Thái Nguyên: Về hưu…rút kinh nghiệm công tác?!
Tại Thông báo số 98-TB/UBKTTU của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành ngày 12/10/2015 Thông báo Kết luận kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm tại Đảng bộ Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên, nêu rõ: “Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy khuyết điểm, vi phạm của đồng chí Nguyễn Thị Hằng chưa đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình công tác”.
Trong khi đó, trên thực tế bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bí Thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên đã nghỉ hưu trước đó nhiều tháng.
Tìm hiểu vụ việc, PV được biết: Các Phòng chuyên môn của Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên là cơ quan quản lý nhà nước, có chức năng kiểm tra và giám sát các hoạt động thuộc thẩm quyền quản lý, trong đó có việc Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và tham mưu kiểm tra việc cấp Giấy chứng nhận về tập huấn An toàn lao động cho các đơn vị, doanh nghiệp trong địa bàn.
Thế nhưng, cả 2 phòng có chức năng quản lý nhà nước của Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên là Thanh tra và Phòng Việc làm – An toàn lao động lại chủ động thực hiện các hợp đồng huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động, nên cứ mượn danh của Sở LĐTB&XH tỉnh thu tiền tập huấn trong suốt nhiều năm.
Điều đáng lưu ý là, con dấu của Sở LĐTB&XH tỉnh được dùng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, đồng thời dùng nó để đóng vào các bản Hợp đồng mở các lớp Tập huấn về an toàn lao động.
Tất lẽ dĩ ngẫu là phần nhiều doanh nghiệp khi được đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên gợi ý mở lớp tập huấn chẳng dại gì mà không hùa theo để “đằng nào cũng tốn kém” đỡ bị thanh kiểm tra về về an toàn, vệ sinh lao động.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ trong chưa đầy 3 năm khoản thu gồm Hợp đồng huấn luyện án toàn vệ sinh lao động của Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên đã là 1.166.130.000 đồng.
Theo phản ánh của bạn đọc, số tiền thu được, các phòng tự ý chia chác cho các cá nhân tham gia và “thưởng” cho lãnh đạo Sở, để các việc làm sai trái được hanh thông.
Do đó, khi dấu hiệu sai phạm bị phát giác, Đoàn Kiểm tra vào cuộc và chỉ rõ việc làm sai trái của Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động, khi đã tham mưu cho lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh ký 18 hợp đồng về huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, không đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ.
Còn đơn vị Thanh tra của Sở LĐTB&XH tỉnh cũng đi vận động các doanh nghiệp, để ký 49 hợp đồng huấn luyện An toàn Lao động với các doanh nghiệp trong địa bàn, không đúng với chức năng thẩm quyền được giao, thu về túi cá nhân tổng số tiền hơn 857 triệu đồng…
Đáng lưu ý là toàn bộ số tiền thu từ các hợp đồng huấn luyện an toàn lao động, theo phương thức “tự bốc ù” của Phòng Việc làm – An toàn lao động và Thanh tra Sở LĐTB&XH tỉnh, đã được bố trí để ra ngoài sổ sách kế toán của đơn vị, tạo nên “quỹ đen” trong nhiều năm, phục vụ ăn chia kín đáo trong nhóm lợi ích, nên gây bức xúc trong dư luận tại sở này.
Đến khi sự việc “vỡ lở”, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên vào kiểm tra sự việc, đã phát hiện: Tổng số tiền mà nhóm lợi ích trong Sở này không cập nhật và hạch toán qua hệ thống sổ sách kế toán lên đến trên 1,3 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng đã kiến nghị đối với Phòng Việc làm – An toàn lao động phải nộp lại số tiền đã chia chác vào tài khoản tạm giữ của cơ quan chức năng để xử lý theo quy định hơn 120 triệu đồng. Còn lãnh đạo Sở gồm có bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã nộp lại 8 triệu đồng, ông Nguyễn Thành Long – Phó Giám đốc sở cũng phải nộp lại hơn 10 triệu đồng. Riêng ông Phạm Đăng Yên, nguyên Chánh Thanh tra sở “ôm” nhiều nhất, phải nộp lại hơn 857 triệu đồng…
Một điều lạ lùng, sự việc đã rõ dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái, “tham nhũng” trót lọt hơn 1 tỷ đồng, diễn ra trong một tổ chức Đảng luôn được xếp diện “trong sạch vững mạnh”, cách thức “tham nhũng” cũng được tổ chức khá chặt chẽ, nên sai phạm xảy ra trong suốt nhiều năm mới bị phát hiện, thế nhưng đến khi xử lý vi phạm lại giống kiểu “đầu voi, đuôi chuột”!
Cụ thể là: Kỷ luật khiển trách về Đảng đối với mỗi bà Đỗ Thị Huế - Trưởng phòng Việc làm- An toàn lao động, còn nhiều người có nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan vẫn bình chân như vại. Riêng với bà Nguyễn Thị Hằng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở “được” yêu cầu: “nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình công tác” khi đã chính thức nghỉ hưu ....
Chia sẻ với PV, nhiều bạn đọc cho biết trong thời gian qua cũng tại Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên còn có chuyện lập hồ sơ không có thực tế để rút tiền PCLB. Thực hư ra sao, chúng tôi sẽ tiếp tục công bố tới bạn đọc ở những bài viết sau.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.