Nỗi đau của ngành dệt may Việt Nam
2016-04-04 07:15:25
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Tự hào là ngành công nghiệp có tỷ lệ đóng góp cao nhất vào GDP nhưng ngành dệt may Việt Nam lại đang mất dần thị phần vào tay doanh nghiệp Trung Quốc…
Năm 2015, dệt may Việt Nam xuất khẩu được 27,5 tỷ USD. Dự kiến năm 2016, ngành này tiếp tục đặt mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt mốc 31 tỷ USD.
Mục tiêu chiến lược phát triển công nghiệp dệt may đến năm 2020 thì giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 46 tỷ USD.
Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương đã được ký kết, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong 03 năm đầu khi TPP chính thức có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may sẽ tăng trưởng khoảng 17% - 20%/năm. Dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt giá trị 50 tỷ USD.
Ngành dệt may Việt Nam tự làm yếu vì thiếu liên kết. Ảnh: Hải Âu/TTXVN |
Viễn cảnh tươi đẹp là thế, nhưng vì thiếu chủ động nên các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi kiếp làm thuê. Lấy số liệu trong năm 2014, trong tổng số 23 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thì có tới 70% doanh số thuộc về 30% số lượng doanh nghiệp FDI, còn 70% doanh nghiệp Việt chỉ “ăn” phần còn lại 30% doanh số xuất khẩu được, khoảng 7 tỷ USD.
Điều đáng buồn nữa là có đến 85% doanh nghiệp Việt vẫn thực hiện theo phương thức gia công, nên trong 7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thì chưa đầy 1,5 tỷ USD kim ngạch thực nhận được, vì giá gia công chỉ chiếm 25% trong giá thành sản phẩm, hay nói khác đi gần 4,5 tỷ USD “vào túi” các công ty nước ngoài giao hàng gia công.
Cách đây 7 năm, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành dệt may là 32%, thế nhưng giờ chỉ còn khoảng 16-17%. Xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực sợi dệt nhuộm đang tăng rất mạnh, trong đó chủ yếu là DN đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan… nhằm hưởng lợi từ TPP và các FTA khác. Năm 2015, khoảng 2,5 tỉ USD vốn ngoại đã đổ vào dệt may với nhiều dự án quy mô lớn, đầu tư chuỗi khép kín từ sợi - dệt - nhuộm và may.
Doanh nghiệp Trung Quốc chiếm tỉ lệ áp đảo tại Saigon Tex 2016 |
Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 28, cho biết trong ngành sợi, cách đây 5 năm, DN nội địa chiếm 60% nhưng đến nay khối FDI vươn lên chiếm 70%. DN trong nước chủ yếu làm gia công và ngay cả FOB (mua nguyên liệu bán thành phẩm), khách hàng cũng chỉ định nơi mua nguyên liệu, DN chỉ được chủ động về phụ liệu. Với TPP, chuyện đầu ra cho nguyên liệu rất khó bởi đầu tư mới một nhà máy sản xuất cần khoảng 50 triệu USD, vốn lớn nhưng thu hồi chậm nên DN trong nước không mặn mà đầu tư vào dệt nhuộm. Trong khi đó, các DN Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam và bán vải cho DN nội địa lại có tiềm lực rất lớn…
Nhiều chuyên gia nhận định, các dự án FDI đổ vào ngành dệt may ngày càng theo xu hướng khép kín là điều bất lợi cho DN nội địa. Cụ thể, công đoạn sản xuất giá trị gia tăng thấp được DN FDI tổ chức tại Việt Nam từ kéo sợi đến thành phẩm may mặc, còn công đoạn thiết kế phân phối có giá trị gia tăng cao do công ty mẹ ở nước ngoài đảm nhận. Đa phần DN FDI là công ty toàn cầu đến từ các cường quốc dệt may, ngay cả những DN nước ngoài đã có mặt ở Việt Nam cũng dịch chuyển sang xu hướng khép kín, như Formosa, Bamboo…
Doanh nghiệp may Việt Nam hiện nay chẳng khác gì thân phận người đàn bà làm dịch vụ đẻ thuê hay mang thai hộ, chấp nhận con mình sinh ra được khai sinh theo họ người khác. Điều này đẩy họ vào thế thụ động và sẽ phải cạnh tranh khốc liệt nếu tương lai xuất hiện những thị trường nhân công giá rẻ hơn Việt Nam. Thế nhưng với đa số doanh nghiệp vốn ở quy mô vừa và nhỏ, xây dựng thương hiệu riêng có vẻ là chuyện không tưởng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Kiên Cường