Tâm sự của ông Giám đốc 2 lần thua kiện chỉ vì bản giám định trái luật
AHLĐ Trần Hồng Quảng, Giám đốc xí nghiệp tập thể Quang Minh, TP Hải Phòng trao đổi với Trưởng ban Bạn đọc Tạp chí điện tử Hòa nhập về quá trình đi đòi tiền đền bù tại dự án nuôi tôm ở Hạ Long (Quảng Ninh)
Ông Quảng ngừng lời và đứng lên chào. Ông trân trọng giới thiệu: Đây là thủ trưởng của mình trong thời lửa đạn ác liệt. Ông tên là Lê Đức Anh, nguyên là Trung đoàn phó thuộc Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Bảo Phúc (Hải Phòng), đơn vị này cũng gian truân lắm, mấy năm nay cũng rơi vào cảnh “đáo tụng đình”.
Tiếp lời giới thiệu của ông Quảng, ông Anh nói: Thời chiến tranh mình là thủ trưởng của Quảng, còn bây giờ mình đang là lính của Quảng đó. Thấy tôi ngơ ngác, ông Anh giải thích: Cty TNHH Bảo Phúc hiện đang là hội viên thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam, còn ông Quảng lại đang giữ chức Phó Chủ tịch Hiệp hội này, thì là thủ trưởng của mình đúng không nào?
Biết tôi là nhà báo của Hiệp hội, ông Anh ngỏ lời mời tôi về thăm cơ sở sản xuất của Doanh nghiệp để mục sở thị nơi địa điểm đang bị tranh chấp.
Đúng lời hứa, chiều hôm đó tôi đến thăm cơ sở sản xuất của ông tại địa chỉ: số 596 đường Hà Nội, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng (trước kia là Km7.5 đường 5 cũ).
Giám đốc Cty TNHH Bảo Phúc Lê Đức Anh giới thiệu hiện trường phía sau mặt bằng Công ty đang thuê làm cơ sở sản xuất
Thấy tôi, ông Anh nói: Nhà báo nên đi thị sát cơ sở sản xuất của chúng tôi, có thế mới thấy hết tiền của, sức lao động của tôi đổ vào đây từ ngày đầu tới mảnh đất này như thế nào?
Sau khi đưa tôi đi vòng quanh nhà xưởng, chụp hình, phỏng vấn những công nhân đang hăng say công việc sản xuất tại xưởng cơ khí, ông Anh đưa tôi về phòng làm việc của mình.
Công nhân Cty TNHH Bảo Phúc đang làm việc tại xưởng
Căn phòng chỉ vẹn vẹn chục m2 , bày la liệt toàn giấy tờ. Lướt qua đống giấy tờ, tôi thấy có tới ¾ là tài liệu phục vụ cho vụ tranh chấp hợp đồng giữa công ty của ông (với tư cách là bị đơn) và Công ty cổ phần vận tải và cung ứng xăng dầu. Còn lại ¼ là những bản vẽ phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh của công ty.
Uống xong tuần trà, ông Anh chậm rãi nói: Tôi biết tới mảnh đất này từ tháng 3/2002, khi nó thuộc Công ty Vận tải và Cung ứng xăng dầu đường biển trực thuộc Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam do ông Nguyễn Bảo Sơn làm giám đốc. Khi đó tôi đang làm Chủ nhiệm HTX Thương mại Bảo Phúc. Vì có duyên với nhau, lúc này Công ty Vận tải và Cung ứng xăng dầu đường biển đang thiếu tiền để xây dựng cơ sở vật chất, còn tôi thì đang cần mặt bằng để phát triển nghề cơ khí của mình, nên tôi và ban giám đốc Công ty này sớm đi đến thỏa thuận, thông qua việc ký kết hợp đồng thuê mặt bằng số 284 ngày 01/8/2002. Tại hợp đồng này, bên tôi thuê của bên Công ty 664m2 đất, với thời hạn thuê từ 01/8/2002 đến 01/8/2009.
Đến ngày 1/1/2005, khi đó 2 bên đều đã chuyển đổi tên pháp nhân nên chúng tôi đã ký lại Hợp đồng thuê mặt bằng. Thay hợp đồng số 284 bằng hợp đồng số 06A. Cụ thể: Bên A (Công ty Cổ phần vận tải và cung ứng xăng dầu) cho bên B (Công ty TNHH Bảo Phúc) thuê mặt bằng để xây dựng nhà xưởng sản xuất tôn mạ mầu với diện tích 664m2 (nằm trong khuôn viên thửa đất tại bến Quỳnh Cư km 7.5 đường 5, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng). Giá thuê: 4 ngàn đồng/m2/tháng (chưa tính thuế VAT). Thời gian thuê: 20 năm kể từ ngày 1/1/2005. Vào thời gian này ông Nguyễn Bảo Sơn vẫn làm giám đốc Công ty.
