Sẽ quyết định hướng đổi mới thi tốt nghiệp THPT, ĐH vào năm học mới
2016-07-09 20:18:54
0 Bình luận
Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ triển khai ngay các bước thăm dò, chuẩn bị để đầu năm học 2016 - 2017 công bố phương án tiếp theo cho kỳ thi THPT, ĐH.
Kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, giải đáp những băn khoăn của dư luận về hướng đổi mới thi cử tiếp theo sau hai năm thực hiện kỳ thi THPT Quốc gia, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ hai Kỳ thi THPT Quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức lấy ý kiến đóng góp để quyết định phương thức tổ chức thi tiếp theo trên tinh thần tôn trọng Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH.
Bộ sẽ tổ chức lấy ý kiến đóng góp để quyết định phương thức tổ chức thi tiếp theo trên tinh thần tôn trọng Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH
Theo luật hiện hành, việc tuyển sinh là nhiệm vụ của các trường. Nhưng do hiện nay các trường chưa sẵn sàng nên Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia để các trường sử dụng kết quả thi vào việc xét tuyển. Nếu các trường đã sẵn sàng, việc tuyển sinh sẽ trao lại cho các trường chủ động. Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ tiếp tục đổi mới theo hướng nhẹ nhàng hơn”.
Về vấn đề này, nhiều chuyên gia giáo dục đề xuất tách thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Điều này đồng nghĩa việc trở về kỳ thi cũ nhưng sẽ theo tinh thần mới: Giảm bớt áp lực thi tốt nghiệp, tăng tự chủ cho các trường trong tuyển sinh đại học.
Theo PGS. Văn Như Cương, việc xét tốt nghiệp nên giao cho các Sở GD&ĐT thực hiện theo cách đơn giản và nhanh chóng. Bài thi có thể áp dụng hình thức đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (một bài tổng hợp duy nhất bao gồm tất cả các môn) hoặc tương đương bài thi học kỳ II của lớp 12. Kỳ thi tuyển sinh ĐH nên giao quyền tự chủ cho các trường theo mô hình riêng.
Mới đây, tại buổi giao ban thi đua của 5 thành phố trực thuộc Trung ương, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đại diện nêu đề xuất với Bộ GD&ĐT, nên xem xét giao quyền chủ động trong kỳ thi tốt nghiệp cho các địa phương ở các khâu: tổ chức thi, chấm thi và xét công nhận tốt nghiệp; quy chế thi và đề thi sẽ do Bộ ban hành để đảm bảo thống nhất về giá trị bằng tốt nghiệp.
Trước những băn khoăn trên, ông Bùi Văn Ga khẳng định: “ĐHQG Hà Nội hai năm nay đã chủ động tổ chức kỳ tuyển sinh riêng. Tiến tới các trường khác cũng có thể thực hiện.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần lấy ý kiến rộng rãi, thận trọng về việc này, nên quyết định hướng đi như thế nào ngay vào lúc này còn hơi sớm. Nhưng dù đổi mới thế nào thì Bộ cũng tính đến việc giảm bớt căng thẳng, tốn kém, đảm bảo hiệu quả, công bằng cho thí sinh”.
Lãnh đạo Bộ cho biết, sẽ triển khai ngay các bước thăm dò, chuẩn bị để đầu năm học 2016 - 2017 công bố phương án tiếp theo làm nền tảng cho việc tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ. Sẽ ghi nhận tất cả phản ảnh, góp ý, đề xuất, kiến nghị của dư luận liên quan tới tổ chức kỳ thi.
Điều này có nghĩa, sau một số “phép thử”, Bộ lại quay về cách như cũ, nghĩa là giao về cho các trường ĐH, CĐ tự tuyển sinh. Như vậy, nên chăng kỳ thi tốt nghiệp THPT nên giao cho các Sở GD&ĐT. Còn với tuyển sinh CĐ, ĐH, Bộ chỉ xây dựng nguyên tắc cơ chế chung để quản lý, còn các trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh?.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo vov