Nhiều chiêu “lách luật” vay gói 30.000 tỷ đồng
2016-02-28 11:29:54
0 Bình luận
Nhiều chủ đầu tư lợi dụng gói tín dụng 30.000 tỷ sắp hết hạn để tư vấn cách “lách luật” nhằm vay tiền từ gói tín dụng ưu đãi này.
Nhiều chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hà Nội đang lợi dụng thông tin về việc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sắp hết thời hạn (theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước, thời hạn giải ngân gói tín dụng này không quá 36 tháng, tức là đến 1/6/2016) để tư vấn cho người mua nhà những cách “lách luật” nhằm vay tiền từ gói tín dụng ưu đãi này trước tháng 6 tới. Các chuyên gia khuyến cáo, người mua nhà cần cảnh giác và thận trọng, tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật để tránh những rủi ro có thể gặp phải nếu thực hiện theo các chiêu thức này.
Trên mạng internet, các trang mạng xã hội, nhan nhản lời quảng cáo của các dự án chung cư thu hút sự chú ý: dự án cuối cùng tại Hà Nội vay gói 30.000 tỷ. Dự án The Golden An Khánh ở Hoài Đức, Hà Nội là một ví dụ. Để tìm hiểu về thông tin này, chúng tôi đã gọi đến một số điện thoại đường dây nóng bán hàng và được một nhân viên cho biết là gói 30.000 tỷ đồng sắp hết, nên dự án này gần như là dự án cuối cùng được vay.
Hồ sơ, thủ tục vay tiền rất đơn giản và được làm trọn gói, nhanh chóng. Đa số khách hàng có tâm lý e ngại khi mua nhà thu nhập thấp trong thời điểm gói 30.000 tỷ đồng sắp kết thúc, cho nên nhân viên này đã tiết lộ cách “lách luật” để khách hàng có thể được giải ngân hết số tiền vay từ gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước tháng 6/2016.
Dự án The Golden An Khánh quảng cáo là dự án cuối cùng vay gói 30.000 tỷ đồng trên Facebook
Một nhân viên tư vấn cho biết: “Trước 1/6 sẽ làm thanh toán trước hạn cho bạn. Ví dụ bạn vay 70%, đến trước 1/6 chỉ được khoảng 50% thôi. Lúc đấy chủ đầu tư sẽ làm thông báo thanh toán trước hạn cho bạn giải ngân luôn 20% còn lại trước 1/6 thì bạn vẫn được vay gói ưu đãi bình thường. Yên tâm, cơ bản là bên mình phải có gói đấy mới bán được cho nên phải tìm mọi cách để làm thủ tục cho khách hàng nhanh gọn nhất. Dự án này đã bán rồi, trong 1 tháng đã bán đựơc 70% căn hộ, giờ chỉ còn khoảng 30%. Mình bán nhanh lắm”.
Không chỉ được quảng cáo là dự án cuối cùng vay gói 30.000 tỷ đồng, trên trang web giới thiệu dự án chung cư Athena Complex (có địa chỉ ở phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) còn có bài viết với nhan đề “cách lách luật vay gói 30.000 tỷ”. Trong đó đưa ra các khả năng có thể xảy ra đối với các khoản giải ngân sau ngày 31/5/2016.
Trường hợp 1 là gia hạn thời gian giải ngân gói 30.000 tỷ cho các khách hàng đang được giải ngân đối với các dự án vẫn phải đóng theo tiến độ; Trường hợp 2 là sẽ được thay thế bằng gói 50.000 tỷ với lãi suất cứng là 7% trên 1 năm; Trường hợp 3 là lãi suất sẽ được thả nổi theo biên độ của Ngân hàng Nhà nước, tăng từ 2,5-3,5% trên 1 năm…
Vì thế, để đảm bảo cho khách hàng vẫn được hưởng ưu đãi của gói vay 30.000 tỷ cho các dự án vẫn phải đóng tiến độ đến hết năm 2017 mới được nhận nhà, 1 số chủ đầu tư và khách hàng đã thỏa thuận tăng tiến độ đóng tiền đến 95% giá trị căn hộ trước ngày 31/05/2016, bằng 1 văn bản phụ lục hợp đồng mua bán kèm theo hợp đồng chính. Bài viết nhận định, bằng cách này khách hàng vay được đến 95% giá trị căn hộ mà vẫn được hưởng ưu đãi của gói vay 30.000 tỷ, không bị ảnh hưởng bởi các quyết định, thông tư của Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính về gói 30.000 tỷ đồng.
