Bên cạnh công việc may, chị nhận làm thêm tại Công ty TNHH Hồng Ngọc Invoice, với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng.
Cần sự nỗ lực từ hai phía
Trung tâm xưởng in Công ty CP In nhãn Bao bì Hoàng Hà (KCN Tân Bình (quận Tân Phú, TP HCM) là nơi làm việc của 5 công nhân (CN) khuyết tật. Do khuyết tật ở chân nên họ phải ngồi xe lăn làm việc.
Bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP In nhãn Bao bì Hoàng Hà, cho biết ngay sau khi mở rộng sản xuất, ban giám đốc công ty đã đề ra mục tiêu thực hiện trách nhiệm xã hội, trong đó có việc nhận người khuyết tật vào làm việc. Công ty cũng đã xây dựng nhà vệ sinh riêng, làm thêm lối đi và bố trí xe lăn đón người khuyết tật tại cổng. Lao động được tuyển chọn từ Trung tâm Bảo trợ Xã hội Nhà May Mắn và ký hợp đồng cùng nhiều chế độ phúc lợi khác. Ngoài thời gian làm việc thuận lợi (4 ngày/tuần), công việc nhẹ nhàng, ít phải di chuyển phù hợp với điều kiện sức khỏe, CN khuyết tật còn được ban giám đốc dành nhiều sự quan tâm, ưu ái đặc biệt về chế độ nghỉ ngơi. Theo đó, lao động khuyết tật còn được nghỉ 2 lần vào giữa giờ làm việc buổi sáng và buổi chiều, mỗi lần 15 phút. Công ty còn trang bị giường bố xếp để họ nghỉ ngơi vào buổi trưa, giờ nghỉ giải lao.Chứng kiến cảnh lao động khuyết tật được đồng nghiệp đỡ lên xe lăn khi đến cổng công ty và được phục vụ bữa trưa tại chỗ, chúng tôi rất xúc động.
Được hưởng nhiều ưu đãi với mức lương thưởng công bằng như các đồng nghiệp, anh Ngô Hữu Tiến (34 tuổi), một CN khuyết tật, chia sẻ: "Càng được ưu tiên, tôi và các đồng nghiệp càng phải cố gắng chứng minh năng lực của mình". Bị tai nạn giao thông từ năm 2004 khiến anh Tiến mất đi đôi chân. Trong 4 năm điều trị tại bệnh viện, anh Tiến nhiều lần muốn buông xuôi, thậm chí tìm đến cái chết. Qua sự giới thiệu của bạn bè, anh làm hồ sơ xin vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội Nhà May Mắn để học vẽ tranh. Công việc nhẹ nhàng nhưng sản phẩm khó tìm đầu ra nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Thế nên, khi được Công ty CP In Hoàng Hà nhận vào làm việc cùng một số người khác, anh Tiến mừng khôn xiết.
Theo thạc sĩ Đoàn Ngọc Hoài Phong, cố vấn chiến lược Công ty CP Phần mềm Trí Luật (quận 1, TP HCM): "Trong xu thế phát triển của đất nước, cùng với các chủ trương, chính sách hỗ trợ người khuyết tật của nhà nước hiện nay, người khuyết tật cần chủ động trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm đặc biệt sống cởi mở, mạnh mẽ, tự tin... hòa nhập vào cuộc sống đời thường. Bản thân các anh chị phải vượt qua mặc cảm, đón nhận sự quan tâm, hỗ trợ để vươn lên bằng chính khả năng của mình, để không bị bỏ lại phía sau" .
Tôi thấy mình may mắn khi tìm được công việc phù hợp với điều kiện sức khỏe. Có công việc và thu nhập ổn định khiến tôi tự tin hơn” - chị Vân Anh bộc bạch.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.