Những lớp học mang tên Gạc Ma, Trường Sa… giữa Sài Gòn
Lớp 10 Song Tử Tây |
15 lớp học đều được “định danh” theo tên đảo trên đất nước Việt Nam như Cô Tô, Song Tử Tây, Chữ Thập, Phú Quốc, Gạc Ma, Lưỡi Liềm, Côn Đảo… Những hòn đảo nổi tiếng theo chiều dài đất nước đều “tụ hội” ở đây.
Lớp 11 Lưỡi Liềm |
Không chỉ là tên gọi, không gian biển đảo bao trùm trong từng lớp học với những bức tranh, bức vẽ, thậm chí cả những con sò, mảnh lưới… Để việc trang trí thể hiện được bản sắc của lớp, thành viên mỗi lớp đều phải tìm hiểu về hòn đảo lớp mình mang tên ở tất cả các khía cạnh: Lịch sử hình thành, vị trí địa lý, đặc trưng của đảo, số lượng dân cư… Những thông tin cơ bản này cũng được ghi lại chi tiết trong bảng tin của lớp. Không gian mỗi lớp học bỗng trở nên nhiều màu sắc bởi những bức tranh, hình vẽ, những bài thơ mang hơi thở biển cả.
Tình yêu biển đảo thể hiện ngay từ cửa của lớp 10 Gạc Ma |
Thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ý tưởng đặt tên lớp học theo các hòn đảo Việt Nam đã được thầy ấp ủ trước đó cả năm, bắt đầu từ những suy nghĩ muốn học sinh hiểu biết hơn về biển đảo quê hương, xây dựng ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước. Vào sáng thứ hai hàng tuần, mỗi lớp sẽ lên thuyết trình về hòn đảo mình được đặt tên.
Buổi thuyết trình trong giờ sinh hoạt dưới cờ sáng 16/11 của lớp 10 Phú Quốc |
Trần Thanh Tâm, học sinh lớp 10 Song Tử Tây vui vẻ cho biết: “Lớp em bốc thăm được tên Song Tử Tây, cả lớp rất vui và cùng nhau tìm hiểu thông tin về hòn đảo này. Trước khi được mang tên mới, tụi em gần như không biết gì về đảo Song Tử Tây. Đây cũng là dịp để chúng em bổ sung kiến thức về biển đảo Việt Nam”.
Nguyễn Hoàng Hà Anh, lớp 10 Phú Quốc tâm sự: “Khi lớp chúng em được mang tên Phú Quốc, chúng em thấy rất lạ và tự hào vì có tên gọi đặc biệt, không phải là C1, C2 như các trường khác. Chúng em đã tổ chức trang trí lớp bằng những hình ảnh, thông tin để mỗi bạn khi bước vào lớp đều có cảm giác như đang đi trên đảo Phú Quốc”.
Góc biển đảo của lớp 10 Gạc Ma |
Nguyễn Thị Ngọc Bích, lớp 10 Gạc Ma chia sẻ: “Nhờ mô hình này, chúng em được biết nhiều hơn, hiểu sâu hơn về biển đảo. Trước đây, em cũng chỉ nghe sơ sơ về đảo Gạc Ma, nhưng từ khi lớp chúng em được mang tên hòn đảo này, tụi em mới hiểu rõ lịch sử cũng như quá trình chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma của cha ông ta. Tuần tới, lớp chúng em sẽ dựng lại cuộc chiến đấu giữ đảo năm 1988 trong buổi thuyết trình”
Từ đầu năm học, nhà trường đã may đồng phục hải quân với áo màu trắng chủ đạo, quần xanh, viền cổ và tay áo được cách điệu với điểm nhấn là dòng chữ “Em yêu biển đảo quê hương” in bên ngực trái.. Ý tưởng thiết kế do thầy trò trường ấp ủ sau nhiều lần đến thăm các chiến sĩ hải quân, cũng như tổ chức hoạt động hướng về biển đảo tại trường.
Đồng phục của học sinh nhà trường mang hơi thở biển đảo |
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.