Nhìn từ vụ án Gami Gas
Cụ thể, trong những năm qua, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, ban hành Chương trình hành động và thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và xây dựng về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Song hành với xây dựng cơ chế chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp (DN); cải thiện hạ tầng giao thông; xây dựng hạ tầng kỹ thuật một số KCN và tích cực xúc tiến, vận động đầu tư,… Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các DN. Nhờ vậy, chỉ số PCI của Thái Bình đã có bước chuyển biến đáng kể về điểm số và thứ hạng.
Công ty Cổ phần Dệt sợi Damsan thành lập 3 nhà máy tại Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh và Khu công nghiệp Gia Lễ. |
Để đạt được mục tiêu trên, Thái Bình đã đề ra các nhóm giải pháp, gồm: Nhóm giải pháp về cải cách hành chính (CCHC) trọng tâm vào cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện giải quyết theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông... Cải cách TTHC nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch, công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính; loại bỏ những rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho người dân, DN.
Có thể nói, trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Thái Bình là một trong những tỉnh đi đầu cả nước thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh và trung tâm hành chính công cấp huyện. Toàn bộ việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả hiện nay ở các sở, ban, ngành tập trung tại một đầu mối; tổ chức, cá nhân chỉ đến một nơi để giải quyết TTHC.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình luôn xem DN là động lực đầu tàu để phát triển kinh tế địa phương; cam kết luôn đồng hành cùng DN, coi thành công hay thất bại của DN như thành công hay thất bại của chính mình; hỗ trợ các DN thuận lợi nhất trong các khâu để thực hiện đầu tư tại tỉnh, đồng thời áp dụng đầy đủ các các cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước. Về chính sách của địa phương, căn cứ đề xuất của từng DN, quy mô, tính chất của từng dự án, tỉnh sẽ ban hành những cơ chế phù hợp trên cơ sở không trái với quy định hiện hành của Nhà nước.
Bao công sức, trí tuệ và thời gian đồng hành phấn đấu của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, các sở, ban, ngành trong tỉnh… đến các cơ quan Đảng, chính quyền cấp huyện, cấp xã…, bỏ ra nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương, nâng cao đời sống cho nhân dân, giữ vững an ninh trật tự xã hội trong tỉnh sẽ bị đổ xuống sông, xuống biển, nếu UBND tỉnh Thái Bình, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong tỉnh không sớm giải quyết dứt điểm vụ mua bán GaMi Gas. Bởi lẽ, tại Văn bản số 4610/MTTW-BTT ngày 16/01/2018 của Ban Thường trực Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi Bộ Công an, VKSND Tối cao, UBND tỉnh Thái Bình có đoạn ghi: “…đề nghị các cơ quan có liên quan xem xét giải quyết dứt điểm vụ việc này và có thông báo kết quả gửi về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp kết quả giám sát và báo cáo tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV”.
Tóm tắt vụ việc
Theo hồ sơ mà chúng tôi nhận được thì vụ việc này bắt đầu xảy ra từ tháng 9/2009, khi đó bà Trần Thị Kim Tân đang là Phó giám đốc Công ty CP Liên Quảng Thành chuyên kinh doanh mặt hàng Gas đã bàn bạc, thống nhất với bà Nguyễn Thị Thanh Ngoan đi tìm mua Công ty TNHH GaMi Gas của Công ty CP tài chính và phát triển doanh nghiệp (FBS) tại Hà Nội, có nhà máy chiết nạp gas đặt tại KCN thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình. Bà Tân đã cùng với đại diện FBS thống nhất “hợp đồng” mua lại công ty. Về sau, có thêm ông Ngô Thế Văn là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty CP Liên Quảng Thành cùng góp vốn mua chung công ty.
Thời điểm này, do chồng bà Tân còn đang làm lãnh đạo tại UBND TP Thái Bình nên cả 3 người (Tân, Ngoan, Văn) đều thống nhất để bà Ngoan đứng tên pháp lý trong các giao dịch mua công ty GaMi Gas với giá 7,85 tỉ đồng.
Sau khi tiếp nhận điều hành hoạt động Công ty GaMi Gas, bà Ngoan đã đại diện đứng tên trong các giao dịch liên quan để xin Sở KH&ĐT cấp GCN đăng ký kinh doanh và mã số thuế cho công ty này với tên chủ sở hữu là bà Nguyễn Thị Thanh Ngoan, vốn điều lệ 7,85 tỉ đồng. Tiếp đến, bà ngoan ký các quyết định bổ nhiệm chính bà Ngoan làm giám đốc; bà Tân làm phó giám đốc; bà Đinh Thị Hương làm kế toán trưởng công ty nhưng cả bà Ngoan và bà Tân đều là đồng chủ tài khoản tại ngân hàng VCB Thái Bình.
Đến tháng 10/2010, do không thể tiếp tục tham gia kinh doanh và điều hành công ty, bà Ngoan muốn rút ra khỏi công ty nên đã được 2 cổ đông bà Tân, ông Văn đồng ý để bà Ngoan rút tên và tiền liên quan được thể hiện tại giấy chuyển nhượng cổ phần ngày 27/10/2010 do bà Ngoan ký ghi rõ việc 3 người cùng góp vốn để mua GaMi Gas và nay bà Ngoan nhượng lại cổ phần cho bà Tân và ông Văn.