Cửa hàng xăng dầu Quỳnh Cư được Công ty Cổ phần vận tải & cung ứng xăng dầu xây dựng mới 100% vào cuối năm 2019. Vậy mà ngày 15/8/2019, UBND quận Hồng Bàng lại ra thông báo số 473/TB-UBND “Về việc sửa chữa nguyên trạng Trạm bán lẻ xăng dầu Quỳnh Cư của Cổ phần vận tải và cung ứng xăng dầu”..?
Sau đó, công việc sản xuất kinh doanh của chúng tôi có dấu hiệu phát triển nhanh trong tương lai gần, nhu cầu thuê thêm mặt bằng nảy sinh, và lại Công ty Cổ phần vận tải và cung ứng xăng dầu vẫn còn nhu cầu cho thuê thêm kho và mặt bằng, nên ngày 01/11/2005 hai đơn vị chúng tôi lại ký hợp đồng thuê kho bãi số 549. Tại hợp đồng này, Công ty Bảo Phúc thuê: “Diện tích kho: 02 gian, tại căn nhà 05 gian; Diện tích bãi: 964m2 , và được xây dựng nhà xưởng trên diện tích bãi, để phục vụ sản xuất”. Theo hợp đồng này giá thuê kho, bãi mà công ty tôi phải trả hàng tháng là 6.865.760 đồng (đã có thuế VAT). Thời gian thuê kho, bãi: Tính từ ngày 1/11/2005, hiệu lực hợp đồng thuê kho, bãi tính theo thời gian giấy quyền sử dụng đất của bên A (năm 2035), 10 năm bên A gia hạn thời gian sử dụng cho bên B bằng phụ lục hợp đồng.
Từ khi ký hợp đồng này (năm 2005), đến năm 2011, mọi quan hệ giữa chúng tôi với Công ty Cổ phần vận tải và cung ứng xăng dầu đều thông đồng bến giọt. Nhưng bắt đầu từ khi Công ty Cổ phần vận tải và cung ứng xăng dầu được Nhà nước cấp Giấy CNQSDĐ vào ngày 22/7/2011, rồi Nhà nước thoái hết vốn tại Công ty này (cổ phần giai đoạn 2) và người đại diện theo pháp luật cũng thay đổi (Giám đốc công ty lúc này là ông Lê Quang Tiến) thì quan hệ giữa hai bên không được như trước nữa. Nguyên nhân tại sao, chắc chỉ có ông Tiến và ban lãnh đạo công ty đương nhiệm hiện nay mới hiểu rõ..? Điều này tôi không muốn đi vào phân tích kẻo lại bị chụp mụ là “võ đoán”, thậm chí là “vu khống”.
Là người lính đã trải qua kinh doanh thời kinh tế thị trường, nên tôi rất hiểu luật chơi trên thương trường: Có vay, có trả; sống phải có trước có sau. Mọi việc vay trả phải thực hiện theo luật. Với cách nghĩ giản đơn đó nên khi bị cơ quan cầm cần nảy mực xử ép ở cả hai phiên tòa (sơ thẩm và phúc thẩm) thì tôi rất buồn và mất niềm tin vào con đường đi tìm công lý của mình cho sự vụ này..?
Cái buồn thứ nhất là buồn về đối tác kinh doanh với mình, mà cụ thể là Công ty Cổ phần vận tải và cung ứng xăng dầu. Chỉ vì lợi ích nhóm, họ sẵn sàng tìm mọi lý do, kể cả “lừa dối” để “đuổi” chúng tôi ra khỏi miếng đất mà họ đang “nắm” quyền sử dụng đất với giá thấp nhất. Chứ đâu họ có biết và còn nhớ, chính chúng tôi đã giúp họ vượt qua cái “thuở hàn vi ban đầu”.
