Tăng cường sự tham gia cấp ủy của cán bộ nữ hướng tới Đại hội lần thứ XIV
Hội nghị có sự tham gia của Vụ hợp tác quốc tế, Hội xã hội học Việt Nam, Viện Lãnh đạo học và chính sách công; Đại sứ quán Ireland - ông Sean Farrell, đại diện UNDP - bà Sabina Stein, cũng với đại biểu đến từ các ban ngành, địa phương.
Phát biểu khai mạc, GS.TS Lê Văn Lợi đã khẳng định tầm quan trọng của cán bộ nữ trong sự tham gia vào đời sống chính trị nói chung và sự tham gia vào cấp ủy, các cấp nói riêng. So với mục tiêu và yêu cầu đề ra từ Nghị quyết số 11-NQ/TW năm 2007, thực tiễn cán bộ nữ tại các địa phương còn chưa đạt được. Ông nhấn mạnh rằng, cần phải chú trọng vào công tác tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ trong cấp ủy Đảng và các cấp.
GS.TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia HCM phát biểu khai mạc hội nghị.
Cũng phát biểu khai mạc tại Hội nghị còn có Phó Đại sứ quán Ireland - Ông Sean Farrell và bà Sabina Stein - Trưởng đại diện, trưởng phòng Quản trị và Tham gia tại UNDP. Các bài phát biểu của các đại biểu quốc tế đều ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện bình đẳng giới ở lĩnh vực chính trị, đặc biệt là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ trong cấp ủy. Các đại biểu quốc tế khẳng định sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm cũng như sẵn sàng hợp tác nhằm hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo.
Phó Đại sứ quán Ireland - Ông Sean Farrell phát biểu tại hội nghị bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Tại phiên thảo luận của Hội nghị, Đại diện cho nhóm nghiên cứu Học viện CTQG Hồ Chí Minh, GS - TS Nguyễn Hữu Minh đã trình bày nội dung chính của Báo cáo “Giải pháp tăng cường sự tham gia cấp ủy của cán bộ nữ hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng: kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Lâm Đồng”.
Kết quả về tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy chịu tác động của các yếu tố: Cấu trúc (trình độ phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực, học vấn,...), thể chế (luật pháp, chính sách, bộ máy thực hiện,...) hay văn hóa (phong tục, tập quán…). Cần nhận diện được các yếu tố hạn chế sự tham của cán bộ nữ vào cấp ủy, từ đó cung cấp luận cứ đề xuất giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy các cấp ở nhiệm kỳ tới.
Hội nghị đi tới thực hiện những mục tiêu cụ thể bao gồm đánh giá thực trạng, yếu tố ảnh hưởng và chính sách liên quan đến sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy tại Thừa Thiên - Huế và Lâm Đồng, chia sẻ bài học kinh nghiệm từ hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước và đề xuất giải pháp chính sách nhằm nâng cao cơ hội cho cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy đối với tất cả các địa phương nói chung và hai tỉnh Thừa Thiên – Huế và Lâm Đồng, chuẩn bị cho công tác quy hoạch cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội Đảng lần thứ 14.
Theo báo cáo về kết quả nâng cao sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy Đảng trong toàn quốc, Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp ở khu vực Đông Nam Bộ cao nhất (lần lượt 31,8%, 27,3%, 21,3%) và thấp nhất đối với cấp xã là MNTDPB 22,9%, cấp huyện là ĐBSCL 16,9% và cấp tỉnh là khu vực Tây Nguyên.
Thừa Thiên - Huế và Lâm Đồng là hai địa phương phù hợp cho khảo sát về vấn đề tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy vì hai tỉnh cho đến nay có tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy thấp hơn mức trung bình toàn quốc. Theo báo cáo, tỷ lệ đảng viên nữ kết nạp ở Thừa Thiên - Huế, tính từ 01/01/2024 đến tháng 11/2024 chiếm 57,4%; tỷ lệ ở Lâm Đồng, nhiệm kỳ 2020-2025, tính đến tháng 7/2024 chiếm 49,16%). Những con số này vẫn tương đối thấp so với tỉ lệ của toàn quốc.
