Quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Cần kế hoạch hành động quyết liệt
Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra hai gói hỗ trợ tiền tệ và tài khóa, kèm theo đó là các giải pháp tổng thể để hỗ trợ DN. Tuy nhiên để các DN dệt may có thể tiếp cận thì cần có kế hoạch hành động với tiêu chí rất cụ thể hơn nữa. Ví như, chủ trương mới đây của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất cho các tổ chức, DN trong các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc theo địa bàn, khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra có từ 50% số lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội trở lên phải tạm thời nghỉ việc. Tuy nhiên, nếu áp theo tiêu chí trên thì trong ngành dệt may chưa có DN nào được hưởng lợi từ chính sách này. Với những ngành thâm dụng lao động như dệt may, chỉ cần 10-15% lao động ở nhà là đã lỗ nặng, còn tới 50% là khủng hoảng chứ không còn là khó khăn nữa. Khi đó có khi DN đã phá sản rồi, cần gì bảo hiểm hỗ trợ nữa.Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong quý I, số người được chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp ước thực hiện là 378.178 người, tăng khoảng 9,11% so với cùng kỳ năm 2019, với tổng số tiền được chi trả bảo hiểm thất nghiệp ước thực hiện là 2.119 tỷ đồng. Ngoài chi trả trợ cấp thất nghiệp, số người được chi trả hỗ trợ học nghề do thất nghiệp ước thực hiện là 8.160 người, tăng khoảng 10,1% so với cùng kỳ năm 2019, với số tiền chi trả ước thực hiện là 18 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết riêng tháng 2, đã có 47.164 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng 59,2% so với tháng 1/2020 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngành đang có số lượng lao động bị cắt giảm mạnh có thể kể tới như dệt may; vận tải; dịch vụ ăn uống, lưu trú; xuất nhập khẩu và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Song song với tình trạng sa thải lao động là sự tụt dốc nhu cầu tuyển dụng. Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, dịch Covid-19 khiến nhu cầu tuyển lao động ở tất cả các địa phương đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, mức độ giảm dao động từ 20-30%, có nơi giảm mạnh như TP.HCM tới 40%, Hà Nội 36,7%.
Tới nay, tình trạng sa thải lao động vì Covid-19 vẫn chưa rõ ràng. Một số DN mới cắt giảm, tạm hoãn hợp đồng lao động, điều chỉnh thu nhập của người lao động, chứ chưa có ý định sa thải hàng loạt. Tuy nhiên, dự báo trong quý II, số lao động đăng ký thất nghiệp sẽ tăng lên khoảng 20 - 30%.
Căn cứ dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam và diễn biến dịch Covid-19, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra các kịch bản dự báo đến thị trường lao động. Kịch bản 1, dịch được khống chế trong tháng 3 và nền kinh tế quay lại trạng thái bình ổn. GDP quý I sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mục tiêu đề ra từ 0,3 - 0,5%, số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc khoảng 132.000 - 220.000 lao động.
Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực khác như da giày, đồ điện tử, nông sản… cũng đang đối diện với nỗi lo tương tự. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, dịch Covid-19 đang lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia… gây ra những tác động nhất định đến triển vọng xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới. Lượng hàng thành phẩm tồn kho lớn, nhiều lô hàng xuất - nhập đang bị trì hoãn, khách hàng chậm thanh toán ảnh hưởng tới vòng quay vốn lưu động và lịch thanh toán nợ vay đến hạn trong tháng 3, tháng 4 và tháng 5/2020, doanh thu xuất khẩu cũng đã giảm đáng kể…
Hỗ trợ thuế, phí cần đồng hành ưu đãi tín dụng
Chỉ thị 11, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho NHNN Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các TCTD kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Xét về chủ trương chung là đúng đắn, song nên để các ngân hàng tự quyết định trên cơ sở hợp đồng vay vốn với khách hàng, tránh việc áp dụng tràn lan sẽ khiến chính sách đến không đúng đối tượng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đến nay, có 23 TCTD báo cáo NHNN, ước tính có khoảng 926 ngàn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này, và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.
