Thái Bình: Cần điều tra, xử lý vụ “vỡ hụi” tiền tỷ ở xã Thụy Phong
Căn nhà của “chủ hụi” Hà Thị Công hiện đang cho thuê tại thôn 1 Đông Hồ, xã Thụy Phong (Thái Thụy, Thái Bình)
Khi chúng tôi về xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, hàng chục người dân khu vực chợ Hồ đang bức xúc, bàn nhau khởi kiện 4 chủ hụi (tức chủ phường) là người địa phương đã bỏ trốn. Bà Hà Thị Thúy Nhuận, 65 tuổi, ở thôn 4 Phong Lẫm cùng bà Phan Thị Ngợi, 51 tuổi ở thôn 2 Đông Hồ, xã Thụy Phong cho biết: Từ trước năm 2017, bà Hà Thị Công (SN 1961) ở xóm 1 thôn Đông Hồ, xã Thụy Phong (Thái Thụy, Thái Bình) đã đứng lên làm chủ hụi, vận động các hộ dân quen biết tự nguyện gom tiền chơi hụi hoặc cho vay lấy lãi. Chồng bà Công là ông Nguyễn Văn Long (SN 1962) tích cực cùng vợ huy động các nguồn vốn. Ban đầu việc chơi hụi chỉ là một nhóm người, ai chơi thì tự mang tiền đến nộp cho chủ hụi, ai gặp khó khăn lấy trước, ai chưa cần lấy hay có điều kiện hơn thì lấy sau. Người lấy trước hàng tháng phải đem tiền đến trả dần theo quy định thống nhất, khi nào trả hết số tiền đã lấy trước đó mới hết trách nhiệm (tức hết phường, hụi). Tuy nhiên, hai vợ chồng Công - Long đã lợi dụng việc chơi hụi để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của rất nhiều người nhẹ dạ cả tin. Thời điểm cuối năm 2018, ông Long, bà Công đã thu nhận tiền của hàng trăm người dân ở thôn Đông Hồ, xã Thụy Phong cùng nhiều người ở xã lân cận. Sau đó bà Công khất lần, không trả tiền cho người chơi hụi, đem tiền đi mua một căn nhà trong ngõ chợ Hồ rồi sau đó ôm hết số tiền còn lại trốn khỏi địa phương. Theo danh sách những người dân đã bị bà Công chiếm đoạt tiền thì người ít nhất là 6 triệu đồng, người cao nhất lên tới 1 tỷ 327 triệu đồng. Tổng cộng số tiền hụi và tiền vay nợ do vợ chồng Công - Long chiếm đoạt của người dân ở đây đã lên đến con số 40 tỷ đồng.
Căn nhà của bà Nguyễn Thị Hợp ở thôn 3 Đông Hồ, xã Thụy Phong (Thái Thụy, Thái Bình)
Bà Vũ Thị Đông, 63 tuổi, ở thôn 3 Phong Lẫm, xã Thụy Phong bức xúc tố cáo bà Nguyễn Thị Hợp (SN 1978) ở thôn 3 Đông Hồ, xã Thụy Phong đã lợi dụng sự quen biết, tín nhiệm để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ban đầu, bà Hợp cũng chỉ là người buôn bán nhỏ lẻ ở chợ Hồ, nhờ khôn ranh, dẻo miệng nên đã huy động được nguồn vốn chơi hụi của gần 300 người dân địa phương với tổng số tiền 3 tỷ 383 triệu đồng. Thủ đoạn của bà Hợp còn gian xảo hơn cả bà Công là vừa huy động tiền hụi vừa cho vay lấy lãi, sau đó chiếm đoạt cả tiền và nhà cửa. Điển hình là vụ bà Hợp cho bà Phạm Thị Oanh ở thôn 2 Đông Hồ vay 300 triệu đồng, cứ thế nhân lãi lên. Đến khi bà Oanh không còn khả năng thanh toán tiền đã vay cả gốc lẫn lãi bà Hợp “bắt nợ” căn nhà của bà này đang ở rồi làm thủ tục sang tên cho người em trai là Nguyễn Văn Học. Ngoài ra, bà Hợp còn đem tiền chơi hụi đi mua một thổ đất 370 triệu đồng và trắng trợn thách thức “có tiền sẽ biến đen thành trắng”. Đầu năm 2019, bà Hợp bỏ trốn khi đã chiếm đoạt 11 tỷ của nhiều người dân, trong đó riêng bà Đông bị chiếm đoạt hơn 499 triệu đồng. Đáng thương hơn là bà Hà Thị Chít, 85 tuổi ở thôn 3 Đông Hồ còn cả tin đem 50 triệu đồng là số tiền phúng viếng đám ma của chồng cho Nguyễn Thị Hợp vay cũng bị chiếm đoạt.
