Diễu binh và duyệt binh: Những điểm khác biệt cơ bản
Diễu binh và duyệt binh đều là những nghi thức quân sự trang trọng, thường được tổ chức trong các dịp lễ lớn của quốc gia. Tuy nhiên, hai hoạt động này có sự khác biệt đáng kể về quy mô, mục đích và thành phần tham gia.
Tại Nghị quyết 124 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chủ động chuẩn bị, tổ chức lễ diễu binh, duyệt binh nhân kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Ngày 30/4, vừa qua, tại TPHCM đã diễn ra lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Để giải đáp thắc mắc trên, phóng viên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thượng tướng Hiệu khẳng định, diễu binh và duyệt binh đều thể hiện sức mạnh quân sự của đất nước và đều có sự tham dự của lực lượng hải quân, lục quân, phòng không - không quân.
Song duyệt binh và diễu binh có nhiều điểm khác nhau. Trong đó, duyệt binh có quy mô lớn hơn rất nhiều so với diễu binh.
Cụ thể, đối với diễu binh sẽ không có đội hình phương tiện, vũ khí quân sự.
Còn duyệt binh, sau các khối lục quân là đội hình xe tăng, tên lửa, pháo binh,... của các quân - binh chủng (đại diện những phương tiện, vũ khí đã qua chiến đấu và những phương tiện, vũ khí mới nhất) trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam và cuối cùng là khối quần chúng.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
"Các khối tại lễ duyệt binh đều đi giống diễu binh nhưng điểm khác biệt là duyệt binh có đội hình phương tiện, vũ khí của quân đội như xe tăng, tên lửa,... thuộc các quân - binh chủng", Thượng tướng Hiệu nói.
Về mặt số lượng người tham gia duyệt binh, diễu binh, Thượng tướng Hiệu nhận xét, đối với diễu binh hàng ngang có thể 7-10 người nhưng đối với duyệt binh con số này có thể tăng lên 15-20 người và thậm chí là 30 người.
Do đó, diễu binh mỗi khối có thể chỉ từ 80 đến 110 người nhưng duyệt binh mỗi khối có thể từ 200 đến 300 người. Vì số lượng người tại mỗi khối đông hơn nên việc tập luyện cho lễ duyệt binh cũng vất vả hơn rất nhiều.
Là người từng tham gia vào cuộc duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình năm 1985, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận xét, đối với đội hình phương tiện, vũ khí trong lễ duyệt binh đi đầu có thể là đội hình xe tăng của Quân đội nhân dân Việt Nam; tiếp đó là đội hình của pháo binh (gồm đội hình tên lửa, rada, xe thông tin, xe tác chiến điện tử,...).
"Diễu binh là các khối đi duyệt đội ngũ rồi đến khối quần chúng đại diện cho các tổ chức xã hội là kết thúc. Còn duyệt binh phải đầy đủ từ con người đến vũ khí, phương tiện quân sự giống như buổi lễ duyệt binh tổ chức trên Quảng trường Đỏ tại Nga ngày 9/5", Thượng tướng Hiệu nói và khẳng định, tại lễ diễu binh và duyệt binh đều có lực lượng phòng không - không quân tham dự.
Sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), đến năm 1985, chúng ta đã tổ chức lễ duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đánh giá, đây là cuộc duyệt binh quy mô lớn nhất trong lịch sử Việt Nam đã được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Tại lễ duyệt binh năm 1985 có sự tham gia của phòng không - không quân, xe tăng, pháo tự hành, tên lửa và các loại xe vận tải, huấn luyện,...
Khối sĩ quan lục quân tại Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Việt Nam đã bao nhiêu lần tổ chức duyệt binh?
Theo từ điển tiếng Việt do GS Hoàng Phê làm chủ biên, giải thích 3 từ diễu binh, diễu hành và duyệt binh như sau:
Diễu binh: Lực lượng vũ trang lần lượt diễu qua lễ đài hoặc trên đường phố, hàng ngũ chỉnh tề, động tác thống nhất, để biểu dương sức mạnh.
Diễu hành: Đoàn người đi thành hàng ngũ diễu qua trước lễ đài hoặc trên đường phố để biểu dương sức mạnh.
Duyệt binh: Kiểm tra một cách tượng trưng đội ngũ của lực lượng vũ trang tập hợp lại để biểu dương sức mạnh về quân sự trong buổi lễ long trọng.
Trong lịch sử, Việt Nam đã có 3 lần tổ chức duyệt binh. Lần đầu vào năm 1955 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
Lần thứ 2 vào ngày 15/5/1975, tại Sài Gòn, mừng chiến thắng thống nhất đất nước.
Lần thứ 3 được tổ chức vào năm 1985, dịp kỷ niệm 40 năm Quốc khánh 2/9.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.