Những điều đáng nói về Vinaconex và “ông chủ” mới
Lật bài sau trận ù lớn
Theo thông tin mới nhất, doanh nghiệp sẽ thay đổi Người đại diện theo pháp luật của Tổng công ty cổ phần Vinaconex từ ông Đỗ Trọng Quỳnh sang ông Nguyễn Xuân Đông. Công bố thay đổi nhân sự cấp cao của Vinaconex thực hiện ngay sau khi An Quý Hưng mua 57,71% cổ phần Vinaconex từ SCIC và lập tức đề nghị Vinaconex tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường 2019.
Sự trùng hợp một cách “không ngẫu nhiên” khi nhìn vào quy mô và số tiền công ty An Quý Hưng do ông Nguyên Xuân Đông làm Tổng giám đốc, người có thể “mạnh tay” chi ra số tiền lớn gấp nhiều lần so với số vốn sở hữu để nắm giữ cổ phần ở Vinaconex có thể thấy sự không tương xứng.
Ông Nguyễn Xuân Đông mới được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của Vinaconex |
Cụ thể, công ty An Quý Hưng có tài sản ngắn hạn gần 550 tỷ đồng, dài hạn 450 tỷ đồng và tổng cộng nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng. Năm 2017, công ty đạt 956 tỷ đồng doanh thu thuần và 62,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Do đó, không loại trừ khả năng An Quý Hưng cũng nhận được sự hỗ trợ về mặt tài chính từ các “đại gia” bất động sản khác để tiến hành thương vụ thâu tóm Vinaconex.
Thêm vào đó, công ty An Quý Hưng cũng không phải doanh nghiệp danh tiếng trong ngành, nhưng lại có “tình thân giao”, mối duyên nợ với Vinaconex thông qua việc thâu tóm công ty con của họ từ 5 năm về trước bằng việc An Quý Hưng mua cổ phần Vimeco - công ty con do Vinaconex nắm 51% vốn.
Về nguồn vốn, sau nhiều lần mua vào An Quý Hưng đã nâng tổng số cổ phần nắm giữ lên gần 3,1 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 30,97%. Ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng giám đốc An Quý Hưng, còn từng giữ vị trí thành viên HĐQT của Vimeco giai đoạn 2014 - 2017. Tuy nhiên, năm 2016, An Quý Hưng đã thoái vốn khỏi Vimeco.
Ngoài Vimeco, An Quý Hưng đã từng hợp tác đầu tư vào dự án tòa nhà hỗn hợp Văn Phú Complex tại Hà Nội cùng với Văn Phú Invest (mã VPI). Tuy vậy, An Quý Hưng đã rút khỏi dự án này chỉ sau một thời gian ngắn tham gia.
Không những thế, doanh nghiệp của ông Đông cũng từng tham gia cạnh tranh với Thaigroup để mua cổ phần khách sạn Kim Liên, nhưng đã thất bại khi Thaigroup "mạnh tay" chi hơn 1.000 tỷ đồng.
Về kinh nghiệm, mặc dù liên tục thoái vốn trong nhiều thương vụ nhưng với lời giới thiệu tại website công ty, An Quý Hưng đã có kinh nghiệm thi công gần 60 dự án lớn, nhỏ cho các đối tác trong và ngoài nước, trong đó có tới gần 50 nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho thấy bề dày kinh nghiệm của An Quý Hưng thật sự đáng tin cậy?
Về năng lực, bên cạnh việc thế chấp tài sản vào Ngân hàng TNHH Indovina - Chi nhánh Thiên Long, được biết, đầu tháng 11, An Quý Hưng cũng đã thế chấp một số tài sản, kể quyền lợi từ việc hợp tác đầu tư dự án The Terra Hào Nam, vào VPBank. Hợp đồng thế chấp được ký ngày 12/11/2018 - không lâu trước hạn chót để đặt cọc 543 tỷ đồng để tham dự phiên đấu giá. Phải chăng, công ty gấp rút nâng giá trị vốn sở hữu có an toàn cho việc tự chủ tài chính của doanh nghiệp sau này?
