Người thương binh 82 tuổi đỗ tốt nghiệp THPT nhận bằng khen từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen cho ông Nguyễn Huy Kỳ
0g ngày 24/7, như các thí sinh khác, ông Nguyễn Huy Kỳ đã hồi hộp khi tra cứu điểm thi. Và ngay sau đó, ông vui mừng, nhẹ nhõm khi biết điểm các bài thi của mình. Ông Kỳ thi bốn môn theo quy định với thí sinh học giáo dục thường xuyên, trong đó Toán 3,6 điểm; Văn 4,75; Sử 7,5 và Địa 6,5. Ông được cộng với 0,25 điểm ưu tiên thí sinh thuộc đối tượng có tuổi đời từ 35 tuổi trở lên và là học viên giáo dục thường xuyên có chứng chỉ Tin học loại A (cộng thêm 1 điểm khuyến khích) và đã thừa điểm xét tốt nghiệp THPT năm nay. Với người thương binh ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, đây là kết quả xứng đáng cho sự nỗ lực, công sức và quyết tâm mà ông đã bỏ ra.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tặng Bằng khen cho ông Nguyễn Huy Kỳ (Ảnh: Zingnews)
Sự cố gắng của ông Nguyễn Huy Kỳ đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và ngưỡng lộ rất lớn từ cộng động. Trước tinh thần nỗ lực, truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ, sáng 27/7, tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên quận Thanh Xuân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tặng bằng khen cho ông Nguyễn Huy Kỳ để ghi nhận, biểu dương ý chí học tập của ông.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, kỳ thi tốt nghiệp những năm gần đây có các thí sinh cao tuổi nhưng ở tuổi của ông Kỳ thì nhiều năm qua mới có. Hơn nữa, trường hợp trong một gia đình có hai ông cháu cùng dự một kỳ thi như gia đình ông Kỳ là hiếm có. Ông còn là một thương binh hạng 3/4 và việc tổ chức trao bằng khen cho ông vào đúng ngày 27/7 là điều đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa.
Với một thanh niên 18, 20 tuổi, việc đi học, đi thi đã là áp lực; ở tuổi của ông Kỳ đi học lại, chương trình khác, kiến thức khác càng là thách thức lớn, trong đó có cả thách thức về tâm lý. "Bác đã vượt qua nhiều thử thách, thử thách lớn nhất là vượt qua chính bản thân mình, đây là điều đáng trân trọng, biểu dương và khích lệ", Bộ trưởng nói.
Phát huy tinh thần người lính Cụ Hồ từ thời chiến đến thời bình
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Một gia đình có 2 ông cháu cùng dự một kỳ thi như gia đình bác Kỳ là rất hiếm (Ảnh: Báo GD&TĐ)
Ông Nguyễn Huy Kỳ sinh năm 1940, hiện làm nghề bốc thuốc đông y. Lúc còn nhỏ, ông học cấp 1, cấp 2 tại tỉnh Hà Tây (cũ), sau đó, ông đi thoát ly rồi làm công nhân ở công ty kiến trúc tỉnh Phú Thọ. Ban ngày đi làm, buổi tối ông đi học bổ túc văn hóa tại trường cấp 3 Hùng Vương từ năm 1961 đến năm 1966. Khi giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, trong đó có tỉnh Phú Thọ, nhà trường và cơ quan phải sơ tán; kể từ đây, ông phải tạm thời dừng việc học nên chưa có bằng cấp 3 (cấp THPT).
Năm 1968, ông Nguyễn Huy Kỳ đăng ký nhập ngũ. Năm 1969, ông sang chiến đấu tại mặt trận Lào đầy khốc liệt. Những tháng ngày đối mặt với lửa đạn mưa bom, người chiến sỹ ấy có 2 lần bị thương nhưng vẫn kiên trung ở lại. Đến năm 1973, ông bị trúng bom, mất một chân, tỷ lệ thương tật 41% nên được đưa trở lại Việt Nam rồi ra Bắc điều trị. Sau tháng ngày dài điều trị, ông được lắp chân giả; đồng thời được Nhà nước công nhận là thương binh hạng 3/4.
Năm 1979, do sức khỏe yếu, ông xin nghỉ mất sức và đi học nghề đông y gia truyền, hành nghề bốc thuốc phục vụ Nhân dân. Hiện ông là Chủ tịch Hội Đông y phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân Hà Nội nhiệm kì 2016-2021.
Tấm lòng và sự nhanh nhạy của ông Kỳ cùng niềm say mê với nghề bốc thuốc là động lực thôi thúc ông về việc mở cơ sở khám chữa bệnh đông y cho riêng mình. Tuy nhiên, theo quy định, ông phải có chứng chỉ về đông y và có Bằng tốt nghiệp THPT là điều kiện bắt buộc.
Đã không ít lần ông suy ngẫm nghiêm túc về việc đi học, đi thi nhưng công việc bận rộn, thời gian trôi đi mà cứ lần lữa chưa thực hiện được nguyện ước. Cuối năm 2019, ông quyết tâm đăng ký vào Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân, tiếp tục chặng đường đèn sách đầy cực nhọc.
Kể từ đó, nắng cũng như mưa, ông Kỳ đều đặn đến lớp và rất cầu thị trong học tập. Suốt 3 năm học tại Trung tâm, với ông, mỗi giờ học là sự trải nghiệm, là chân trời tri thức. Chiếc xe máy 3 bánh hàng ngày vẫn lăn trên đường để chở hy vọng của người thương binh về một ngày cầm tấm Bằng tốt nghiệp.
Ông Kỳ nhớ lại: "Tuổi cao đi học có nhiều cái vất vả không nói hết. Mắt nhòe mờ, chân tay chậm chạp, tư duy cũng không nhanh nhạy để tiếp thu bài ngay nên chỗ nào chưa hiểu, tôi lại dành thời gian cuối giờ hỏi lại thầy cô giáo. Ở giai đoạn ôn thi nước rút, tôi ở trường từ sáng đến chiều với lịch học chính và học phụ đạo. Căng thẳng vì học, sức khỏe có phần bị ảnh hưởng nhưng tôi đã nỗ lực, cố gắng từng ngày để việc học được hoàn thành theo ý nguyện".
Những ngày diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp năm 2022, ông không cậy nhờ con cháu mà tự dậy lúc 4 giờ sáng để đến điểm thi cho kịp giờ. Đi giữa những học sinh trẻ khỏe là cụ già tự chạy xe 3 bánh đến điểm thi, chống gậy đi từng bước chậm rãi vào phòng thi. Hình ảnh ấy đã để lại ấn tượng đẹp với nhiều cán bộ coi thi và thí sinh.
Trước tinh thần cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của ông. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh "Ông Nguyễn Huy Kỳ chính là một trong những tấm gương cho việc học tập không ngừng, học tập suốt đời, học cái mình cần, học cho mình, học một cách thực chất. Đó là tinh thần mà ngành Giáo dục đang phấn đấu, đang gây dựng, đang cổ vũ. Bằng khen hôm nay trao cho ông cũng là gửi gắm đến với các em học sinh, với những ai có nhu cầu học tập, nhu cầu phát triển bản thân nhưng còn e ngại”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.