Tăng cường siết chặt quản lý chuyển nhượng bất động sản
Theo Tổng Cục thuế (Bộ Tài Chính), thời gian qua, hoạt động chuyển nhượng bất động sản tồn tại song song 2 loại hợp đồng, gồm: Hợp đồng chuyển nhượng bất động sản có công chứng theo quy định với giá nhà đất khai thấp hơn giá thực tế giao dịch, để làm thủ tục đăng ký biến động và hợp đồng viết tay do hai bên tự ký, ghi theo giá thực tế giao dịch để phòng ngừa tranh chấp. Điều này không phản ánh đúng bản chất các giao dịch bất động sản, đồng thời gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Để đẩy mạnh công tác quản lý đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS, Bộ Tài chính đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Bộ Công an; Bộ Tư pháp để phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu trong hoạt động chuyển nhượng BĐS. Gần đây nhất ngày 28/4/2022, Bộ Tài chính tiếp tục có công văn số 3849/BTC-TCT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.
Tổng Cục Thuế cũng cho biết, số thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản liên tục tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2020 số thu tăng gần 1,8 nghìn tỷ đồng (12%) so với năm 2019; năm 2021 tăng hơn 4,9 nghìn tỷ đồng (30%) so với năm 2020. Riêng 3 tháng đầu năm 2022, kết quả thu thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đạt 8,209 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 63% so với cùng kỳ năm 2021.
Từ cơ sở dữ liệu người nộp thuế kê khai và tham khảo giá thực tế chuyển nhượng ở một số khu vực, có tổ chức, cá nhân đã kê khai lại giá chuyển nhượng bất động sản tăng 2-5 lần so với giá kê khai ban đầu, có hồ sơ điều chỉnh tăng 20-40 lần.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận, để ngăn chặn việc trốn tránh nghĩa vụ thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, gốc của vấn đề là giá bất động sản. Để không còn tồn tại tình trạng 2 giá, thị trường bất động sản bị “thổi” giá, làm giá, cần quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn giao dịch và thanh toán qua ngân hàng. Về lâu dài, khi mua tài sản có giá trị lớn người mua phải chứng minh thu nhập hợp pháp; áp dụng công nghệ số xây dựng kho dữ liệu giao dịch thì việc tính thuế mới chính xác.
Trong khi đó, để tiếp tục chấn chỉnh, ngăn chặn tiêu cực trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ đạo Tổng cục Thuế khẩn trương tham mưu giải pháp để xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng yêu cầu Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hành nghề công chứng, các cơ quan nhà nước có liên quan (bộ phận đăng ký đất đai, công an, chính quyền địa phương…) thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Bên cạnh đó cơ quan thuế các cấp sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để dân hiểu đầy đủ, chính xác về nghĩa vụ và lợi ích trong việc thực hiện nộp thuế chuyển nhượng BĐS; những rủi ro, trách nhiệm khi kê khai giá không đúng, đồng thời tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đã giao dịch và kê khai thuế để làm căn cứ quân ly rủi ro theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.