Tận dụng cơ hội đẩy mạnh thương mại Việt - Mỹ
Triển vọng thuận lợi
Kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực (tháng 12-2001), thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ liên tục tăng trưởng cao, tăng tới 47 lần, từ 220 triệu USD năm 1994 (năm Mỹ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên gần 1,5 tỷ USD năm 2001 và đạt khoảng 50,8 tỷ USD vào cuối năm 2017. Thương mại song phương Việt - Mỹ đã có bước tăng trưởng nhảy vọt đầy ấn tượng sau 26 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ.
Giao thương Việt – Mỹ.
Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 62,2 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,2% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, gồm: dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, bông, đậu tương, phế liệu sắt thép… với giá trị ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kì và chiếm 4,8% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Trước đó, năm 2020 là năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa 2 nước vượt qua mốc 90 tỷ USD (đạt 90,8 tỷ USD). Con số này dự kiến sẽ đạt 100 tỷ USD trong năm 2021.
Trong giai đoạn 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Mỹ vào Việt Nam tăng hơn 175%.
Về đầu tư, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 7 tháng đầu năm nay, Mỹ đăng ký đầu tư vào Việt Nam 415 triệu USD, đứng thứ 7 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Còn lũy kế, con số này là gần 9,7 tỷ USD, đứng vị trí thứ 11.
Con số trên còn là khá khiêm tốn so với tiềm năng của doanh nghiệp Mỹ. Tuy vậy, cho đến nay, rất nhiều tên tuổi lớn của Mỹ đã có mặt tại Việt Nam, như: Ford, General Electric, Pepsi, Coca-Cola, Nike, Microsoft, Citi Group, P&G, Metlife, UPS…
Những động thái gần đây cho thấy, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ, như: Google, Microsoft, Apple đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam và xem Việt Nam như một điểm đến thay thế quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
First Solar, sau khi đầu tư một dự án hơn 1 tỷ USD, ở TP.Hồ Chí Minh đã công bố rằng, nhà máy tại TP.Hồ Chí Minh của First Solar chính là cơ sở sản xuất quan trọng hàng đầu của Tập đoàn.
Trong khi đó, hãng sản xuất chip lừng danh Intel sau khoản đầu tư 1 tỷ USD, vào đầu năm nay, đã công bố đầu tư thêm 475 triệu USD vào Việt Nam. Thậm chí, một kế hoạch đầu tư tiếp theo đang được xây dựng, với quy mô lên tới hàng tỉ USD.
Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu sang Mỹ về công nghiệp chế biến, chế tạo linh kiện điện tử (vi mạch, bán dẫn…). Nhu cầu về thiết bị bán dẫn của Mỹ vẫn cao nên ngành này có triển vọng tăng trưởng tốt.
Bên cạnh đó, việc Mỹ khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tại Hà Nội vào ngày 25-8-2021 đã mở ra triển vọng nền công nghiệp y tế của Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn chống dịch Covid-19 hiện nay. Thời gian qua, trình độ y tế của Việt Nam đã có những tiến bộ quan trọng. Mới đây, Bộ Y tế cho biết, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thành công bước đầu trong việc tạo ra quy trình tổng hợp và tinh chế hoạt chất Molnupiravir có khả năng kháng virus đặc hiệu để bào chế kháng sinh điều trị Covid-19.
Cơ hội từ chuỗi cung ứng bị đứt gãy
Châu Á đang là châu lục sản xuất lớn nhất thế giới, nắm hầu hết chuỗi cung ứng toàn cầu, là điểm khởi đầu của đường biển huyết mạch cung cấp hàng hóa ra thế giới. Trong ASEAN, Việt Nam nổi lên là quốc gia có lợi thế về thể chế chính trị ổn định, dân số trẻ, độ phủ internet cao… là điểm đến của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Các tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, như: Toyota, Honda, Yamaha, Hyundai, Samsung… đã đầu tư lớn vào Việt Nam nên Việt Nam đã giữ vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của những tập đoàn kinh tế lớn này.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam, không ít doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi cung ứng phải ngừng sản xuất nhằm phòng, chống dịch bệnh đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Phía Mỹ đã cam kết duy trì chuỗi cung ứng giữa hai bên, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong bối cảnh khó khăn này.
Tuy cam kết của phía Mỹ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, song cũng đặt lên vai Chính phủ và doanh nghiệp áp lực nặng nề, đó là áp lực khống chế dịch bệnh, áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa xuất khẩu.
Theo các chuyên gia kinh tế, phía Mỹ đã cam kết sẽ tạo ra những chính sách rộng rãi, ưu đãi đối với doanh nghiệp Việt Nam để có thể tiếp cận tốt nhất thị trường Mỹ. Nhưng cam kết không đứt gãy chuỗi cung ứng không phải một cam kết đơn giản, đòi hỏi sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam với Mỹ vẫn phải diễn ra liên tục trong lúc chống dịch bệnh. Đây là thách thức lớn nhất hiện nay đối với những doanh nghiệp xuất – nhập khẩu của Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, hiện tại giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đang làm giảm sức chống chịu của các doanh nghiệp trong duy trì chuỗi cung ứng, đó là năng suất lao động giảm, chi phí gia tăng (phí vận chuyển và nguyên nhiên vật liệu tăng cao, phát sinh thêm phí kiểm dịch, chi phí hoạt động “ba tại chỗ”…).
Hy vọng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm rất cao như hiện nay, chỉ đạo quân đội tung lực lượng để hỗ trợ giãn cách xã hội, lực lượng y tế được chi viện để phân loại điều trị. Nếu trong tháng 9 có kết quả nhất định về chống dịch bệnh Covid919 thì có thể giúp sản xuất và cung ứng được cải thiện vào cuối năm./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.