Báo cáo cho thấy, còn tồn tại nhiều thách thức ảnh hưởng đến tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy, cấp địa phương. Người đứng đầu và cấp ủy một số địa phương chưa quyết liệt, Công tác cán bộ nữ tại một số đơn vị chưa được triển khai theo kế hoạch cụ thể. Bên cạnh đó, định kiến giới và sự ủng hộ của gia đình cũng là những yếu tố rào cản ảnh hưởng đến sự tham gia của cán bộ nữ vào những công việc chính trị. Báo cáo chỉ ra rằng một số cán bộ nữ chưa nỗ lực, không sắp xếp công việc gia đình để tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng, chỉ muốn làm chuyên môn, không muốn làm lãnh đạo quản lý. Hệ thống số liệu về đội ngũ cán bộ chưa được cập nhật thường xuyên.
Tại hội nghị, một số giải pháp đã được đề ra nhằm tăng cường sự tham gia cấp ủy của cán bộ nữ.
Hoàn thiện các chính sách, quy định ở cấp Trung ương
Để nâng cao tỷ lệ nữ ứng cử trong các cấp lãnh đạo, cần thiết phải nâng chỉ tiêu và ràng buộc, chuyển từ khuyến khích sang quy định bắt buộc. Đồng thời, việc giám sát và xử lý cũng rất quan trọng; cần kiểm tra, đánh giá và xử lý các địa phương không tuân thủ quy định về cán bộ nữ. Chính sách bình đẳng cần được hoàn thiện với sự linh hoạt về tuổi tác, đào tạo, luân chuyển và cân bằng công việc - gia đình cho cán bộ nữ, cũng như cần có chính sách rõ ràng đối với cán bộ không chuyên trách. Hệ thống dữ liệu cũng cần được thiết lập để theo dõi và so sánh số lượng cán bộ nữ tham gia cấp ủy giữa các địa phương. Cuối cùng, việc đẩy mạnh nghiên cứu và tổ chức hội thảo về lãnh đạo và công tác cán bộ nữ sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực này.
Một số giải pháp gắn với các cấp ủy đảng và người đứng đầu ở địa phương
Để nâng cao nhận thức về công tác cán bộ nữ, cần yêu cầu cấp ủy và người đứng đầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Đảng, xây dựng kế hoạch hành động chi tiết và thành lập Tổ công tác cán bộ nữ nhằm kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả. Đồng thời, việc tạo nguồn cán bộ cũng rất quan trọng; cần phát triển đảng viên trẻ, ưu tiên học sinh, sinh viên và cán bộ nữ trẻ giữ các chức danh chủ chốt, đồng thời rà soát quy hoạch thường xuyên để đảm bảo nguồn lực. Thí điểm luân chuyển cán bộ và giao nhiệm vụ linh hoạt sẽ giúp cán bộ nữ tích lũy kinh nghiệm và thuận lợi tham gia cấp ủy. Quy hoạch và bổ nhiệm cần được kết nối chặt chẽ với bố trí cán bộ, định hướng chức danh phù hợp để tăng tỷ lệ cán bộ nữ trúng cử. Đào tạo và bồi dưỡng cũng cần được chú trọng, trang bị kỹ năng chuyên môn và khuyến khích cán bộ nữ tự nâng cao năng lực. Đặc biệt, cần ưu tiên đào tạo cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong diện quy hoạch và giới thiệu nguồn cán bộ nữ chất lượng cao, kể cả ngoài hệ thống Hội. Cuối cùng, việc đẩy mạnh truyền thông để thay đổi định kiến và nâng cao nhận thức về vai trò của cán bộ nữ, khắc phục tự ti và tăng cường sự ủng hộ từ gia đình sẽ góp phần quan trọng trong việc khuyến khích phụ nữ tham gia chính trị.
Sau khi nghe trình bày báo cáo, đại diện tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng, và tỉnh ủy tỉnh Bình Phước đều bày tỏ sự nhất trí cao với kết quả nghiên cứu. Các tỉnh khẳng định rằng nhiệm vụ tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào công tác chính trị là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.