Về nhân sự, hiện có tới 6 người có liên quan tới SCIC trong danh sách thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) của Vinaconex.
Cụ thể, có tới 4 nhân sự góp mặt trong HĐQT của Vinaconex là người có liên quan đến SCIC, bao gồm ông Nguyễn Đức Chi (Chủ tịch HĐQT Vinaconex, đồng thời là Chủ tịch HĐQT SCIC) và 3 người đại diện phần vốn của SCIC tại Vinaconex là: ông Đỗ Trọng Quỳnh (Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc); ông Trần Tuấn Anh (Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc); ông Nguyễn Anh Tùng (Thành viên HĐQT).
Còn trong BKS Vinaconex, liên quan tới SCIC có sự góp mặt của 2 nhân sự là: ông Vũ Hồng Tuấn (Thành viên Ban kiểm soát Vinaconex, Trưởng Ban Pháp chế SCIC) và bà Kiều Bích Hoa (Thành viên Ban kiểm soát, Cán bộ Ban Đầu tư 2 - SCIC).
Liệu sau cuộc họp cổ đông bất thường tới đây, đối với việc kiện toàn bộ máy mới của Vinaconex, việc chi ra số tiền hàng nghìn tỷ đồng, An Quý Hưng có lẽ là cổ đông sáng giá nhất nhằm nhanh chóng hiện thực hóa vị thế của mình tại Vinaconex. Chắc chắn, các nhân sự mới được đề cử và bỏ phiếu trong cuộc họp này sẽ phần nào làm rõ vị trí và vai trò của các nhà đầu tư mới thế chỗ cho SCIC và Viettel tại Vinaconex.
Được và mất tại Vinaconex
Bên cạnh An Quý Hưng, nhà đầu tư đã bỏ ra hơn 2.002 tỷ đồng để “ôm trọn” lô cổ phần chiếm tỷ lệ 21,28% tổng vốn điều lệ của Vinaconex do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) sở hữu cũng chưa được tiết lộ chi tiết. Tuy nhiên, với việc bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để tham gia đấu giá, nhà đầu tư "bí ẩn" này cũng có nhiều lý do để tham dự.
Việc thâu tóm Vinaconex ngoài An Quý Hưng còn có một số “ông lớn” bên lĩnh vực bất động sản và xây dựng góp vốn. Họ nhìn thấy gì ở Vinaconex?
Theo bản công bố thông tin mới nhất, tính đến nay Vinaconex đang quản lý 3,2 triệu m2 đất, bao gồm 131,786 m2 được giao tại 9 công trình và 3 triệu m2 đất thuê đang thực hiện đầu tư tại 7 dự án khác. Phần lớn những khu đất có diện tích lớn tại Hà Nội đang được Vinaconex triển khai dự án và cho thuê mặt bằng, hạ tầng khu công nghiệp.
Khu đất lớn nhất của Vinaconex có diện tích hơn 2,77 triệu m2 nằm tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là khi đất do Vinaconex thuê lại từ Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, thời gian thuê 48 - 49 năm. Hiện nay dự án đã giải tỏa mặt bằng sạch khoản 190,8 ha, diện tích đã chi trả tiền còn vướng mắc 42,5 ha và 37,5 ha còn chưa chi trả.
Doanh nghiệp đang triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp (hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật…). Dự án có quy mô đầu tư 1.316,7 tỷ đồngvà tiến độ thực hiện từ 2014 đến 2020.
Vinaconex còn có khu đất hơn 356.171 m2 tại Khu Công nghiệp Công nghệ cao 1 (Quốc Oai, Thạch Hòa), được cho thuê mặt bằng và hạ tầng.
Ngoài các lô đất thuộc công ty mẹ Vinaconex, 25 công ty con và 8 đơn vị liên doanh, liên kết của tổng công ty cũng có quỹ đất riêng.