Phần của bà Ngoan được xác định để rút ra gồm hơn 1,9 tỉ đồng và khoản tiền chênh lệch là 2 tỉ đồng. Sau đó, bà Ngoan đã nhận tiền chuyển nhượng cổ phần nhiều lần từ bà Tân và Công ty GaMi Gas với tổng số tiền 2,5 tỉ đồng. Bà Ngoan cũng ký giấy ủy quyền cho bà Tân được toàn quyền quyết định các hoạt động, ký kết các hợp đồng với đối tác, phụ trách tình hình tài chính và ngân hàng, chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với mọi hoạt động của GaMi Gas từ ngày 20/7/2010.
Song, đến ngày 21/11/2010 bà Ngoan lại ký vào giấy chuyển nhượng Công ty GaMi Gas cho bà Ngô Thị Tuyết (là chị gái ông Ngô Thế Văn) với giá như trong đăng ký kinh doanh mà không hề thông báo cho bà Tân biết sự việc.
Bà Tân cho rằng bà Ngoan thực hiện được các hành vi trái pháp luật trên là có sự tiếp tay của Lãnh đạo Sở KHĐT tỉnh Thái Bình. Bởi nếu Sở KHĐT làm đúng quy trình, thực hiện đúng thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCN ĐKKD) theo Luật DN thì thử hỏi bà Ngoan có thể làm thủ tục chuyển đổi GCN ĐKKD lần thứ 8 cho bà Ngô Thị Tuyết, trong khi GCN lần 7 bản gốc bà Ngoan đã giao cho bà Tân cầm giữ.
Bà Trần Thị Kim Tân bên những vỏ bình ga của Công ty GaMi Gas đã bị bán cho người khác |
Trước cảnh gian dối trên của bà Ngoan, hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ Sở KHĐT, và nguy cơ tài sản bị cướp mất, bà Trần Thị Kim Tân đã gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong tỉnh Thái Bình như UBND tỉnh, Cơ quan Công an, Sở KHĐT…, nhưng gần 9 năm theo kiện tới nay bà Tân vẫn chưa nhận được kết quả gì...?
Cực chẳng đã bà Tân đành phải làm đơn tố cáo gửi tới các cơ quan Trung ương. Ngày 20/6/2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận được đơn của bà Trần Thị Kim Tân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Gami Gas tố cáo bà Nguyễn Thị Thanh Ngoan, Nguyên Chủ tịch Công ty TNHH Gami Gas và Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thái Bình.
Từ ngày 11/9/2017 đến ngày 15/10/2017, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thành lập Đoàn giám sát vụ việc bà Trần Thị Kim Tân. Đoàn giám sát đã làm việc với UBND, Công an, Viện KSND, TAND, Sở KHĐT, Thanh tra tỉnh Thái Bình, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình, bà Trần Thị Kim Tân và một số cá nhân có liên quan đến vụ việc.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc và tiến hành làm việc với các bên liên quan, Đoàn giám sát nhận thấy:
- Đây là vụ việc tố cáo kéo dài, có sự tham gia giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm.
- Những sai phạm trong khai báo xin GCN ĐKKD lần 7, xin cấp GCN ĐKDN lần 8 và những sai phạm trong cấp lại GCN ĐKKD lần 7, cấp GCN ĐKDN lần 8 đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, Viện KSND và Thanh tra tỉnh chỉ ra nhưng chưa được xử lý.
Quyết định số 01 ngày 20/12/2011 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình không khởi tố vụ án hình sự căn cứ vào khoản 1 và khoản 2 Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự là chưa thuyết phục.
Trên cơ sở đơn tố cáo của bà Trần Thị Kim Tân và kết quả làm việc của Đoàn giám sát với các cơ quan hữu quan và các cá nhân có liên quan, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị tới các cơ quan một số nội dung sau:
“1. Đề nghị UBND tỉnh Thái Bình xem xét xử lý việc vi phạm của Sở KHĐT tỉnh vi phạm quy định về giải quyết tố cáo đối với đơn của bà Trần Thị Kim Tân; tập trung chỉ đạo giải quyết vụ việc khiếu tố của bà Trần Thị Kim Tân; tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh cho bà Tân (nếu có nhu cầu) và khắc phục ngay việc làm chưa đúng trong việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 7 (cấp lại), lần 8 và lần 9 cho Công ty TNHH Gami gas (Công ty TNHH Gas Phú Hoàng An), thuyết phục bà Trần Thị Kim Tân chấm dứt khiếu tố. Đồng thời, kiên quyết khắc phục và xử lý những vi phạm của các tổ chức, các nhân có liên quan, trong đó, cần chỉ đạo Sở KHĐT tỉnh Thái Bình thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 7 (cấp lại), lần 8 và lần 9 của Công ty TNHH Gami gas (Công ty TNHH Gas Phú Hoàng An) và hướng dẫn DN làm thủ tục đăng ký cấp lại GCN ĐKDN theo quy định.
2. Như nhận xét trong báo cáo, tại vụ việc này, các khoản tiền của bà Trần Thị Kim Tân có dấu hiệu bị chiếm đoạt (2.663.000.000đ), bị chiếm giữ trái phép (4 tỷ đồng) và khoản tiền chênh lệch (2 tỷ đồng) chưa được xác minh, làm rõ. Vì vậy, để có căn cứ đầy đủ, khách quan làm cơ sở giải quyết những khiếu tố của bà Trần Thị Kim Tân, đề nghị Bộ Công an, Viện KSND tối cao chỉ đạo các đơn vị chức năng xem xét lại vụ việc này, cần khởi tố vụ án, tiến hành điều tra để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân, tránh tình trạng khiếu tố kéo dài”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.