Quy định chặt chẽ hơn về điều kiện công nhận liệt sĩ từ 01/7.2021
Pháp lệnh này quy định về đối tượng, phạm vi, điều kiện, tiêu chuẩn, các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; nguồn lực thực hiện; quản lý nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
Đáng chú ý, so với pháp lệnh cũ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh quy định về các trường hợp được công nhận liệt sĩ, nhằm bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tế, bối cảnh của thời bình, tôn vinh xứng đáng đối với người có công.
Theo đó, ngoài các trường hợp hi sinh khi thực hiện nhiệm vụ được giao, người không được giao nhiệm vụ nhưng hi sinh khi có hành động "đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhà nước, nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là những tấm gương, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội" sẽ được công nhận là liệt sĩ.
Quy định này được thể hiện tại điều 14 của pháp lệnh:Theo đó người đã hi sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của nhà nước, của nhân dân thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét công nhận là liệt sĩ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia.
- Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng.
- Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch.
- Hoạt động hoặc tham gia hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh.
- Làm nghĩa vụ quốc tế.
- Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh.
- Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm.
- Do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục Chính phủ quy định.
- Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm.
- Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
- Do vết thương tái phát là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 23 của Pháp lệnh này có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, có bệnh án điều trị vết thương tái phát của bệnh viện tuyến huyện trở lên và biên bản kiểm thảo tử vong.
- Mất tích trong trường hợp quy định tại một số trường hợp được nêu ở trên và được cơ quan có thẩm quyền kết luận không phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ.
Ngoài ra, Pháp lệnh quy định rõ đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.