Tháng 3 Tây Nguyên: 45 năm chuyện bây giờ mới kể
Trận đánh Cẩm Ga là một kỷ niệm đáng nhớ và một bài học quý báu đối với Tiểu đội kỹ thuật A50 của chúng tôi. Lúc đó tôi là Tiểu đội trưởng trình sát kỹ thuật (A50) thuộc đại đội trinh sát C20, E48.
Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột
Đúng 16h ngày 7/3/1975, sở chỉ huy Trung đoàn 48 hành quân đi chuyển vào vị trí mới để trung đoàn đánh quận lỵ Cẩm Ga theo nhiệm vụ được giao. Dọc đường hành quân chỉ huy trung đoàn 48 ra lệnh cho đài kỹ thuật (A50) vẫn phải mở máy theo dõi tình hình địch có gì thay đổi phải báo cáo ngay. Đài kỹ thuật của chúng tôi sử dụng máy 2w PRC 25 loại sóng ngắn của địch để theo dõi nắm tình hình.
Việc vừa hành quân vừa nghe thông tin của địch rất khó khăn đối với cánh thông tin chúng tôi, vì sóng ngắn ăng ten dùng loại mềm (lá lúa), cự ly cách nhau lại xa nên không thể nghe được. Chấp hành mệnh lệnh buộc chúng tôi phải thi hành. Sau hơn 2 tiếng hành quân đến Sở chỉ huy mới, đài kỹ thuật được bố trí làm việc ngay gần hầm tác chiến của trung đoàn để kịp thời báo cáo tình hình địch, khi nổ súng chúng tôi trực tiếp ngồi trong hẩm tác chiến.
Khoảng 19 giờ đồng chí Tham mưu trưởng trung đoàn đến hỏi tôi: Địch trong căn cứ có gì thay đổi không? Tôi đáp báo cáo thủ trưởng địch không có gì thay đổi trong căn cứ Ban chỉ huy quận Cẩm Ga và sở chỉ huy của tiểu đoàn bảo an và hơn 2 đại đội của địch vẫn ở trong căn cứ, chỉ có hơn 1 đại đội bảo an ra khỏi căn cứ đi lùng sục theo kế hoạch, sáng nay tôi đã báo cáo cơ quan tác chiến. Sau khi nghe tôi báo cáo đồng chí Tham mưu trưởng mới nói: Tôi thông báo cho Cậu biết Đài kỹ thuật của sư đoàn báo địch trong căn cứ Cẩm Ga đã rút khỏi căn cứ và ra ngoài rừng từ trưa nay (7/3) sao các cậu vẫn bảo còn địch. Cậu nắm lại cho chắc, tý nữa báo cáo để trung đoàn còn hạ quyết tâm. Sau khi được thông báo địch không còn ở trong căn cứ nữa chúng tôi vô cùng hoang mang vì Đài kỹ thuật của sư đoàn là đài cấp trên của chúng tôi họ cũng trực tiếp nắm các lực lượng địch hoạt động trong khu vực tác chiến của sư đoàn để báo cáo cho chỉ huy sư đoàn thông báo cho các đơn vị chẳng nhẽ họ làm sai, hay có sự nhầm lẫn..?
Vậy mình có nên báo cáo theo đài kỹ thuật của sư đoàn là địch không còn trong căn cứ hay vẫn bảo lưu như chúng tôi đã báo cáo trung đoàn. Khoảng hơn 30 phút đồng chí Tham mưu trưởng trung đoàn quay lại (Trung đoàn phó tham mưu trưởng lúc đó là anh TRẦN THÂN quê Nam Định nguyên là đại đội trưởng trình sát C20 của chúng tôi năm 1972, sau này là đại tá Chủ nhiệm khoa quân sự hậu phương Học viện Lục quân) đến chỗ chúng tôi làm việc, anh nói: Theo kế hoạch ban đầu 20h trung đoàn ra lênh cho bộ đội vào vị trí triển khai chiếm lĩnh nhưng trên Sư đoàn báo địch rút khỏi Cẩm Ga các Cậu bảo địch vẫn còn vì vậy Đảng ủy trung đoàn quyết định lui lại đến 21h mới cho bộ đội vào vị trí triển khai chiếm lĩnh. Nếu đánh vào căn cứ không có địch các cậu chịu trách nhiệm.
Khi đồng chí Tham mưu trưởng nói xong, Tôi liền nói: Báo cáo thủ trưởng đây là tin nghiên cứu việc đánh hay không là do các thủ trưởng quyết định, nhưng về mặt kỹ thuật chúng tôi khẳng định Ban chỉ huy quận và Sở chỉ huy tiểu đoàn bảo an vẫn còn trong căn cứ. Đài kỹ thuật của sư đoàn nắm mạng rộng có thể nhẫm lẫn đại đội bảo an ở bên ngoài căn cứ nên tưởng rằng sở chỉ huy của địch đã ra ngoài... Chúng tôi theo dõi bám sát đối tượng tác chiến của trung đoàn từ đầu đến giờ không có gì thay đổi, mọi hoạt động vẫn bình thưởng thông tin chỉ huy trong căn cứ chúng dùng ăng ten dù nên giọng nói vẫn to và rõ nếu ra khỏi căn cứ tín hiệu nghe sẽ khó khăn hơn.
Đến 21h, chúng tôi mang máy vào trong hầm tác chiến để nghe và theo dõi tình hình địch kịp thời báo cáo cho trung đoàn. Như vậy chúng tôi thầm đoán Trung đoàn vẫn quyết tâm nổ súng theo kế hoạch. Thời gian chờ đợi nổ súng hết sức căng thẳng, các tiểu đoàn báo cáo về đã vào vị trí đúng thời gian. Tình hình địch vẫn im lặng ko thấy biến động gì không biết khi đơn vị nổ súng có còn địch? Nếu đúng địch đã rút ra khỏi căn cứ khi ta nổ súng địch lập tức điều lực lượng ở bên ngoài bịt cửa mở tình hình chiến sự lúc đó sẽ ra sao? Thế rồi giờ nổ súng cũng đã đến, chỉ huy trung đoàn ra lệnh cho pháo binh nổ súng. Loạt pháo đầu tiên vừa gầm nên rơi vào trong căn cứ thì tên quận trưởng quận Cẩm Ga thét lên trong bộ đàm: “Báo cáo chúng tôi bị Việt Cộng tấn công”. Vừa nghe tên quận trưởng báo cáo xong, tôi sung sướng vung tay vỗ vào đùi và hét to: “CÒN ĐỊCH”.
Trận đánh này trung đoàn 48 hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc tiêu diệt Ban chỉ huy quận lỵ Cẩm Ga và 1 tiểu đoàn bảo an của địch, giải phóng quận lỵ Cẩm Ga tạo điều kiện thuận lợi cho cho quân ta nổ súng đánh Ban Mê Thuột vào đêm 9 rạng sáng 10/3/1975.
Giấy chứng nhân khen thưởng
Sau giải phóng 30/4/1975, tổng kết chiến đấu tôi được đề nghị tặng thưởng: DANH HIỆU DŨNG SỸ QUYẾT THẮNG CẤP 3. Đến nay Giấy chứng nhận này tôi vẫn còn lưu giữ, vì khi ra Bắc trong quy định khen thưởng không có danh hiệu đó nên không đổi được.
Những kỷ vật còn lưu giữ lại:
Giấy chứng nhận có thời gian công tác XYZ
Quyết định kết nạp Đảng
Quyết định công nhận Đảng viên chính thức
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.