Quý II năm 2022, Việt Nam mới có thể cung ứng rộng rãi vắcxin COVID-19
Thực hiện phân lập virus của nhóm khoa học nữ tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Nếu thuận lợi, phải đến quý II/2022, Việt Nam mới có thể cung ứng rộng rãi vắcxin COVID-19; do đó vẫn phải triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm tất cả các biện pháp phòng, chống dịch; không thể trông cậy quá nhiều vào vắcxin COVID-19.
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chiều 7/12, tại Trụ sở Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp
Tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, cho biết tính đến ngày 7/12, thế giới ghi nhận gần 67 triệu ca mắc COVID-19; hơn 1,5 triệu ca tử vong tại 220 quốc gia, vùng lãnh thổ. Riêng tuần đầu tiên tháng 12/2020, thế giới ghi nhận 3,8 triệu ca nhiễm mới, khoảng 70.000 ca tử vong.
Mỹ là quốc gia có số mắc cao nhất thế giới (gần 15 triệu ca mắc, gần 288.000 ca tử vong); sau đó là Ấn Độ (hơn 9,6 triệu ca mắc, hơn 140.000 ca tử vong); Brazil (6,6 triệu ca nhiễm, hơn 176.600 ca tử vong)…
Tại châu Âu, Chính phủ một số quốc gia Đức, Italy, Anh, Hungary, Hà Lan… phê duyệt các biện pháp nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh như hạn chế tụ tập đông người, bán phong tỏa đất nước, bắt buộc đeo khẩu trang tại địa điểm công cộng...
Khu vực châu Á, một số quốc gia có số lượng ca mắc COVID-19 cao sau Ấn Độ như Iran (hơn 1 triệu ca mắc, hơn 50.000 ca tử vong); Thổ Nhĩ Kỳ (798.000 ca mắc, hơn 14.700 ca tử vong); Nhật Bản (ghi nhận trên 2.000 ca mắc/ngày)…
Indonesia trở thành vùng dịch lớn nhất khu vực Đông Nam Á (gần 576.000 ca mắc, hơn 17.700 ca tử vong); tiếp theo là Philippines (gần 440.000 ca mắc, hơn 8.500 ca tử vong)... Vừa qua, Campuchia ghi nhận ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng.
Tính đến ngày 7/12, Việt Nam có 6 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.367 ca mắc, 35 ca tử vong. Liên quan đến tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ 29/11 đến nay đã ghi nhận 4 ca mắc (bệnh nhân 1342, 1347, 1348, 1349).
Tổng số mẫu đã lấy để xét nghiệm (861 ca tiếp xúc gần, 1.400 ca và rà soát 1.002 người đã đến các địa điểm nguy cơ) đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Nhận định tình hình dịch bệnh, ông Đặng Quang Tấn nêu rõ, nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập luôn thường trực từ các chuyến bay giải cứu công dân về nước cũng như trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp, không thực hiện cách ly theo quy định.
Nỗ lực đẩy mạnh tiến độ sản xuất vắcxin COVID-19
Trong bối cảnh dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp; trong nước vẫn phát hiện các ca nhập cảnh bất hợp pháp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Ban Chỉ đạo yêu cầu các lực lượng liên quan, tăng cường biện pháp quản lý khu vực biên giới, kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, các địa phương, bộ, ngành và toàn xã hội tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo; quản lý chặt chẽ việc thực hiện cách ly tại nhà, các cơ sở lưu trú, khách sạn…; xử lý nghiêm trường hợp phạm quy định phòng, chống dịch bệnh.
Liên quan đến vấn đề nghiên cứu, sản xuất vắcxin, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị, "chạy đua với thời gian" để nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắcxin COVID-19.
Hiện Việt Nam có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vắcxin COVID-19, gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vắcxin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắcxin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vắcxin và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược Nanogen (NANOGEN).
Trong số đó, 3 đơn vị (IVAC, VABIOTECH, NANOGEN) đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vắcxin trên động vật.
Dự kiến, ngày 10/12, đơn vị NANOGEN phối hợp với Học viện Quân y sẽ chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vắcxin COVID-19 của Việt Nam.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế tiếp tục nỗ lực, khẩn trương thúc đẩy tối đa việc nghiên cứu, sản xuất vắcxin COVID-19.
Đối với việc theo dõi sức khỏe 14 ngày tại nơi cư trú sau khi hoàn thành cách ly tập trung, các quy định của Ban Chỉ đạo nêu rõ, chỉ cho phép cách ly tại nhà riêng tại nơi có đủ điều kiện, về cơ bản không được cách ly ở các khu chung cư. Trường hợp cách ly tại nhà riêng, phải thông báo cho những người trong cùng tòa nhà hoặc khu vực lân cận biết thông tin. Chính quyền địa phương phối hợp với các ngành Y tế, Công an ở cơ sở, có trách nhiệm nắm sát thông tin, đảm bảo những người này không vi phạm quy định của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát thực tế, các chuyên gia, một số thành viên Ban Chỉ đạo nhận định một số nơi có dấu hiệu nới lỏng hoặc thực hiện chưa nghiêm; còn có tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, giám sát y tế người cách ly tại địa phương nói riêng. Trong khi đây lại là nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng; do đó các ý kiến đề nghị kiên quyết ngăn chặn, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.