Quân đoàn 1: 50 Năm 'Thần tốc – Quyết thắng'
Sự ra đời của Quân đoàn đánh dấu bước trưởng thành lớn mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân ta, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân đoàn 1 đã vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, phấn đấu không ngừng, lập nhiều chiến công oanh liệt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, Quân đoàn đã có những đóng góp to lớn xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đứng trong đội hình chiến đấu đầu tiên của Quân đoàn 1 bao gồm: Các sư đoàn chủ lực và các lữ đoàn, trung đoàn binh chủng, là những đơn vị được thành lập sớm nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, đều đã có quá trình xây dựng, chiến đấu và chiến thắng, có bề dầy truyền thống vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. Đó là Sư đoàn 308 “Đại đoàn quân Tiên Phong”, Sư đoàn 312 “Đại đoàn Chiến Thắng”,
Sư đoàn 320B “Đại đoàn Đồng Bằng”, Sư đoàn Phòng không 367, Lữ đoàn Pháo binh 45
“Đoàn Tất Thắng”. Lữ đoàn xe tăng 202, Lữ đoàn công binh 299, và Trung đoàn thông tin 140,… Phần lớn các đơn vị trên đã từng sát cánh bên nhau chiến đấu và lập công xuất sắc trong các chiến dịch lớn như: Biên Giới, Trung Du, Hòa Bình, Việt Bắc, Tây Bắc, Điện Biên Phủ…(trong kháng chiến chống Pháp) và Đường 9 – Nam Lào (1971), Tri-Thiên (1972)
(trong kháng chiến chống Mỹ). Tên tuổi của các sư đoàn “Quân Tiên Phong”, “Đồng Bằng”, “Chiến Thắng”…luôn là nỗi kinh hoàng đối với đội quân xâm lược và bè lũ tay sai, nhưng cũng luôn là niềm tự hào, yêu mến, tin cậy của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong chiến tranh giải phóng dân tộc.
Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Nguyên Thứ trưởng BQP; Nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1, Anh hùng LLVT nhân dân
Ngày 31/3/1975, chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp giao nhiệm vụ Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1: “Quân đoàn 1 (trừ Sư đoàn 308) có nhiệm vụ tổ chức hành quân gấp vào miền Đông Nam bộ, hiệp đồng với các đơn vị bạn tham gia trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn – Gia Định”. Trong tình hình khẩn trương đó, ngày 17/3/1975, Đảng ủy Quân đoàn tổ chức Hội nghị quán triệt và xác định nhiệm vụ chiến đấu của từng đơn vị và kêu gọi: “Tất cả cán bộ, đảng viên, đoàn viên hãy nhận rõ nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, đoàn kết, nhất trí về tư tưởng và hành động với tinh thần cách mạng tiến công. Phát huy sức mạng tổng hợp của Binh đoàn, ra quân là đánh thắng và thắng to. Đánh đến thắng lợi hoàn toàn”.
9 giờ 30 phút ngày 7/4/1975, Sở Chỉ huy Quân đoàn nhận được bức điện khẩn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Toàn văn bức điện như sau: chuyển Quân đoàn 1, Quân đoàn 2… Mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, chỉ trong vòng 16 ngày, Quân đoàn 1 đã tổ chức được các lực lượng tập kết tại Đồng Xoài – tỉnh Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước). Bộ Tư lệnh Quân đoàn nhận định: Lúc này trên cả trục đường (đường số 1, đường Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn) đều có những khó khăn, thuận lợi. Bộ Tư lệnh Quân đoàn quyết định hành quân trên đường Tây Trường Sơn. Quân đoàn chia làm 2 khối, đi bằng ô tô và cơ động theo đường 9 qua Hạ Lào – Tây Trường Sơn đến Đắc Tô rồi nhập vào đường 14 để vào tập kết ở Đồng Xoài.
Thay mặt Bộ Tư lệnh chiến dịch, Đại tướng Văn Tiến Dũng giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 1: “Quân đoàn 1 (thiếu Sư đoàn bộ binh 308 làm nhiệm vụ dự bị nghi binh chiến lược), được tăng cường Trung đoàn bộ binh 95B, 1 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 trung đoàn pháo cao xạ tự hành phối hợp với lực lượng địa phương các tỉnh: Bình Phước, Bình Dương và 1 trung đoàn đặc công vùng ven, có nhiệm vụ:
1. Dùng một sư đoàn phối hợp với bộ đội địa phương tiêu diệt, bao vây quân địch ở Phú Lợi; bao vây tiến công tiêu diệt các căn cứ: Bình Dương, Lai Khê, Bến Cát, Tân Uyên; ngăn chặn, tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn bộ binh 5 của địch, không cho chúng co cụm về Sài Gòn.
