Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - người đi đầu mở cửa kinh tế
Ông Lê Bàng (phải) cùng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trên máy bay tại sân bay Nội Bài, chuẩn bị khởi hành tới thăm Hoa Kỳ tháng 6-2005 - Ảnh: AFP/Getty |
Qua nhiều lần tiếp xúc với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi cảm nhận ông là người đi đầu trong đổi mới và mở cửa kinh tế nhằm phục vụ đất nước. Ký ức của tôi về anh Sáu Khải có 3 dấu mốc chính.
Đi đầu trong mở cửa kinh tế
Dấu mốc thứ nhất là khi tôi làm phó vụ trưởng Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao. Cuộc tiếp xúc đầu tiên với anh Khải là năm 1990.
Chúng tôi nhận được thông báo Quỹ Ford của Mỹ muốn tài trợ cho hai đoàn đại biểu của Việt Nam đi thăm các nước Đông Nam Á để tìm hiểu về các vấn đề phát triển kinh tế. Lúc đó, không phải ai cũng dám nhận tài trợ của Quỹ Ford.
Tôi trình đề xuất lên anh Sáu Khải khi đó là chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Anh Khải đã chấp nhận cử hai đoàn đại biểu Việt Nam đi Thái Lan và Singapore, mỗi đoàn 6-7 người, gồm các thành viên đến từ Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại thương và các đơn vị kinh tế khác do anh Khải dẫn đầu.
Dấu mốc thứ hai là năm 1993 khi tôi làm đại sứ tại Liên Hiệp Quốc và có nhiều cơ hội làm việc trực tiếp nhiều hơn với anh Khải khi đó là phó thủ tướng thường trực Chính phủ thăm Liên Hiệp Quốc và thăm Mỹ.
Chuyến thăm của anh Khải đã tạo ra sức đẩy rất mạnh trong quan hệ Việt - Mỹ. Chuyến thăm diễn ra trong thời điểm ta đang đấu tranh yêu cầu Mỹ bỏ cấm vận kinh tế.
Phái đoàn được các doanh nghiệp Mỹ tiếp đón nồng nhiệt, họ cũng kiến nghị Chính phủ Mỹ mở cửa để họ vào đầu tư, làm ăn ở thị trường Việt Nam.
Anh Khải khi đó còn đến thăm trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB) và ĐH Harvard. Tôi nhớ đó là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo ta và lãnh đạo WB.
Dù hai bên đã tiếp xúc vài lần trước đó, nhưng cuộc gặp chính thức tại Mỹ có ý nghĩa quan trọng để WB quyết định cho ta vay tiền xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.
Chuyến thăm Mỹ tháng 10-1993 đó của Phó thủ tướng Phan Văn Khải đã góp phần thúc đẩy chính quyền Mỹ tiến tới bỏ cấm vận với Việt Nam năm 1994 và bình thường hóa quan hệ năm 1995.
Dấu mốc thứ ba là năm 2005 khi anh Khải có chuyến thăm lịch sử tới Mỹ trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam - chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một vị lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ năm 1975.
Anh Khải được đón tiếp rất trọng thị ở Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã đến gặp anh Khải, chúng ta cũng đã mua được máy bay Boeing.
Thủ tướng Phan Văn Khải hội kiến Tổng thống George W. Bush tại Phòng bầu dục của Nhà Trắng trong chuyến thăm lịch sử đến Hoa Kỳ tháng 6-2005 - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ
|
Nhân chuyến thăm này, ta cũng đã bán được trái phiếu Chính phủ của Việt Nam cho các công ty ở New York để có tiền đầu tư trong nước.
Điểm nhấn của chuyến thăm là Mỹ cho Việt Nam hưởng quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn, là bước đà quan trọng cho ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) sau đó.
Tôi có thể khẳng định anh Khải là người đi đầu trong công cuộc cải cách, mở cửa kinh tế với nước ngoài, đặc biệt là với nước Mỹ.
Người lãnh đạo thân tình, tin tưởng
Về phương diện cá nhân, tôi có cảm giác anh Khải rất thân tình, tiếp xúc với cán bộ như là anh em, không có gì hách dịch, quan cách.
Mỗi lần tôi đến văn phòng anh Khải báo cáo, bao giờ cũng thấy anh hút thuốc. Anh luôn hỏi thăm sức khỏe tôi và gia đình. Biết tôi quê Ninh Bình, anh "khoe" bác sĩ riêng của anh cũng là người Ninh Bình, hay chuyện anh vừa ký quyết định phong tướng cho 20 vị ở Ninh Bình.
Trong sự nghiệp ngoại giao của mình, ngoài các chuyến thăm Mỹ và Liên Hiệp Quốc, tôi cũng phục vụ anh Khải nhiều chuyến công du khác như các kỳ họp APEC, thăm các nước Đông Nam Á, được anh Khải tin tưởng.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Bàng (cà vạt xanh da trời) tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải thăm ĐH Harvard trong chuyến thăm Mỹ tháng 6-2005 - Ảnh tư liệu
|
Trong cả chuyến thăm Mỹ tháng 6-2005 kéo dài khoảng 10 ngày, anh Khải chỉ mời mình tôi ăn sáng với anh và con trai để thảo luận về quan hệ Việt - Mỹ. Chúng tôi đã nói chuyện thân tình như người trong gia đình.
Lúc ở New York, phía ta có tổ chức một buổi nói chuyện với doanh nghiệp. Lúc đó có thông tin một số phần tử chống đối Việt Nam trà trộn vào cuộc gặp này, mặc dù an ninh Việt Nam khẳng định đã kiểm soát được tình hình, Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn nói: "Chỉ khi nào anh Bàng bảo tôi xuống họp thì tôi mới xuống".
Sau đó tôi đi kiểm tra và bảo đảm chắc chắn mọi việc đều tốt đẹp, anh Khải mới xuống dự họp. Sự tin tưởng của anh khiến tôi cảm thấy rất tự hào.
Với tôi, nói anh Khải là một nhà lãnh đạo kỹ trị vẫn là hơi hẹp. Đó là một người lãnh đạo rất có kiến thức về kinh tế và thường xuyên nghiên cứu các vấn đề kinh tế.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.