Để minh chứng cho lời nhận định trên, tôi xin đưa ra ví dụ. Tại điểm 5.5, Điều 5 (THỎA THUẬN VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG) của Hợp đồng thuê kho bãi số 549 ký ngày 01/11/2005 giữa 2 bên có quy định: “Nếu bên A không có Dự án lớn thì bên A không đòi (thanh lý hợp đồng) với bên B để cho người khác thuê.”. Và tại trang 3 Bản án số: 06/2020/KDTM-PT ngày 16/5/2020 của TAND TP Hải Phòng có đoạn viết: “Do hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần vận tải và cung ứng xăng dầu gặp nhiều khó khăn dẫn đến thu nhập của cán bộ công nhân viên thấp. Để tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, Công ty xăng dầu phải mở rộng sản xuất và đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu Quỳnh Cư và yêu cầu Công ty Bảo Phúc bàn giao mặt bằng.”. Thoạt nhìn về mặt hình thức cũng như nội dung văn bản thì lý do mà Công ty xăng dầu đưa ra để lấy lại mặt bằng đang cho Công ty Bảo Phúc thuê là rất hợp tình, hợp lý. Song đi sâu vào quá trình thực hiện xây dựng cửa hàng xăng dầu Quỳnh Cư thì mới thấy hết “chiêu trò” và “mưu mẹo” của người đứng đầu Công ty này, mà cụ thể là ông Lê Quang Tiến, với sự trợ giúp của cơ quan quản lý chức năng quận Hồng Bàng.
Uống xong chén trà nóng, ông Anh tâm sự tiếp. Ông kể, trước khi tôi về đây trên bãi Quỳnh Cư này Công ty Vận tải và Cung ứng xăng dầu đường biển đã cho ra đời một trạm bán lẻ xăng dầu. Sau đó cái trạm xăng dầu này kinh doanh không hiệu quả nên đã bị Công ty tháo dỡ và san phẳng mặt bằng. Rồi vài năm sau đó, cách nền mặt bằng trạm bán lẻ xăng dầu cũ của Công ty chừng gần 100m xuất hiện một cây xăng của chủ đầu tư khác. Và cây xăng này vẫn tồn tại suốt từ đó đến nay. Vậy thử hỏi, làm sao Công ty Cổ phần vận tải và cung ứng xăng dầu có thể xây dựng mới được Cửa hàng xăng dầu Quỳnh Cư vào năm 2019, nếu không có sự trợ giúp đắc lực của UBND quận Hồng Bàng. Chính vì thế nên ngày 15/8/2019, UBND quận Hồng Bàng mới cho ra đời cái thông báo số 473/TB-UBND “Về việc sửa chữa nguyên trạng Trạm bán lẻ xăng dầu Quỳnh Cư của Cổ phần vận tải và cung ứng xăng dầu”..?
Cái buồn thứ hai là buồn về cơ quan được Nhà nước trao cho cái quyền “cầm cân nảy mực”.
Đầu tiên phải kể tới những hành vi vi phạm pháp luật của ông thẩm phán, Nguyễn Hồng Giang, TAND quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng người ngồi ghế Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm ngày 5/11/2019. Vì thời gian trao đổi không nhiều, nên tôi chỉ điểm qua những hành vi vi phạm trong tố tụng của vị thẩm phán này mà không đi vào phân tích cụ thể toàn văn nội dung bản án sơ thẩm.
Nếu đúng theo quy định của pháp luật, thì xét xử sơ thẩm vụ án này phải là TAND quận Hồng Bàng chứ không phải là TAND quận Ngô Quyền. Vì Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
Hợp đồng 549 là Hợp đồng THUÊ KHO BÃI, song đến khi mang việc tranh chấp hợp đồng này ra xét xử thì Tòa sơ thẩm lại đặt cho vụ án này cái tên “tranh chấp hợp đồng thuê tài sản”. Chính vì “danh không chính” nên “ngôn không thuận”, chứ chưa muốn nói là sai cả về bản chất vụ án.
Điều đáng buồn hơn với vị thẩm phán này là đã ra quyết định trưng cầu Công ty cổ phần giám định thương mại Bảo Linh (sau đây gọi tắt là Công ty Bảo Linh) thực hiện việc giám định giá trị còn lại vật kiến trúc trên đất và khối lượng, giá trị san lấp trên diện tích mà Công ty TNHH Bảo Phúc đã đầu tư sau khi thuê kho bãi của Công ty Cổ phần vận tải và cung ứng xăng dầu không đúng và không trúng.
Không đúng là ở chỗ Công ty Bảo Linh không có chức năng thẩm định vật kiến trúc theo quy định của Luật và quy định của UBND TP Hải Phòng.
Không trúng là phương pháp thẩm định mà Công ty Bảo Linh đưa ra áp dụng không giống như bất kỳ một công ty thẩm định nào đã và đang hành nghề. Không biết Công ty Bảo Linh có một loại “phép thuật” gì mà chỉ với một cái thước dây mà thẩm định viên của công ty này đứng trên bờ cũng xác định được kết cấu móng.
Với kiểu thẩm định như thế thì thử hỏi làm sao có được những con số chính xác để bù đắp đúng công sức mà chúng tôi bỏ ra.
