Phố ngoài đê

2016-02-12 13:57:52 0 Bình luận
Như nhiều đô thị khác ở nước ta nằm bên các dòng sông, Hà Nội cũng có sông Hồng chảy qua. Sông Hồng là con sông lớn mang nặng phù sa, chảy từ thượng nguồn phương Bắc đổ về, có thủy văn khắc nghiệt, nên từ xa xưa, người dân Thăng Long đã biết đắp đê bao để khỏi bị nước sông vào mùa mưa ở đầu nguồn đổ về gây lũ lụt tàn phá nhà cửa, mùa màng… Trải qua nhiều thế kỷ xây đắp, đê sông Hồng trở nên vững chãi, dài rộng, sừng sững ngăn cách thành phố - trong đê với vùng đất bãi ngoài đê như ngày nay. Do có vị trí đặc biệt, nên sông Hồng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành và phát triển của Hà Nội, tạo nên những nét đặc trưng riêng về cấu trúc đô thị, phân bố dân cư và cả về bản sắc văn hóa, trong đó có cư dân sống ngoài đê, mà ta thường hay gọi là dân đất bãi.


Bây giờ, các địa danh ngoài đê sông Hồng đoạn qua Hà Nội đã trở nên quá quen thuộc với người Hà Nội, như Tứ Liên, An Dương, Phúc Tân, Phúc Xá, Hàm Tử Quan, Đầm Trấu, Long Biên, Bạch Đằng… Nhưng cách đây nhiều thế kỷ nơi đây đã có cư dân sinh sống. Lần giở theo sử sách được biết, đoạn đê kéo dài từ Yên Phụ cho tới cuối đường Bạch Đằng, trước kia vốn là đất của 6 thôn Thủy Cơ, sau nhập thành thôn Cơ Xá, mà dân gốc vốn là dân làng An Xá. Làng này trước ở trong đê, khi vua Lý Thái Tổ lấy đất xây Thăng Long thành thì toàn bộ dân ở đây phải di dời ra ngoài đê làm nhà để ở, buôn bán kiếm sống. Từ trước năm 1915, đê bao còn thấp, chưa ngăn cách thành phố với dòng sông như bây giờ. Phố xá nhất là khu phố cổ tất thẩy đều hướng ra bờ sông, giao thương nhộn nhịp và tấp nập. Theo Phạm Đình Hổ, một nho sỹ nổi tiếng ở thế kỷ XVIII, thì khi xưa, kinh thành Thăng Long có phường Giang Khẩu tiếp giáp bờ sông Nhị (sông Hồng), có các nhánh sông chảy vào sông Tô Lịch. Sau này, do cửa sông Tô dần bị bồi lấp, bến cảng Hà Nội chuyển lên phía Bắc, khu vực phố Nguyên Khiết hiện nay. Thời ấy, đứng từ phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải bây giờ có thể phóng tầm mắt nhìn thấy sông Hồng với những cánh buồm chao chát ngược xuôi dòng… Nhưng rồi sau trận lụt lịch sử vào năm 1915, nước sông dâng lên đến 13m, đe dọa Hà Nội, chính quyền đương thời đã cho tu bổ và xây tường đê lên cao đến 14,6m, mở vài cửa khẩu để cho dân ở trong và ngoài đê đi lại, giao thương cho thuận tiện, đến khi có lũ thì huy động dân chúng lấy bao đất, bao cát bịt lại, gọi là hàn khẩu, để ngăn nước sông Hồng tràn vào, như cửa khẩu Hàm Tử Quan, An Dương, Bạch Đằng… Và thế là từ đó, dòng sông bị đẩy ra xa. Phía ngoài đê, ngoài bãi rộng dài mênh mông kia bị lãng quên, trở thành “miền đất hứa” cho dân nghèo tứ xứ hội tụ về, gọi là dân tứ chiếng. Nhà cửa thời ấy đơn giản lắm. Chủ yếu là nhà một tầng mái lợp gianh hay lá cọ. Tường vách đất. Một số gia đình ở thôn Cơ Xá xưa, thì dựng nhà trên cột gỗ kiểu nhà sàn dưới để trống, sinh sống khá thuận tiện mỗi khi có lũ lụt. Dân ngoài đê kiếm sống bằng đủ nghề. Ngoài một số làm nghề nông, trồng rau, màu ở bãi giữa, thì đại đa số là những nghề hèn kém, bị xã hội khi ấy khinh rẻ như bốc vác ở các bến sông, làm phu xe, chạy chợ, bán hàng rong, chai chè đồng nát, đi ở cho nhà giàu… rồi cả dân anh chị đâm thuê chém mướn, giang hồ, đĩ điếm.

