Thái Bình: Cần xử lý nghiêm hành vi phá nhà, lấy tài sản của gia đình thương binh Nguyễn Văn Ngọ
Cụ thể, tại điểm 2, Điều 11 Hiến pháp 1946 quy định: “Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật.”.
Hay tại điểm 2, Điều 22 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.”.
Hiến định là thế, song tại thành phố Thái Bình vẫn xảy ra cảnh tượng đập phá nhà ở và cướp tài sản ngang nhiên giữa ban ngày. Để minh chứng cho lời nhận định trên, Tạp chí điện tử Hòa nhập xin trích đăng gần như nguyên văn Đơn Kêu cứu khẩn cấp ghi ngày 22/6/2020 của bà Trần Thị Mùi (sinh năm 1955), vợ Thương binh 4/4 Nguyễn Văn Ngọ, nạn nhân chất độc da cam (sinh 1942, mất 2006), ngụ tại số nhà 02, ngõ 162 Ngô Thì Nhậm tổ 41A cũ (nay là tổ 18), phường Kỳ Bá, Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình để mọi người cùng suy ngẫm.
Hồ sơ của bà Trần Thị Mùi gửi Tòa soạn
Trong đơn bà Mùi viết: “Vợ chồng tôi sinh ra được 7 người con. Con gái lớn của vợ chồng tôi là Nguyễn Thị Hòe (sinh năm 1973) cũng là đối tượng bị hậu quả gián tiếp của chất độc hóa học.
Do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, chồng là thương binh và nhiễm chất độc da cam, con gái lớn cũng bị di chứng chất độc da cam của bố (2 bố con thường xuyên phải nằm viện điều trị), nên năm 1988, tôi có làm đơn xin UBND xã Trần Lãm cho phép được làm nhà và chuồng trại chăn nuôi với diện tích khoảng 130m2 trên 867,4m2 đất trồng lúa. Xét hoàn cảnh gia đình chính sách lại quá khó khăn nên UBND xã Trần Lãm đã đồng ý.
Trong suốt quá trình từ khi dựng nhà, kho và chuồng trại trên mảnh đất này, gia đình tôi chưa một lần nào bị UBND xã Trần Lãm lập biên bản vi phạm. Tuy nhiên, khi đất đai chuẩn bị chuyển giao từ UBND xã Trần Lãm về UBND phường Kỳ Bá quản lý thì UBND phường Kỳ Bá đi kiểm tra hiện trạng thấy gia đình tôi có nhà và kho trên đất ruộng nên đã lập biên bản kiểm tra hiện trạng. Biên bản này có nhiều điều nghi vấn, cụ thể :
- Mặc dù trong biên bản có ghi: Đại diện tổ dân phố. Song lại không có chữ ký của tổ trưởng dân phố;
- Vào thời điểm lập biên bản, đất đai mà gia đình tôi đang ở vẫn đang thuộc quyền quản lý của UBND xã Trần Lãm, vậy mà UBND phường Kỳ Bá đã cho mình cái quyền yêu cầu gia đình tôi tháo dỡ nhà và kho..?
Mọi việc xảy ra tranh chấp từ khi có Quyết định số 7578/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND Thành phố Thái Bình về việc thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng khu dịch vụ, tái định cư phường Kỳ Bá, Quang Trung – thành phố Thái Bình, lấy đất của dân đền bù theo Điều 62 của Luật đất đai với giá rất rẻ nhưng sau đó dự án trên lại biến thành khu đô thị 379-K3 do Công ty TNHH Phát triển đô thị và xây dựng 379 làm chủ đầu tư đứng ra phân lô bán nền với mục đích thương mại (đến nay vẫn không có quyết định nào khác thay thế quyết định 7578).
Nằm trong đất dự án trên, gia đình tôi có tổng 867,4 m2 đất, gồm 737,4m2 đất ruộng và 130m2 đất đã được phép làm nhà và chuồng trại chăn nuôi từ năm 1988. Từ khi quyết định được đưa ra đến trước ngày 12/12/2017, gia đinh tôi không nhận tiền đền bù vì mức đền bù quá thấp.
Đến ngày 12/12/2017, UBND thành phố Thái Bình ban hành Quyết định số 6399/ QĐ-UBND về việc cưỡng chế thực hiện thu hồi đất đối với gia đình tôi. Trước sức ép từ chính quyền, gia đình tôi đường cùng, thế cùng bắt buộc phải xử lý tình thế lúc nay là chấp nhận ký giấy đã nhận đền bù toàn bộ theo giá đất ruộng. Nếu không nhận theo giá đất ruộng thì gia đình tôi sẽ bị cưỡng chế toàn bộ diện tích 867,4 m2, mặc dù việc cưỡng chế này là hoàn toàn sai chế độ chính sách của nhà nước. Gia đình tôi rất bức xúc (nhận chẳng qua là bị ép buộc mà thôi).