Để thấy rõ mức độ thiệt hại của chúng tôi là bao nhiêu do chính bản thẩm định này gây nên, tôi xin đưa ra 2 con số để so sánh:
+ Số liệu do Công ty Bảo Linh tính được là 955.981.400đ, giá trị này đã trừ khấu hao 45%.
+ Số liệu do Công ty Bảo Phúc phối hợp với các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tính toán các phương án đền bù để bồi thường giải phóng mặt bằng tính được là 2.533.156.396đ. Giá trị này chưa tính tới phần san lấp là 291.163.600đ và đã trừ khấu hao 45%.
Sau khi nhận được giá trị kết quả thẩm định “trời ơi” này củaCông ty Bảo Linh chúng tôi đã có văn bản kiến nghị gửi tới ông thẩm phán Giang và nói rõ đây là kết quả giả mạo, cần cử người xuống hiện trường để nghe chúng tôi chứng minh (kiến nghị này chúng tôi gửi trước khi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm gần 20 ngày) song ông thẩm phán Giang vẫn không cần để ý tới kiến nghị của chúng tôi.
Điều đáng buồn hơn là trước khi đưa vụ án sơ thẩm này ra xét xử, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị hội đồng xét xử triệu tập đơn vị giám định đến phiên tòa để làm rõ các vấn đề pháp lý trong chứng thư nhưng vẫn không được hội đồng xét xử chấp nhận. Trong khi đó khoản C, Điều 80 Bộ luật Tố tụng dân sự, quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ của người giám định, như sau: “Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án trình bày, giải thích, trả lời những vấn đề liên quan tới giám định và kết luận một cách trung thực, có căn cứ khách quan”.
Tưởng rằng phiên tòa xét xử sau (phúc thẩm) do TAND Thành phố “cầm cân nảy mực” sẽ sáng sủa hơn, nào ngờ vẫn thế, thậm chí nhiều lúc còn “phán” một cách rất coi thường pháp luật.
Ví như tại phiên tòa phúc thẩm, trong lúc tôi và đại diện pháp luật của Công ty Bảo Linh truy vấn về tư cách pháp nhân của công ty giám định, thì Tòa hỏi: Nếu anh (ý nói Công ty Bảo Linh) có tư cách pháp nhân thì anh nộp vào cho đủ thủ tục. Công ty Bảo Linh trả lời “sẽ nộp sau cho tòa”. Với cách hành xử đó, liệu tòa có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng..?
Bản thân tôi là một người đã từng là cán bộ trong Quân đội, là đảng viên, có kiến thức xã hội, luật pháp mà còn bị ép xử một cách vô nguyên tắc, vô pháp luật thì với những người dân điều kiện hiểu biết hạn chế, làm sao có thể được hưởng sự công bằng khi đối diện với luật pháp dưới tay của những cán bộ đạo đức kém này.
Nói tới đây, Ông Anh bỗng trùng xuống, ánh mắt vô định rồi tiếp tục tâm sự: Trải qua hành trình “đáo tụng đình” này, tôi mới thấy hết câu hỏi của nhà báo đưa ra trong bài “Tri ân đồng đội: Tiếng nói người trong cuộc” được đăng trên hoanhap.vn vào cuối tháng 7/2019. Trong bài đó, nhà báo có hỏi: “Tại sao những vụ việc có liên quan tới thân nhân, doanh nghiệp NCC đều bị “ngâm tôm”, nếu có giải quyết thì phần thua chắc là nghiêng về phía họ.”. Và tôi lại càng thấy tâm đắc, và đồng tình với lời giải thích của anh T (thương binh hỏng cả 2 mắt – nhân vật có trong bài viết trên). Anh T giải thích: “…Theo tôi, anh em chúng ta dù có chết đói cũng không bao giờ thí một đồng nào cho bọn quan tham. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cỗ máy hành chính chạy không đúng như quy trình lập sẵn”.
Đang say sưa trò chuyện, thì điện thoại báo có tin nhắn, mở ra đọc thì được biết, 30p nữa xe của ông bạn Luật sư đi Quảng Ninh về sẽ đón tôi tại ngã 3 Cầu Rào 1 và đường Lạch Tray. Thế là cuộc trò chuyện của tôi và Giám đốc Công ty TNHH Bảo Phúc đành tạm kết thúc, để tôi còn chuẩn bị thu dọn đồ nghề ra chỗ hẹn đúng giờ. Đưa tôi ra chỗ hẹn, trước lúc chia tay, ông Anh nhắn, khi nào tôi nhận được bản án phúc thẩm, mời nhà báo về chỗ tôi mạn đàm tiếp nhé. Tôi không chịu bỏ cuộc vụ án này đâu, mặc dù biết con đường đến phiên tòa giám đốc thẩm không phải là đơn giản./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.