Nhật Hạ: Công ty nhỏ trúng dự án lớn tại Hải Phòng
Dự án được xây dựng trên khu đất thuộc trường THPT chuyên Trần Phú cũ. Trước đó vài năm, trường Trần Phú đã di chuyển đến địa điểm mới tại đường Lê Hồng Phong, quận Hải An.
Công ty TNHH Nhật Hạ thành lập năm 2004 với vốn điều lệ 16 tỷ đồng, có địa chỉ tại số 9, phường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, đây cũng là địa chỉ cửa hàng vàng Nhật Hạ lâu năm tại Hải Phòng. Ngành nghề kinh doanh chính là bán lẻ đồ trang sức bằng vàng, bạc, đá quý và bán đá quý, đồ trang sức…
Tăng vốn thần tốc
Công ty TNHH Nhật Hạ có hai thành viên góp vốn, với giám đốc là bà Nguyễn Thị Hải nắm giữ là 60% vốn điều lệ, người còn lại là ông Nguyễn Văn Tăng – chồng bà Hải – nắm giữ 40% vốn.
Đến thời điểm 31/12/2017, công ty này đã có vốn điều lệ 700 tỷ đồng và vẫn chỉ có hai cổ đông như thời mới thành lập, tỷ lệ nắm giữ không thay đổi. Thời điểm này, Nhật Hạ đã 11 lần thay đổi đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, những lần thay đổi dày đặc hơn tập trung vào hồi đầu tháng 7/2017.
Năm 2014, doanh nghiệp này đã tăng vốn lên 120 tỷ đồng từ mức 16 tỷ đồng ban đầu. Sau 3 năm, đến ngày 4/7/2017, Nhật Hạ tiếp tục thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh lần thứ 7, tăng vốn lên 300 tỷ đồng, trong đó bà Hải góp 180 tỷ đồng, ông Tăng góp 120 tỷ đồng.
Hai tháng sau, tháng 9/2017, theo đăng ký kinh doanh thay đổi lần 9, công ty TNHH Nhật Hạ tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng, gấp 5 lần số vốn của năm 2014, tỷ lệ vốn góp của hai cổ đông vẫn là bà Hải 60%, ông Tăng 40%.
Ba tháng sau đó, tháng 12/2017, công ty TNHH Nhật Hạ tiếp tục có thêm hai lần thay đổi đăng ký kinh doanh, vốn điều lệ của doanh nghiệp giảm về còn 700 tỷ đồng và được duy trì đến nay.
Từ năm 2013 đến năm 2017 là thời gian nhiều nhà đầu tư tiếp cận UBND thành phố Hải Phòng để tìm cách khai thác khu đất vàng rộng 10.337m2 ngay mặt phố Trần Phú – khu trung tâm của thành phố.
Đây là “đất vàng” tại Hải Phòng nên nhiều công ty bất động sản cả trong và ngoài thành phố “nhòm ngó”. Trước đó, tập đoàn Bitexco vào khảo sát và đã có văn bản đệ trình thành phố phương án xây dựng khách sạn 5 sao tại đây.
Nhưng cuối cùng, công ty TNHH Nhật Hạ mới là người trúng khu đất vàng này, với “kịch bản” khá bất ngờ.
Trường Trần Phú trước khi bị đập bỏ xây khách sạn 5 sao |
“Kịch bản” chuẩn
Theo UBND Tp. Hải Phòng, việc đấu thầu rộng rãi quốc tế để xây khách sạn 5 sao này nếu hoàn tất sẽ là thành công lớn của thành phố trong thu hút đầu tư, góp phần xây dựng thành phố thành trung tâm thương mại, du lịch dịch vụ như tinh thần Kết luận 72 và Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Hải Phòng đến năm 2020. Trước đó và cho đến nay, Hải Phòng hoàn toàn chưa có khách sạn nào ở dải trung tâm đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Trái với sự quan tâm trước đó, không hiểu vì lý do gì, khi Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hải Phòng thông báo tổ chức sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện dự án này, chỉ có duy nhất hồ sơ của công ty TNHH Nhật Hạ dự thầu.
Ngày 1/9/2017, UBND thành phố Hải Phòng ra Quyết định số 2293/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao tại số 12 (cũ) đường Trần Phú, quận Ngô Quyền. Theo đó, nhà đầu tư được chỉ định thực hiện dự án là công ty TNHH Nhật Hạ.
Với việc chỉ phải trả tiền thuê đất hàng năm, cộng với thời gian cho thuê đất 50 năm, thực tế cho thấy rõ ràng là công ty TNHH Nhật Hạ đã “được phép” thâu tóm được hơn 1 ha đất vàng ngay dải trung tâm của thành phố Hải Phòng với chi phí thấp nhất.
Thời gian gần đây, nhiều dự án xây mới, cải tạo “đất vàng” tại nội đô Hải Phòng đều có chung “kịch bản”: chỉ một nhà đầu tư tham gia dự thầu và sau đó, chính nhà đầu tư này trúng thầu.
Chẳng hạn, trước đó, CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (Mã: TCH) đã được UBND.Tp Hải Phòng chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) đối với dự án Cải tạo chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm trên địa bàn thành phố.
Công ty Hoàng Huy đã trúng thầu cải tạo, xây mới vài đơn nguyên nhà cao tầng tại khu tập thể Vạn Mỹ, khu tập thể Đồng Quốc Bình (quận Ngô Quyền) mà không phải cạnh tranh với bất kỳ doanh nghiệp nào, vì không có ai tham gia dự thầu cùng. Quy mô vốn hai dự án này được “đẩy” lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, Hoàng Huy cũng được đồng ý thực hiện dự án khu đô thị ven sông Cấm với quy mô 5,9 ha đất xây dựng các lô biệt thự, nhà liền kề tại dọc đường Chi Lăng, dọc sông Tam Bạc thuộc phường Thượng Lý của Hải Phòng.
Hiện tượng chỉ có một chủ đầu tư tham gia và do thế đương nhiên trúng thầu “đúng quy trình” là khá lạ lùng và khôi hài, nhất là khi những dự án này đều là đất vàng trung tâm đô thị.
Về nguồn thu, hiện tượng này không có gì là khôi hài, vì thực tế rõ ràng là thành phố không thu được tiền từ đấu giá đất, mà chỉ là phần nhỏ tiền thuê đất hàng năm từ những diện tích đất vàng này.
Cái tất nhiên nữa là cảnh quan đô thị có thể thay đổi chút ít, theo hướng đồng bộ hơn. Nhưng lợi ích lớn nhất, có thể quy thành tiền là sẽ thuộc về những doanh nghiệp như Nhật Hạ, Hoàng Huy, chứ không thuộc về người dân thành phố – những người phải bỏ tiền mua nhà, hay di dời nhà – cho những nhà thầu “một mình một chợ” này.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.