DN ảnh hưởng, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới ngân hàng. Song phát huy trách nhiệm của mình trong việc san sẻ khó khăn với khách hàng, các TCTD cũng đã khẩn trương rà soát tình hình khách hàng vay vốn để chủ động xây dựng chương trình, kịch bản hành động, đưa ra những giải pháp hỗ trợ phù hợp cho khách hàng vay vốn. Bước đầu ghi nhận, các TCTD đã hỗ trợ trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 223.000 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 246 khách hàng với dư nợ được cơ cấu là 21.527 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 3.824 khách hàng với số lãi đã miễn giảm đạt 260,5 tỷ đồng; đang tiếp tục xem xét miễn giảm lãi vay cho gần 34.000 khách hàng với dư nợ gần 177.000 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho 5.439 khách hàng với doanh số cho vay 23.765 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã có 21 ngân hàng tham gia chính sách miễn giảm phí dịch vụ với mức thu = 0 hoặc giảm phí đến 90% mức thu cũ khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 qua Napas có giá trị từ 500.000 đồng trở xuống. Ngoài ra, có thêm 5 ngân hàng đã xác nhận triển khai chương trình giảm phí từ ngày 29/02/2020.
Để triển khai ngay gói vay ưu đãi lãi suất với tổng hạn mức 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD, BIDV đã chỉ đạo tất cả các chi nhánh trên toàn quốc rà soát khách hàng DN bị thiệt hại do dịch Covid-19 ở 5 lĩnh vực bị ảnh hưởng tiêu cực, bao gồm: du lịch – lữ hành – khách sạn; giao thông vận tải; thương mại có xuất nhập khẩu sang Trung Quốc; các ngành sản xuất theo chuỗi có nguồn cung ứng nguyên liệu từ Trung Quốc và các ngành thương mại nông lâm thủy-hải sản, hàng tiêu dùng.
Các DN thuộc 5 khối ngành trên, nếu thỏa mãn đồng thời 6 điều kiện (gồm: có thời gian thiết lập quan hệ tín dụng từ 12 tháng trở lên; được phân loại nợ nhóm 1, xếp hạng tín dụng nội bộ từ BB+ trở lên; không thuộc đối tượng bị cấm cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi theo quy định của pháp luật; chỉ tiêu vốn chủ sở hữu > 0; trong 1 năm gần nhất không có nợ cơ cấu tại BIDV và không có nợ nhóm 2 tại các TCTD khác; trong 3 năm gần nhất không có nợ xấu, nợ ngoại bảng, nợ bán cho VAMC tại các TCTD; và có cam kết chuyển doanh thu từ hoạt động kinh doanh về tài khoản mở tại BIDV tối thiểu tương ứng với tỷ trọng tài trợ vốn của ngân hàng), sẽ được BIDV áp dụng giảm 1%/năm đối với lãi suất cho vay VND và 0,5%/năm đối với lãi suất cho vay USD (đến hết tháng 6/2020).
