Những ngôi nhà tình nghĩa ở Mường Nhé
Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mường Nhé hỗ trợ người dân xây dựng nhà tình nghĩa.
Là một trong những gia đình được nhận nhà tình nghĩa từ đợt đầu (ngày 11-11-2019), đến nay đã gần sáu tháng, vậy mà vợ chồng anh Hờ A Dế ở bản Nậm Pố 4, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé vẫn cứ ngỡ như một giấc mơ vậy. Vốn là dân di cư tự do từ nơi khác đến, lại quá nghèo cho nên ước mong có một ngôi nhà kiên cố với gia đình anh Dế là quá xa vời. Bởi thế, khi nghe cán bộ công an huyện Mường Nhé thông báo chủ trương hỗ trợ làm nhà của Bộ Công an, anh Dế nửa tin, nửa ngờ. Anh Hờ A Dế nhớ lại, hôm đoàn cán bộ gồm Công an huyện Mường Nhé, lãnh đạo xã Mường Nhé đến tận nhà trao đổi về việc này, anh kể: "Nếu đồng ý phương án hỗ trợ, Công an huyện sẽ cử cán bộ, chiến sĩ về giúp làm nhà trong đợt đầu. Gia đình tôi mừng quá, bởi cán bộ nói và làm luôn. Chỉ trong mấy ngày đã tập kết đủ nguyên, vật liệu. Các cán bộ, chiến sĩ công an, đoàn viên, thanh niên huyện, xã về tận nơi trực tiếp vận chuyển gạch, cát, xi-măng… để dựng nhà. Từ nay gia đình tôi đã có nhà kiên cố ở, tránh được mưa, nắng, yên tâm lao động sản xuất". Chung niềm vui như anh Hờ A Dế, ông Mùa A Páo ở bản Nậm Pố 1 thật sự xúc động khi cũng được nhận nhà tình nghĩa giữa những ngày tháng 3 vừa qua. Ðại diện các hộ dân ở Mường Nhé được hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà bày tỏ cảm xúc tại Hội nghị Tổng kết Chương trình làm nhà do
Bộ Công an, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Tỉnh ủy Ðiện Biên phối hợp tổ chức mới đây, ông Mùa A Páo cho biết: "Gia đình tôi có bảy nhân khẩu, di cư tự do từ huyện Phong Thổ (Lai Châu) về Mường Nhé vào năm 2005. Cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn, nhà cửa tạm bợ, dột nát. Ðược Bộ Công an và cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ làm cho căn nhà mới chắc chắn, rộng rãi, gia đình tôi biết ơn nhiều lắm".
Chia sẻ chung quanh câu chuyện về cuộc sống khó khăn của người dân và chính quyền huyện Mường Nhé, Chủ tịch UBND huyện Vùi Văn Nguyện cho biết thêm: Ngày đầu thành lập vào năm 2002, huyện Mường Nhé chỉ có hơn 25.500 nhân khẩu (đã bao gồm cả số dân huyện Nậm Pồ ngày nay). Vậy mà hiện nay, riêng số dân Mường Nhé đã tăng lên 61.800 nhân khẩu, trong đó dân di cư tự do từ nơi khác đến địa bàn chiếm hơn 60%. Thực trạng này là một trong những nguyên nhân khiến Mường Nhé là một trong số những huyện nghèo nhất trong 61 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a. Cùng với chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 30a, những năm qua, Ðảng, Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục dành nhiều quan tâm cho Mường Nhé bằng việc đầu tư nhiều chương trình, dự án, tuy nhiên, đến nay tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của huyện đến cuối năm 2019 vẫn thuộc tốp cao nhất tỉnh (66,03%). Trong số những hộ dân thuộc diện đói nghèo ấy, có rất nhiều gia đình thật sự khó khăn về nhà ở, bà con phải ở trong những căn nhà dột nát, tạm bợ. Cho nên khi Bộ Công an kêu gọi, hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà bằng một chương trình riêng dành cho huyện Mường Nhé thì không chỉ bà con đồng bào các DTTS nơi đây mà cán bộ, nhân dân trong huyện rất phấn khởi. Bởi khi đã an cư thì các hộ nghèo sẽ có thêm điều kiện và động lực vươn lên, ổn định cuộc sống.
Tìm hiểu về quá trình triển khai làm nhà cho hộ nghèo ở Mường Nhé, chúng tôi được biết, trong vòng chưa đầy sáu tháng, tỉnh Ðiện Biên đã hoàn thành làm mới, sửa chữa 1.149 ngôi nhà (trong đó 980 nhà làm mới, 169 nhà sửa chữa) ở địa bàn xa xôi nhất. Cùng với 54 tỷ đồng do Quỹ Vì người nghèo của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các ngân hàng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ðầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngoại thương Việt Nam, Công thương, Hàng hải, Kỹ thương, Thịnh Vượng hỗ trợ, tỉnh Ðiện Biên đã tạm ứng ngân sách tỉnh thêm một tỷ đồng rồi giao kinh phí, chỉ tiêu cụ thể để 24 sở, ban, ngành của tỉnh có trách nhiệm cử cán bộ, công chức về địa bàn giúp các gia đình làm nhà.
Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ðiện Biên Lò Thị Minh Phượng, với mong muốn giúp người nghèo sớm có nhà ở ngay khi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị đã thành lập tổ công tác do một đồng chí lãnh đạo cơ quan, đơn vị làm Tổ trưởng trực tiếp vào địa bàn triển khai thực hiện. Vượt lên khó khăn về địa hình, sự khắc nghiệt của thời tiết vùng biên và cả khó khăn trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, hơn 400 cán bộ từ 24 sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang tỉnh đã ngày đêm bám địa bàn để làm nhà giúp người dân. Sáu tháng qua, gần 1.200 ngôi nhà đã hoàn thành trong niềm vui hân hoan của các hộ dân nghèo. Còn Chủ tịch UBND xã Mường Nhé Sùng Páo Ly cho biết: Ðược nhận nhà tình nghĩa lần này, mỗi hộ nghèo ở xã Mường Nhé nói riêng, huyện Mường Nhé nói chung như được tiếp thêm niềm tin, nghị lực để vượt qua khó khăn. Bởi với các hộ nghèo, một căn nhà trị giá 50 triệu đồng là khối tài sản dẫu nằm mơ họ cũng không dám nghĩ tới. Nhưng từ bây giờ, khi đã có nhà cửa vững chắc, ổn định, người dân yên tâm làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, chính quyền xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia các mô hình sản xuất giống cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao; vận động bà con tích cực tham gia cùng các doanh nghiệp trồng cây nông nghiệp theo chuỗi liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng với đó, xã cũng sẽ cử cán bộ về từng bản, hướng dẫn người dân hoàn thiện các thủ tục góp đất trồng các loại cây công nghiệp mà nhiều doanh nghiệp đang quan tâm triển khai trên địa bàn, như: cây mắc-ca, cà-phê, cao-su…
Điểm lại kết quả, ý nghĩa chương trình đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Ðiện Biên Mùa A Sơn cho biết, không chỉ người dân ở Mường Nhé phấn khởi khi được ở trong ngôi nhà mới kiên cố, mà mỗi cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang tỉnh Ðiện Biên cũng vui mừng vì được đóng góp công sức của mình hỗ trợ dân bản xây dựng nhà ở. Việc hỗ trợ người nghèo có nhà ở kiên cố, ổn định cuộc sống không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn có ý nghĩa lớn về mặt chính trị. Ðây cũng là dịp để củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và chính quyền địa phương nơi biên cương của Tổ quốc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.