2. Tổ chức một lực lượng đột kích binh chủng hợp thành mạnh cỡ sư đoàn tăng cường, thọc sâu, đánh thẳng vào nội đô, chiếm mục tiêu chủ yếu là Bộ Tổng tham mưu ngụy, các bộ tư lệnh binh chủng ngụy ở Gò Vấp, các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, hợp điểm ở Dinh Độc Lập.
3. Tiếp tục tiêu diệt các cụm đề kháng, bảo vệ các mục tiêu đã chiếm bảo vệ trật tự an ninh trong phạm vi phụ trách, nhanh chóng củng cố làm lực lượng dự bị chiến lược, sẵn sàng cơ động phát triển về đồng bằng sông Cửu Long khi có lệnh”.
Căn cứ vào nhiệm vụ mà Bộ Tư lệnh chiến dịch giao, Bộ Tư lệnh Quân đoàn hạ quyết tâm: xác định 2 mục tiêu tiến công chính của Quân đoàn là: Thọc sâu vào các mục tiêu trong Sài Gòn và bao vây, tiến tới tiêu diệt Sư đoàn 5 ngụy. Quán triệt phương châm chỉ đạo cách đánh chiến dịch là: “Táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, đồng thời chọn cách đánh: Tác chiến hiệp đồng binh chủng, tiến hành đột phá vòng ngoài và thọc sâu vào Sài Gòn. Cách đánh này phải được vận dụng một cách linh hoạt, táo bạo trong từng trận đánh, trên từng hướng, từng mũi.
Nhiệm vụ của các đơn vị được đồng chí Tư lệnh Nguyễn Hòa giao cụ thể như sau:
Sư đoàn 320B được tăng cường một tiểu đoàn bộ đội địa phương Phú Lợi, Tiểu đoàn tăng thiết giáp 66 Lữ đoàn 202, 1 đại đội tăng Lữ đoàn 206, Trung đoàn phòng không 280 Sư đoàn 367, Tiểu đoàn công binh cầu thuyền Lữ đoàn 299, Tiểu đoàn pháo binh 130m m Lữ đoàn pháo binh 45, Tiểu đoàn ô tô vận tải 51 và một số phân đội A72, súng phun lửa,…Có nhiệm vụ đánh thọc sâu vào Sài Gòn, chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy và khu binh chủng của ngụy ở Gò Vấp, kết hợp với lực lượng tại chỗ và nhân dân địa phương nổi dậy giành quyền làm chủ, giải phóng tiểu khu Gia Định và quận Gò Vấp.
Sư đoàn 312 được tăng cường 1 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Bình Dương, Trung đoàn phòng không 241 Sư đoàn 367, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe thiết giáp Lữ đoàn 202, 1 đại đội công binh tỉnh
Bình Dương, Đại đội bộ đội địa phương 61 quận Bến Cát, 1 trung đội súng phun lửa A72 và được hỏa lực cụm pháo binh của Quân đoàn trực tiếp chi viện; có nhiệm vụ đánh chia cắt địch, tiến công tiêu diệt căn cứ Phú Lợi, cắt đường 13; bao vây tiêu diệt Sư đoàn 5 Ngụy, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân tiến công và nổi dậy tiêu diệt toàn bộ quân địch trên tuyến Phú Lợi-Bình Dương, giải phóng Thủ Dầu Một.
Sư đoàn phòng không 367 có nhiệm vụ bảo vệ Sở chỉ huy Quân đoàn, bảo vệ giao thông và ngầm Bến Bầu và đội hình chiến đấu của Quân đoàn; đồng thời có nhiệm vụ trực tiếp đi cùng, bảo vệ các sư đoàn bộ binh, phối hợp chiến đấu trên cả hai hướng; đặc biệt là trên hướng thọc sâu vào Sài Gòn-Gia Định.
Lữ đoàn pháo binh 45 tổ chức thành cụm hỏa lực mạnh, chi viện cho cả hai hướng chiến đấu của Quân đoàn.
Lữ đoàn công binh 299 có nhiệm vụ làm ngầm Bến Bầu qua sông Bé và mở đường cho các đơn vị cơ động vào tuyến xuất phát tiến công; đồng thời bảo đảm các công trình sở chỉ huy, trận địa pháo và khắc phục chướng ngại, vật cản trên đường thọc sâu.
Đêm 26/4, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch đến kiểm tra lại các mặt chuẩn bị của Quân đoàn 1. Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Hòa, Tư lệnh Quân đoàn 1 báo cáo tình hình, Đại tướng Văn Tiến Dũng thông báo: “Cánh quân phía Đông và Đông Nam đang phát triển nhanh. Các nơi đang kiềm chế trận địa pháo binh địch. Chính quyền Sài Gòn chưa phán đoán được ý đồ và cách đánh của ta nên đối phó rất bị động và lúng túng. Chiến dịch đang phát triển thuận lợi”.