Kienlongbank cũng đã có văn bản gửi tất cả các chi nhánh để hướng dẫn cụ thể về cách đánh giá, phân loại và áp dụng hình thức hỗ trợ tín dụng. Cụ thể, ngân hàng cho phép các chi nhánh giảm lãi suất 3%/năm đối với các khoản vay trong hạn so với mức lãi suất vay đã được ký kết trong hợp đồng tín dụng (áp dụng trong vòng 3 tháng, đến hết tháng 4/2020). Các chi nhánh cũng được miễn phạt tiền lãi nợ quá hạn và tiền lãi chậm trả đối với các khách hàng kể trên. Để các chi nhánh có căn cứ cụ thể nhằm áp dụng ưu đãi cho từng loại hình DN, Kienlongbank quy định rất cụ thể, chương trình ưu đãi này áp dụng cho các khách hàng cá nhân vay vốn với mục đích bổ sung vốn trồng, chăm sóc các loại cây ăn trái chủ yếu, bao gồm: thanh long, dưa hấu, mít, xoài, sầu riêng, chôm chôm và chuối. Các khoản vay được áp dụng phải là các khoản vay ngắn hạn, được ký vay và giải ngân trước ngày 31/12/2019 và thời điểm đó khách hàng phải không có nợ từ nhóm 2 trở lên tại đơn vị. Đa số các ngân hàng đã khá chủ động trong việc đưa ra các tiêu chí đánh giá thiệt hại của DN để áp dụng các mức hỗ trợ lãi suất và giãn nợ các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Agribank luôn đồng hành cùng Doanh nghiệp, doanh nhân và người dân
Bên cạnh đó, chính sách tài khóa nên được ưu tiên hơn là chính sách tiền tệ, do hiệu quả tức thì và ít độ trễ hơn. Do đó, trước mắt Chính phủ nên xem xét hỗ trợ các DN ngành dịch vụ như du lịch, vận tải, giáo dục do những ngành này bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tiếp theo là những DN có giao thương trực tiếp với Trung Quốc, bởi với nền kinh tế có giá trị xuất-nhập khẩu với Trung Quốc lên tới hơn 100 tỷ USD như Việt Nam, mức độ ảnh hưởng của nhóm này là rất lớn khi dịch bệnh lan rộng.
Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, Chính phủ nên cân nhắc cải cách toàn diện chính sách thuế theo hướng giảm mạnh thuế thu nhập DN, nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân và bù đắp hụt thu từ các sắc thuế trên bằng việc tăng thuế giá trị gia tăng. Bởi đây là giải pháp không những vẫn đảm bảo cân bằng ngân sách mà còn khuyến khích người dân tăng tiết kiệm, bỏ tiền đầu tư mở rộng sản xuất cũng như thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn, qua đó nhanh chóng giúp nền kinh tế hồi phục.
Trong khi hoạt động hỗ trợ về lãi suất vay vốn, miễn giảm các phần nợ quá hạn và gia hạn trả nợ các khoản vay đã được hệ thống ngân hàng triển khai khá cụ thể thì theo phản ánh của nhiều DN, chính sách hỗ trợ về thuế, phí vẫn chưa được thực hiện. Hiện nay hàng loạt các hiệp hội DN TP.HCM đã gửi kiến nghị lên phía Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính đề xuất miễn giảm các loại thuế phí trong năm 2020, nhưng chưa có DN nào nhận được sự hỗ trợ trực tiếp.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng, hiện nay vẫn phải chờ Chính phủ và Quốc hội thông qua dự thảo Nghị định về gia hạn nộp các loại thuế phí thì mới có thể triển khai rộng khắp được. Theo ông Phụng, dự thảo Nghị định và Thông tư hướng dẫn triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế phí đã được Bộ Tài chính chuẩn bị sẵn sàng. Trong đó, ngành Thuế đề xuất gia hạn thời gian nộp thuế với 3 loại thuế chính là thuế GTGT, thuế TNDN và thuế TNCN, áp dụng cho các DN thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như: nông - lâm - thủy sản, vận tải và du lịch lưu trú.
Phương án Bộ Tài chính đề xuất là gia hạn thời gian nộp thuế GTGT các tháng 3,4,5,6 cho các DN khai thuế theo tháng và giãn thời gian nộp thuế quý 1 và quý 2 cho các DN khai thuế theo quý. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất lùi thời hạn nộp tiền thuê đất kỳ giữa năm (thông thường nộp vào cuối tháng 5) để tạo điều kiện cho DN tận dụng dòng tiền. Tuy nhiên, tất cả những chính sách này vẫn phải chờ Chính phủ thông qua trong các tháng tới thì ngành Thuế các địa phương mới triển khai được.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.