Căn nhà của bà Phạm Thị Thủy, chủ hụi tại thôn 3 Đông Hồ, xã Thụy Phong (Thái Thụy, Thái Bình).
Bà Phạm Thị Thủy (SN 1963) ở thôn 3 Đông Hồ là người thứ ba trở nên nổi tiếng về lừa đảo trong vụ “vỡ hụi” ở xã Thụy Phong. Ban đầu bà Thủy cũng chỉ đứng ra gom tiền chơi hụi với danh nghĩa hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau nhưng do lòng tham nên đã quên luôn cả tình làng nghĩa xóm. Chỉ trong khoảng thời gian từ ngày 15/7/2018 đến ngày 26/2/2019, Phạm Thị Thủy cùng chồng (tên là Rèn, SN 1963) đã huy động, chiếm đoạt được số tiền lên tới 8 tỷ đồng của gần 100 người dân rồi bỏ trốn.
Người thứ tư trở thành “siêu lừa” là bà Nguyễn Thị Lán ở thôn Phong Lẫm, xã Thụy Phong cũng đã nhận tiền chơi hụi của 78 người dân, chiếm đoạt 7,8 tỷ đồng. Điều đáng nói là ngoài thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà con làng xóm, bà Lán còn lừa đảo cả người thân. Bà Lán với bà Hà Thị Thúy Nhuận là chị em dâu trong một gia đình, có chung một suất đất diện tích 128 m2 của ông cha để lại. Khi làm chủ hụi, có sẵn tiền bà Lán xây dựng một căn nhà 4 tầng tại khu chợ Hồ ngay trên khu đất còn mang tên bà Nhuận. Ngày 23/2/2019 (Âm lịch) do bị vỡ hụi, bà Lán thông báo bán ngôi nhà này với mức giá ban đầu (cả nhà và đất) là 3 tỷ 600 triệu đồng. Bà Trần Thị Hằng, 41 tuổi, ở thôn 1 Đồng Hòa, xã Thụy Phong đã đến mua căn hộ 4 tầng này vào ngày 5/4/2019 và tin tưởng đặt cọc trước số tiền 1 tỷ 100 triệu đồng cùng lời hẹn sau một tháng đến nhận nhà. Tuy nhiên bà Lán đã ôm tiền tỷ bỏ trốn nên bà Nhuận lại là người phải đứng ra giải quyết vụ việc. Căn nhà 4 tầng tại khu chợ Hồ tạm thời đang được bà Hằng (người đã đặt cọc mua nhà) cầm chìa khóa, trông giữ.
Qua điều tra, tìm hiểu chúng tôi được biết ở xã Thụy Phong, rất nhiều người dân đã rủ nhau góp hụi, cho vay với số tiền từ hàng triệu đồng đến hàng tỷ đồng để rồi trở nên khốn đốn, trắng tay khi chủ hụi ôm tiền bỏ trốn. Với lãi suất cao gấp nhiều lần so với gửi ngân hàng, các đối tượng này đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết của một số người dân và lòng tham của con người để lừa đảo. Chỉ trong một thời gian ngắn, bằng nhiều chiêu trò, thủ đoạn, các chủ hụi đã có thể huy động được số tiền rất lớn để chiếm đoạt.