16 giờ 30 ngày 27/4, Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn 1 ra lệnh cho Sư đoàn 312 nổ súng tiến công cứ điểm Bình Cơ và Bình Mỹ (thuộc tỉnh Bình Dương). 18 giờ, ta đã tiêu diệt và làm tan rã quân địch, mở thông đường 16 tạo điều kiện cho quân ta cơ động nhanh từ Chánh Lưu về Lái Thiêu, tạo điều kiện cho lực lượng vào triển khai theo kế hoạch.
Sáng 29-4, các cánh quân đồng loạt tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch tại Sài Gòn. Trong khi Sư đoàn 312 tổ chức tiến công, bao vây, chia cắt, cô lập Sư đoàn 5 ngụy thì Sư đoàn 320B tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiến công. Trung đoàn 209 đánh cắt đứt hoàn toàn đường 13 và 14, không cho Sư đoàn 5 ngụy ứng cứu giải tỏa.
4 giờ 15 ngày 30/4, Trung đoàn 27 tiến công đánh Lái Thiêu, cầu Vĩnh Bình, đánh chiếm Bộ tư lệnh thiết giáp ngụy và lục quân công xưởng Gò Vấp. Sau 2 giờ chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ Lái Thiêu, mở toang cánh cửa phía Bắc Sài Gòn, cùng đơn vị bạn đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy. 8 giờ 30 phút ngày 30-4, một cánh quân khác của Quân đoàn là Trung đoàn 48 đã vượt qua cầu Bình Triệu, qua ngã tư Phú Nhuận, theo đường Võ Tánh vào đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy, đường Hoàng Văn Thụ. 9 giờ 30 ngày 30-4, ba mũi tiến công từ ba hướng đã gặp nhau ở khu vực cột cờ trước trụ sở Bộ Tổng Tham mưu ngụy.
Như vậy, chỉ sau 2 ngày đêm chiến đấu, đến 16 giờ ngày 30/4/1975, các đơn vị của Quân đoàn đều đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao. Quân đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Với lối đánh “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ chắc thắng”, Quân đoàn đã tiến công dũng mãnh, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng như: Bộ Tổng tham mưu ngụy, giải phóng Tiểu khu Gia định, quận lỵ Gò Vấp, tiểu khu Bình Dương và các chi khu: Bến Cát, Châu Thành, Tân Uyên, Lái Thiêu; giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Dương, phần lớn tỉnh Gia Định và góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ Quốc, xây đắp nên truyền thống vẻ vang của Quân đoàn 1: “Thần tốc- Quyết thắng”.
Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về trình độ tổ chức, chỉ huy, tác chiến hiệp đồng quân binh chủng của Quân đội ta nói chung, của Quân đoàn 1 nói riêng. Có thể rút ra mấy bài học kinh nghiệm quý sau:
Thứ nhất: Nét độc đáo về nghệ tổ chức, sử dụng lực lượng thọc sâu chiến dịch tạo ưu thế về sức mạnh, đánh chiếm mục tiêu chiến lược, giành thắng lợi. Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình các mặt, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định: Sử dụng các đơn vị của Quân đoàn 1 tổ chức lực lượng thọc sâu đánh thẳng vào Bộ Tham mưu và Sư đoàn 5 ngụy đã nhanh chóng phá vỡ sức đề kháng của địch. Để nâng cao khả năng đột kích, trên từng cánh quân, Chiến dịch tổ chức bộ phận thọc sâu tương đương sư đoàn tăng cường, gồm: bộ binh, xe tăng, pháo binh, phòng không, công binh,… có nhiệm vụ đánh lướt, vượt qua các trọng điểm đề kháng, đánh thẳng vào mục tiêu chiến lược ở trong nội đô Sài Gòn. Đây là nét độc đáo về nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng thọc sâu chiến dịch trong điều kiện ta có ưu thế về lực lượng, nhằm tạo sức mạnh ở thời điểm và thời cơ quyết định để tiêu diệt các cơ quan đầu não của địch. Nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến thọc sâu được thể hiện không chỉ phản ánh nghệ thuật tập trung lực lượng trong thời gian ngắn của ta, mà còn thể hiện tính linh hoạt trong tiến công tiêu diệt địch, đánh chiếm các mục tiêu chiến lược trọng điểm. Theo đó, bộ phận thọc sâu của Quân đoàn 1 là Sư đoàn 320B, từ hướng Bắc đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy. Tổ chức lực lượng như vậy, ta đã phát huy được tính chủ động của các đơn vị, tạo điều kiện hoặc chi viện cho các hướng khác phát triển, từ đó nhanh chóng đánh chiếm toàn bộ các mục tiêu chiến lược trong nội đô. Đồng thời, việc tổ chức lực lượng thọc sâu cũng là thực hiện triệt để tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: “thần tốc, táo bạo, chắc thắng”.