Ngay sau khi lấy tiền đền bù xong, gia đinh tôi tiếp tục nhiều lần gửi đơn lên các ngành, các cấp đề nghị giải quyết đền bù thỏa đáng cho 130m2 đất đã được phép làm nhà và chuồng trại chăn nuôi từ năm 1988 của gia đình tôi.
Thật bất công với gia đình tôi, trong khi cách đất nhà tôi không xa, khoảng vào năm 2003, gia đình ông Phan Văn Thúy cũng xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, nhiều lần UBND phường Kỳ Bá mang loa đài đến hiện trường yêu cầu tháo dỡ (toàn bộ số hộ dân sinh sống ở đây đều được chứng kiến sự việc này). Khi dự án khu đô thị 379 – K3 thực hiện thì nhà xây dựng trái phép của ông Phan Văn Thúy lại không vào dự án và được xây dựng nhà mái bằng để ở như đất thổ cư.
Giấy chứng nhận thương binh của ông Nguyễn Văn Ngọ (chồng bà Mùi) và Quyết định trợ cấp cho Nguyễn Thị Hòe (con gái lớn của bà Mùi) là đối tượng bị hậu quả gián tiếp của chất độc hóa học do Giám đốc Sở LĐTB-XH Thái bình ký
Ngày 26/6/2019, tại UBND phường Kỳ Bá có Đại diện TTPTQĐ thành phố, PCT UBND phường Kỳ Bá, Đại diện Công ty 379 đã họp vận động, giải thích, tuyên truyền và yêu cầu gia đình tôi thu dỡ tài sản trên đất để trả lại mặt bằng cho dự án thì gia đình tôi cũng đã ghi rõ vào Biên bản nội dung sau: 130m2 đất làm trước năm 1989 đến nay tôi đã lấy tiền đất ruộng còn lại gian nhà xây dựng từ trước năm 89 tôi xin nộp nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước để cho các con tôi ở và đến cuối năm 2019, có đại diện Bên Quản lý thị trường Phường Kỳ Bá, Bên Quản lý ruộng đất phường Kỳ Bá cùng Ban giải phóng mặt bằng Thành phố đem theo máy xúc, ô tô và đội bảo vệ đi kèm với mục đích yêu cầu gia đình tôi phải tháo dỡ phần nhà cấp 4 còn lại và trả mặt bằng cho đơn vị thực hiện dự án. Sau khi nghe gia đình tôi trình bày sự việc thì các bên đã tự động ra về và không có ý kiến gì thêm. Vì vậy, mảnh đất trên vẫn chưa được giải quyết rõ ràng
Song bỗng nhiên, vào hồi 09 giờ 30 phút sáng ngày 03/6/2020, có một nhóm người (khoảng 40) mặc sắc phục bảo vệ mang theo máy xúc, ô tô tải, lưới B40, cột sắt, máy hàn,.. quây quanh nhà tôi và tự ý đập phá, lấy đi toàn bộ tài sản hiện có trong nhà, đồng thời xúc lên ô tô tải chở hết toàn bộ gạch ngói, thóc lúa của gia đình tôi đi mất. Khi gia đình tôi biết đến ngăn cản thì lực lượng mặc sắc phục bảo vệ không cho gia đình tôi vào để thu thóc lúa. Lúc ấy, gia đình tôi đã gọi cho 113 và Công an phường Kỳ Bá để nhờ can thiệp thì 113 trả lời có Công an phường thì 113 không đến nữa. Một lúc sau có một người mặc sắc phục công an lái xe trật tự đến nhìn một lúc rồi bỏ đi. Nhóm người trên cứ tiếp tục đập phá và di chuyển tài sản của nhà tôi đi (có hình ảnh kèm theo).
Hiện tại, đại gia đình chúng tôi đều sống bằng thu nhập nông nghiệp, chủ yếu là lúa, vậy mà đã bị phá và cướp hết.
Mặc dù, từ khi Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến nay, Hiến pháp đã thay đổi, được chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần, song quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người dân luôn luôn được Nhà nước bảo hộ.”.
Sau khi nghiên cứu đơn, hồ sơ, ngày 09/09/2020, Tạp chí điện tử Hòa nhập đã có Công văn số 62/2020/CV-ĐTHN chuyển đơn (Kèm theo hồ sơ) của bà Trần Thị Mùi đến Trưởng Công an thành phố Thái Bình để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Tạp chí điện tử Hòa nhập thông báo để bà Trần Thị Mùi được biết.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.