Điều đáng lên án nhất là các chủ hụi này còn dụ dỗ, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khuyết tật. Điển hình nhất là trường hợp chị Bùi Thị M. ở thôn 3 Đông Hồ, xã Thụy Phong (bị tàn tật, không chồng, không con). Chị M. đã cả tin đem tất cả số tiền bán đất, bán nhà, tiền trợ cấp hàng tháng tích cóp được cho các chủ hụi vay lấy lãi hoặc chơi hụi. Ngoài việc cho vợ chồng Công - Long vay 500 triệu đồng, chị M. còn đem 846 triệu đồng chơi hụi ở cả 3 chủ hụi nói trên (bà Công 193 triệu đồng, bà Thủy 473 triệu đồng, bà Hợp 180 triệu đồng). Nay các đối tượng này đều bỏ trốn, chị M. trở nên điêu đứng, bấn loạn vì trắng tay, đang phải đi ở nhờ nhà người cháu tại Hà Nội. Hoặc trường hợp khác là bà Trần Thị L. 58 tuổi, bị bệnh tâm thần ở thôn Phát Tài, xã Thụy Phong cũng bị bà Hợp lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 80 triệu đồng, hiện nay đang nằm điều trị tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Thái Bình.
Danh sách những người bị chiếm đoạt tiền tại xã Thụy Phong.
Theo danh sách mà chúng tôi có được, số người bị hại tập trung nhiều nhất ở các thôn 1,2,3 xóm Đông Hồ và thôn Phong Lẫm xã Thụy Phong. Ngoài ra, còn có không ít bị hại khác ở các xã lân cận như Thụy Thanh, Thụy Dân, tạo nên cơn sóng “tín dụng đen” đáng báo động ở vùng quê này. Điều dễ nhận thấy là việc chơi phường, hụi đang bị biến tướng, gây ra nhiều hệ lụy xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, hạnh phúc của người dân. Bởi lẽ, mỗi gia đình đã góp tiền chơi hụi hoặc cho vay kiếm thêm đồng lãi đều có những hoàn cảnh khác nhau. Người thì bán lợn, gà, người dấu chồng rút tiền tiết kiệm gửi ở ngân hàng, người thì huy động tiền của người thân, con cái trong Nam, ngoài Bắc, ở nước ngoài gửi về hoặc dùng tiền bán đất, bán nhà để chơi hụi. Đến khi bị “vỡ hụi”, chủ hụi bỏ trốn nhiều gia đình mất hết tiền đã trở nên điêu đứng, vợ chồng mâu thuẫn, đánh chửi nhau, mỗi người bỏ đi một nơi hoặc tan vỡ hạnh phúc. Có người còn bị tai nạn giao thông do bấn loạn, đầu óc lơ đãng, thiếu tập trung khi đi lại. Nhiều trường hợp còn tuyệt giao tình nghĩa, đánh chửi nhau làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân và trật tự an toàn xã hội.
Đường vào chợ Hồ, xã Thụy Phong (Thái Thụy, Thái Bình)
Rất nhiều lá đơn kêu cứu, đề nghị, tố cáo 4 đối tượng nói trên kèm theo danh sách người bị hại với tổng số tiền lên tới gần trăm tỷ đồng đã được gửi đến các cơ quan chức năng ở tỉnh Thái Bình. Đối chiếu với Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa chữa, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018) các đối tượng này đã vi phạm điểm a, khoản 1, Điều 175 “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản”; vi phạm điểm b, khoản 3 Điều 175 “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”; vi phạm khoản 4, Điều 175 “Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm”. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng tại địa phương cần “vào cuộc”, tiếp tục điều tra, truy nã, khởi tố, xét xử, xử lý nghiêm minh 4 chủ hụi nói trên ở xã Thụy Phong theo đúng quy định của pháp luật.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.