Khi chúng tôi gọi điện liên hệ, một nhân viên đã tư vấn là khách hàng vẫn có thể vay được tiền từ gói 30.000 tỷ đồng khi mua bất cứ căn hộ nào của dự án Athena Complex, kể cả căn rộng hơn 100m2 với số tiền trên 1,05 tỷ đồng như quy định. Cách làm là tách số tiền chênh khách hàng phải trả luôn, còn trong hợp đồng chỉ ghi số tiền theo đúng quy định là dưới 1,05 tỷ đồng để được vay gói tín dụng ưu đãi.
Nhân viên này cho biết: “Nếu chị lấy căn đấy thì bên em vẫn tách ra để chị vay được nhưng tiền ban đầu chị phải đóng sẽ nhiều hơn. Ví dụ chị mua 14 triệu đồng/m2, em sẽ tách ra cho chị vào hợp đồng chỉ 9 triệu rưỡi/m2 thôi. Còn khoản chênh kia chị phải đóng hết ban đầu. Như vậy chị vẫn vay được gói kia. Vay gói 30 nghìn tỷ là giá trị 1,05 tỷ trở xuống, cho nên em sẽ làm cho chị phải nộp dưới 1,05 tỷ. Bên em sẽ hỗ trợ cho chị vay ngân hàng hết, trọn gói, chỉ yêu cầu chị có giấy tờ, còn bên em sẽ làm việc với ngân hàng hết”.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, các cách “lách luật” đều vì mục đích lợi nhuận của doanh nghiệp, thậm chí bất chấp vi phạm pháp luật. Hậu quả là những người vay gói 30 nghìn tỷ để mua nhà theo cách thức này phải đối mặt với rủi ro là khi bị phát hiện, cơ quan nhà nước sẽ không chấp nhận khoản vay đó là khoản ưu đãi, vừa không nhận được nhà lại có thể phải chịu phạt hoặc phải tự tìm cách vay ngoài lãi suất cao để tiếp tục mua nhà…
Do đó, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, người mua nhà cần rất cảnh giác trước những lời tư vấn các cách “lách luật” để được vay gói 30.000 tỷ đồng kiểu như thế này: “Thứ nhất là phải rất cảnh giác, cẩn thận, kiểm tra thông tin, xem xét xem có đáp ứng được tất cả các điều kiện đúng pháp luật hay không. Thứ 2 là phải có giải pháp phòng ngừa tình huống trục trặc không đáp ứng được việc giải ngân trót lọt, không vay được đến cùng mà lại dở dang như thế, nguồn tài chính không có, huy động vốn không có thì có thể đang là đối tượng khó khăn, cần được hỗ trợ thì lại càng khó khăn hơn”.
Trong trường hợp chủ đầu tư tách số tiền mua nhà của khách hàng lớn hơn 1,05 tỷ đồng thành 2 khoản, 1 khoản trong hợp đồng và 1 khoản chênh lệch đóng riêng để đủ điều kiện vay gói 30.000 tỷ đồng, theo ông Nguyễn Vũ Cao, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Hoàng Gia Invest Group, khi bị cơ quan quản lý nhà nước phát hiện sai phạm, số tiền chênh mà người mua nhà đã nộp không có giấy tờ chứng minh nên khó lấy lại được, chưa kể đến trách nhiệm trước pháp luật. Quan trọng hơn là cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cho vay gói 30.000 tỷ hợp đồng, phát hiện sai phạm và có xử lý nghiêm, nhất là trong thời điểm các doanh nghiệp đang chạy đua nước rút trước thời điểm 1/6/2016.
Ông Nguyễn Vũ Cao cho biết: “Đúng là trên thị trường bất động sản đang có tình trạng giá căn hộ đó nằm ngoài khung so với quy định được áp dụng cho vay gói 30.000 tỷ và họ có cách lách luật là thu ở ngoài, không xuất vào hóa đơn chứng từ và được họ đặt tiền chênh. Rõ ràng ở đây sẽ gây thiệt hại cho Nhà nước ít nhất là về thuế. Thứ 2 là cho vay gói 30.000 tỷ có thể không đúng đối tượng. Vấn đề ở đây vẫn là công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra. Nếu như công tác quản lý làm tốt thì đương nhiên những nhà đầu tư đó sẽ không có cơ hội để làm việc đó”.
Năm 2015, chiêu thức “trục lợi” từ gói 30.000 tỷ đồng bằng cách tách hợp đồng khi mua nhà có giá trị cao hơn mức 1,05 tỷ đồng đã được báo chí phản ánh và Bộ Xây dựng vào cuộc thanh tra, kiểm tra, song sự việc chỉ dừng ở đó. Người bán vẫn cứ bán, người mua vẫn cứ mua. Nếu như tiếp tục để những “hợp đồng” vay tiền mua nhà từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng như thế này tồn tại, thì sẽ có một bộ phận người giàu lại được vay tiền với lãi suất ưu đãi, đồng nghĩa với việc cơ hội mua nhà của những người thu nhập thấp thực sự sẽ ít đi./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo vov.vn