Thứ hai: Tạo lập thế trận thọc sâu vững chắc, sẵn sàng đột kích đánh chiếm mục tiêu đảm nhiệm. Với đội hình thọc sâu lớn, nhiều xe cơ giới, và đặc biệt là phải đạt được yêu cầu “thần tốc, táo bạo”, nên việc tạo thế cho lực lượng này được Bộ Tư lệnh Chiến dịch hết sức coi trọng. Trước khi bước vào Chiến dịch, cùng với chuẩn bị chu đáo các mặt ta đã khẩn trương chuẩn bị tốt các trục đường cơ động trên các hướng, nhất là đường cơ động cho xe cơ giới. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ đạo các lực lượng còn lại tổ chức các đợt chiến đấu tạo ra thế chiến dịch hiểm, bảo đảm có thể hợp vây lớn và chia cắt cả tập đoàn phòng ngự của địch. Đây là thế trận ban đầu rất quan trọng để các đơn vị của Quân đoàn nhanh chóng tiêu diệt, làm tan rã tại chỗ các đơn vị chủ lực địch, kịp thời đưa lực lượng thọc sâu tiếp tục áp sát các mục tiêu chiến lược trong nội đô, khiến địch trong ngoài không ứng cứu được nhau dẫn tới sụp đổ từng mảng.
Thứ ba: Tập trung lực lượng hợp lý, kết hợp giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và nhân dân tạo nên thế trận bao vây chia cắt vừa tập trung vừa rộng khắp trong địa bàn chiến dịch. Biết tập trung lực lượng hợp lý ở nơi quan trọng, trong thời cơ, thời điểm quyết định vào nội đô Sài Gòn; kết hợp chặt chẽ giữa tập trung lực lượng theo nhiệm vụ của chiến dịch hợp lý với kết hợp giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và nhân dân; tạo thế trận phân tán được địch; đây vừa là yêu cầu, vừa là nghệ thuật sử dụng lực lượng tác chiến trong chiến dịch. Bằng việc tập trung lực lượng hợp lý trong từng trận đánh (từng đợt) chiến dịch, tập trung trên hướng chủ yếu, trong các trận, ở những mục tiêu trọng điểm đã tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh bại các hoạt động tập trung của địch.
Cùng với sử dụng các đơn vị hỏa lực, các đơn vị binh chủng hợp lý, nghệ thuật sử dụng lực lượng trong chiến dịch Hồ Chí Minh của Quân đoàn 1 còn kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và nhân dân đứng chân tại địa bàn đã phát động quần chúng nổi dậy tiến công, chỉ đường giúp đỡ bộ đội. Chính bằng sự kết hợp chặt chẽ đó mà ta vừa bảo vệ được đội hình, vừa bảo vệ được lực lượng trên hướng tiến công chủ yếu, ở các khu vực mục tiêu quan trọng, vừa bảo vệ được các hướng, các mục tiêu khác và khi cần đã có lực lượng xen kẽ cài thế sẵn sàng giúp ta nhanh chóng chuyển hoá thế trận, chuyển hướng tiến công được mau lẹ. Đồng thời vừa bảo vệ được lực lượng trực tiếp chiến đấu, vừa bảo vệ được cơ sở vật chất kỹ thuật, khả năng chi viện thường xuyên cho chiến dịch, liên tục theo một kế hoạch thống nhất.
Thứ tư: Kết hợp chặt chẽ giữa hoả lực tập trung có trọng điểm của các sư đoàn với hoả lực của bộ đội chủng hợp thành để hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch. Tác chiến với đội quân có lực lượng mạnh trong thành phố Sài Gòn, việc kết hợp chặt chẽ giữa hoả lực tập trung có trọng điểm của các sư, lữ đoàn với các đơn vị binh chủng hợp thành để đánh địch là một yêu cầu khách quan mà nghệ thuật sử dụng lực lượng phải giải quyết. Chiến dịch Hồ Chí Minh ta sử dụng các đơn vị tham gia chiến đấu trên các hướng chiến dịch phù hợp vì vậy các đơn vị cuae Quân đoàn đều lập công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
50 năm đã trôi qua, Quân đoàn 1 luôn kế thừa và phát huy những truyền thống vẻ vang của đơn vị tiền thân, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây đắp nên truyền thống “Thần tốc – Quyết thắng”, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Bác Hồ và nhân dân; Quân đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Tự hào với truyền thống vẻ vang và thành tích đã giành được trong suốt 50 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 đang ra sức vận dụng, kế thừa và phát triển những bài học kinh nghiệm quý báu, quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Quân đoàn 1 “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Quân đoàn chủ lực, cơ động, dự bị chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; mãi mãi xứng đáng với truyền thống “Thần tốc, Táo bạo – Quyết thắng” và với niềm tin yêu của Đảng của nhân dân./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.