Đáng chú ý nhất là khu đất xấp xỉ 33.000 m2 tại xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội - nơi đang được triển khai dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora). Vinaconex hiện sở hữu 50% vốn góp của Công ty cổ phần An Khánh JVC - chủ đầu tư dự án này. Trước đây, dự án Bắc An Khánh là liên doanh giữa Vinaconex và Posco E&C theo tỷ lệ góp vốn 50:50. Posco E&C sau đó đã chuyển nhượng 50% vốn góp cho Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long, công ty liên quan đến nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, với giá chuyển nhượng khoảng 600 tỷ đồng.
Cùng với các dự án trên, Vinaconex cũng đang thực hiện 2 dự án cải tạo chung cư cũ tại 93, 97- 99 Láng Hạ, với tổng mức đầu tư dự kiến lần lượt 949 tỷ đồng và 618,7 tỷ đồng. Trong đó tại 93 Láng Hạ, Vinaconex sở hữu hơn 98% phần vốn, còn dự án 97-99 Láng Hạ doanh nghiệp nắm giữ với tỷ lệ 45%.
Đồng thời, công ty đang triển khai dự án chung cư cao 33 tầng tại 25 Nguyễn Huy Tưởng (đầu tư 637,5 tỷ đồng) và Vinata Towers (đầu tư 618,7 tỷ đồng).
Khu đất Nguyễn Huy Tưởng có quy mô khoảng 3.050 m2, trong đó diện tích đất xây dựng công trình khoảng 1.516,8 m2, bao gồm một tòa nhà chung cư 33 tầng với 3 tầng hầm và 4 nhà liên kế thấp tầng.
Nhìn vào quỹ đất “khổng lồ” mà Vinaconex sở hữu, phải chăng điều này chính là lý do khiến nhà đầu tư bỏ ra mức giá cao hơn nhiều so với thị trường để sở hữu cổ phần mà SCIC và Viettel thoái vốn tại đây?
Mặc dù vậy, Vinaconex lại có những khoản nợ đọng giá trị lớn và kéo dài đang làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp này. Ảnh hưởng rõ nét nhất của nợ đọng đến tình hình tài chính của Vinaconex là việc cơ cấu lại nguồn vốn cho quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi bị chiếm dụng vốn do chủ đầu tư chậm trả, Vinaconex đã phải trông cậy rất nhiều vào các nguồn vốn bên ngoài thông qua vay nợ các tổ chức tín dụng. Điều này dẫn đến chi phí sử dụng vốn của Vinaconex tăng lên và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp này.
Ngoài ra, Vinaconex cũng phải thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi của khách hàng dẫn đến giảm lợi nhuận, giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Cụ thể, từ năm 2012 đến năm 2016, con số trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi gần như không đổi. Cụ thể, năm 2012 con số này là 417 tỷ đồng và năm 2016 là 403 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính của Tổng công ty,từ năm 2014 đến thời điểm 30/6/2017 cho thấy, 2 khách hàng đang có khoản nợ lớn với Vinaconex là Sở Xây dựng Hà Nội (liên quan đến Dự án Bảo tàng Hà Nội) và Ban Quản lý dự án Thăng Long (liên quan đến Dự án Đường Láng - Hòa Lạc).
Ngoài 2 khoản nợ của Sở Xây dựng Hà Nội và Ban Quản lý dự án Thăng Long nêu trên, một loạt chủ đầu tư, công ty liên kết cũng còn những khoản nợ khủng đối với Vinaconex tại thời điểm 30/6/2017. Cụ thể, chủ đầu tư các hợp đồng xây lắp nợ 799 tỷ đồng, Công ty CP ADG Holding nợ 65 tỷ đồng.
Với những khó khăn, thách thức mà Tổng công ty đang phải đương đầu, với chiến lược tái cấu trúc doanh nghiệp để tập trung vào hai lĩnh vực chính gồm: xây dựng và kinh doanh các dự án bất động sản - phát triển hạ tầng đã có, liệu HĐQT mới có tạo ra sự “bứt phá” cho doanh nghiệp tên tuổi này không? Mong rằng, sau thời gian tái cấu trúc thành công, Vinaconex sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư mới để thực hiện chiến lược đầu tư mới.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.