Tăng cường phân lô, tách thửa chỉ là tạm thời: Chuyên gia "hiến kế" chặn sốt đất
Tin từ Nhịp sống Kinh tế, ông Nguyễn Văn Đính- Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc siết chặt phân lô, tách thửa chỉ là biện pháp tình thế, ngắn hạn để kiểm soát tình hình. Không nên lạm dụng mệnh lệnh hành chính trong quản lý nhà nước. Như vậy là tư duy không quản được thì cấm. Về lâu dài, ở mỗi địa phương cần thiết phải làm tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với tầm nhìn dài hạn rồi công khai để người dân biết. Việc sử dụng đất vào mục đích nhà ở, bất động sản công nghiệp, du lịch, dịch vụ… cần đưa vào kế hoạch, quy hoạch dài hạn, có dự án bài bản để tạo ra sản phẩm bất động sản chính thống thay vì hàng lậu.
Còn GS Đặng Hùng Võ cho rằng, việc cấm tách thửa bán nền chỉ nên sử dụng ở một số vùng nông thôn đang cần đất ở cho các hộ tách ra từ một hộ, không mang tính thị trường. Phân lô bán nền khiến người dân tích tiền trong đất, để nguyên đất mà không xây dựng hạ tầng, phát triển kinh doanh. Điều này chỉ mang lại hiệu quả kinh tế ngắn hạn, lâu dài sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, làm cạn kiệt tài nguyên.
Theo GS Đặng Hùng Võ, sau luật Đất đai 2003, đã có quy định dưới luật siết cấm phân lô bán nền hoàn toàn ở khu vực đô thị, phát triển quy hoạch đô thị. Nhưng sau đó vài năm, quy định lại mở hơn, cho phép phân lô bán nền ở thị trấn, nông thôn. Đến luật Đất đai 2013 thì cho phép phân lô bán nền ngay trong trung tâm TP. “Điều này là không hợp lý nên cơ chế chia lô bán nền phải dứt khoát bỏ. Đất sốt đầu tiên là ở đất nền, sau đó mới ở loại đất khác”, ông Võ nói.
Chia sẻ trên báo chí mới đây, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cũng cho rằng, mặc dù nhiều địa phương đã "ra tay" ngăn chặn bằng biện pháp đầu tiên là tạm dừng phân lô, tách thửa đất, nhưng đây chưa phải là giải pháp tối ưu. Vị LS này cho rằng, tạm dừng phân lô, tách thửa là đúng nhưng chỉ mang tính tạm thời nhằm hạn chế hiện tượng này diễn ra. Nếu không có quy định chi tiết thì vừa ảnh hưởng quyền lợi chính đáng tách thửa, xây dựng của người dân, vừa không kiểm soát nổi việc chủ đầu tư phân lô tùy tiện.
Luật đất đai hiện hành và văn bản hướng dẫn đang tạo ra cách hiểu khác nhau. Có tỉnh thì phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, điều kiện cụ thể tại địa phương để ban hành quy định về điều kiện tách thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa. Có tỉnh lại căn cứ vào điều kiện cụ thể tại địa phương.
Theo đó, biện pháp căn cơ để chặn các cơn sốt đất triền miên, LS Thanh Hà cho rằng, thứ nhất, cần hoàn thiện điều chỉnh các luật đặc biệt Luật đất đai, Luật kinh doanh BĐS quy định rõ cụ thể cho hình thức mua bán này.
Thứ hai, việc phân lô, bán nền cần dựa trên cơ sở có dự án, quy hoạch 1/500, có hạ tầng được cơ quan chuyên môn thẩm định. Thứ ba, tăng cường áp dụng cơ chế phân lô bán nền cho những khu quy hoạch đất giãn dân ở nông thôn, hoặc kinh tế khó khăn. Áp dụng tăng cường điều kiện cho đối tượng tham gia mua bán đất nền. Thứ tư, quản lý việc phân lô bán nền, tách thửa theo quy hoạch được duyệt cần có cơ chế kiểm soát, giám sát xem có đúng quyết định, quy hoạch.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nhận định: "Nếu khu vực nào không nhất thiết quy hoạch thành khu vực lớn, khu dân cư lớn thành cánh đồng lớn thì không nhất thiết cấm đoán việc đó. Tuy nhiên, nếu nó xảy ra ở khu vực mật độ dân cư vô cùng đông đúc, chật chội, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, dứt khoát không cho phép phân lô bán nền. Cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hơn".
Ngoài ra, việc siết phân lô tách thửa chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, vì thực tế pháp luật hiện nay không cấm hoạt động này. Vì vậy, giải pháp lâu dài là Nhà nước cần phải xây dựng công cụ thuế đối với việc đầu cơ đất đai chỉ để bán sang tay mà không đưa vào sử dụng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.