2 Năm 1955, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Thủ đô được giải phóng, khu nhà ở tập thể hai tầng đầu tiên bằng gỗ được xây dựng ở khu vực Hàm Tử Quan, khởi đầu của sự hình thành đô thị ngoài đê. Tiếp đó, là bến Bạch Đằng với nhiều con đường, con phố được mở, được đặt tên. Sự xuất hiện các khu nhà ở như K95 của quân đội, tập thể điện lực ở bãi Phúc Xá… Rồi doanh trại quân đội, trụ sở, nơi làm việc một số cơ quan như Viện Khảo sát của Bộ Thủy lợi, Cty Vật tư của Bộ Điện Than, Trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội ở An Dương, Phúc Xá… sân thể thao Long Biên, nơi bắt đầu sự nghiệp quần đùi áo số của nhiều cầu thủ bóng đá lẫy lừng một thời như Thế Anh (Ba đẻn) của Thể Công… tất cả đã tạo thành những khối phố ngoài đê. Cũng tên phố, tên phường và hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như điện, nước máy.


Gần ba chục năm trở về trước, mỗi khi vào mùa lũ, nước sông Hồng lại từ đầu nguồn cuồn cuộn đổ về, cả khu vực ngoài đê mênh mang nước. Người dân ở ngoài đê, nhất là khu vực Phúc Xá, An Dương, Bạch Đằng… phải bồng bế con cái, mang theo của nả sơ tán vào trong phố. Người nào có họ hàng, người quen tốt bụng cho tá túc thì đỡ, còn thì căng nilon, dựng lều bạt tạm bợ trên mặt đê, dọc vỉa hè đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải… mà trú tạm qua mấy ngày nước sông Hồng lên. Nước rút, lại bồng bế nhau về nạo vét phù sa trong nhà, ngoài ngõ để ở. Năm hai ba lần chạy lũ là thường. Sau này, khi thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động, rồi ở phía thượng nguồn phương Bắc, người ta xây những đập thủy điện cực lớn, lại thêm mươi năm gần đây khí hậu trái đất biến đổi thất thường, nên nước sông Hồng tuyệt không thấy lên cao nữa, thậm chí có năm đến mùa lũ mà dòng sông vẫn cạn. Trong những năm đổi mới, kinh tế phát triển, cùng với sự mở rộng của thành phố, phố ngoài đê cũng đông đúc, sầm uất hơn. Hồ Phúc Xá bị san lấp để xây nhà ở cao tầng phục vụ giãn dân cho các dự án. Nhiều khu nhà ở mới như khu Đầm Trấu được xây dựng, nhiều tuyến phố chính ở phường Bạch Đằng, Phúc Xá, An Dương… được chỉnh trang làm cho bộ mặt kiến trúc phố thị ngoài đê khang trang hơn. Thế nhưng, bên cạnh đó thì còn tồn tại rất nhiều khu nhà tạm bợ, lụp xụp… của hàng ngàn hộ dân nghèo nơi gầm cầu Long Biên, mép sông, bãi giữa. Do dân ở đây tự lấn chiếm, từ các nơi khác tìm về cư trú trái phép, nên hầu như hạ tầng kỹ thuật như hệ thống tiêu thải nước bẩn và cấp nước sạch rất thiếu thốn. Địa bàn rộng, lại do sự quản lý lỏng lẻo kéo dài nhiều năm, nên khu vực này đang gây bức xúc cho chính quyền sở tại, bởi đây là nơi trú ngụ của nhiều thành phần bất hảo, các tệ nạn xã hội như trộm cắp, nghiện hút… Đặc biệt, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề bởi rác thải, phế thải và nước bẩn. Tất tật đều đổ ra sông Hồng, biến dọc bờ hữu ngạn sông Hồng thành bãi rác khổng lồ. Trong sự phát triển của thành phố, thì những điểm dân cư như vậy khác nào những u nhọt trên một cơ thể cường tráng. Đi từ phía Gia Lâm vào Hà Nội, qua cầu Chương Dương, Long Biên ta mới thấy buồn bởi sự hỗn tạp và nhếch nhác của bộ mặt kiến trúc khu vực ngoài đê này.

3 Hà Nội đã qua ngàn năm năm tuổi. Rất nhiều nguồn lực được đổ ra để chỉnh trang, cải tạo cho thành phố đẹp hơn, hiện đại hơn, văn minh hơn. Nhưng trong cái sự kiến thiết lớn lao ấy, dường như chính quyền vẫn thờ ơ hay còn lúng túng trong việc tìm ra một giải pháp quy hoạch kiến trúc khả thi cho phần đất vốn rất gắn bó với lịch sử hình thành và phát triển của Hà Nội. Đã đến lúc cần có một nghiên cứu khoa học về việc sự tồn tại của tuyến đê bao quanh Hà Nội. Ai cũng biết, đê là để ngăn lũ lụt do sông Hồng gây ra. Nhưng thực tế nhiều năm nay hầu như không còn lũ lụt, thì có cần tuyến đê bao hiện nay không? Phải chăng, thay cho tuyến đê cổ này là một hệ thống kè bờ sông bằng bê tông và đá để bảo vệ bờ sông khỏi bị xói lở và ô nhiễm. Còn tuyến đê cũ sẽ được hạ thấp độ cao, ta sẽ có hàng triệu m2 mặt đê để thiết kế xây dựng làm nơi đỗ xe ô tô (có thể chứa hàng nghìn xe, đem lại cho ngân sách thành phố hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, góp phần làm giảm cái nạn đỗ đậu xe bừa bãi, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè và tắc đường, kẹt xe do ôtô cá nhân gây ra như hiện nay), rồi trồng cây xanh, làm vườn hoa, thảm cỏ, đường dạo, không gian sinh hoạt cộng đồng… Còn tuyến phố ngoài đê sẽ được quy hoạch lại để tạo ra đô thị xanh với những khu phố vườn, khu nghỉ dưỡng, khu văn hóa giải trí chất lượng cao phục vụ cộng đồng và hoạt động du lịch… Nếu được như thế, cùng với những cây cầu hiện đại đã có và sẽ có trong tương lai bắc qua sông Hồng, thì kiến trúc đô thị hữu ngạn sông Hồng đoạn qua Hà Nội sẽ hoàn toàn thay đổi, trở thành một phần gắn bó hữu cơ, hài hòa với kiến trúc cảnh quan chung của Hà Nội hiện đại, văn minh, giàu bản sắc văn hóa trong thế kỷ XXI. Đó là mơ ước của người viết bài này cũng là một kiến trúc sư. Không biết nó có lãng mạn quá không, nhưng chắc rằng nó không hề viễn vông, xa vời như một dự án nào đó của nước ngoài lập ra có tên “Thành phố sông Hồng” với vốn đầu tư lên tới hơn 7 tỷ đô-la (Mỹ) cách đây chừng mười năm trước, mà giờ không biết số phận của nó ra sao?

*

* *

Những ngày giáp Tết, có dịp đi qua các con phố ngoài đê hay đi trên cầu Long Biên nhìn về, hình ảnh nhếch nhác, lộn xộn của kiến trúc dọc bờ sông đang bị ô nhiễm bởi nước bẩn và rác thải, cùng cuộc sống vất vả của một bộ phận lớn dân cư nơi đây ngày ngày đang quay quắt mưu sinh trong nền kinh tế thị trường nghiệt ngã không khỏi làm tôi suy nghĩ và tự hỏi “Biết đến bao giờ…?!”.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00

Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á phẫu thuật nhân đạo cho người nghèo tại Hải Phòng

Sáng 22/11, Đoàn công tác của Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á (APBA) do Giáo sư Bác sĩ Hattori Tadashi - Giám đốc dẫn đầu, đến khám và phẫu thuật nhân đạo cho bệnh nhân nghèo, mắc bệnh nặng về dịch kính võng mạc tại Hải Phòng.
2024-11-22 19:05:20

Fansipan rực rỡ sắc màu lễ hội hoa sen đá, giá vé cáp treo chỉ còn 550.000 đồng

Lầu đầu tiên được tổ chức tại Fansipan, Lễ hội hoa sen đá đem đến vô vàn trải nhiệm độc đáo cho du khách, đặc biệt khi Sa Pa đang vào mùa mây đẹp nhất năm.
2024-11-22 18:47:26

HEAD Honda Thắng Lợi lưu chuyển tiền thuần âm và chiến lược vượt khó

Mặc dù trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Công ty TNHH Thắng Lợi âm 225 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 1,7 tỷ đồng nhưng kết thúc năm 2023, công ty TNHH Thắng Lợi đạt hơn 711 tỷ đồng doanh thu, báo lãi sau thuế hơn 260 triệu đồng.
2024-11-22 17:40:02

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chặng đường tiếp theo của Việt Nam và Malaysia cũng như việc bảo đảm một hệ thống quốc tế công bằng, rộng mở phụ thuộc lớn vào sự phát triển vững mạnh của ASEAN.
2024-11-22 14:08:22

Các khuyến nghị công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp gắn với sinh kế người dân

Ngày 21/11, tại TP Hà Nội, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới, đồng tổ chức Diễn Đàn: Thực thi Luật Đất đai 2024 và các khuyến nghị công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp gắn với sinh kế người dân.
2024-11-22 12:05:00
Đang tải...