Thi THPT Quốc gia 2016: Một số nội dung đề văn nghị luận thí sinh nên biết
Có thể thấy trong những năm gần đây cấu trúc trong đề thi môn Văn THPT Quốc gia luôn có sự xuất hiện của dạng câu hỏi nghị luận xã hội. Một số thí sinh cho rằng dạng câu hỏi này không khó nhưng để làm tốt và “gặm” trọn vẹn điểm thi của phần này thì không hề đơn giản.
Liên quan đến những bí quyết làm dạng văn nghị luận xã hội, phóng viên báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng TS. Phạm Hữu Cường – người thầy hơn 20 năm kinh nghiệm luyện thi môn Văn cho các sĩ tử.
TS. Phạm Hữu Cường – người thầy hơn 20 năm kinh nghiệm luyện thi môn Văn cho các sĩ tử.
Từ thực tế đề thi những năm gần đây, theo tôi, ở câu nghị luận xã hội, thí sinh nên quan tâm đến một số vấn đề như: Biển đảo và trách nhiệm của thế hệ trẻ với biển đảo của đất nước; Gạc Ma – vòng tròn bất tử; thời cơ thách thức của Việt Nam khi gia nhập TPP; thực phẩm bẩn đang đầu độc người dân và lương tâm con người; sự vô tâm của con người nhìn từ vụ án ở Bình Phước; ý thức con người về biến đổi khí hậu; ngập mặn, hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long, vai trò của nguồn nước trong cuộc sống; lí tưởng, lẽ sống, phẩm chất, sự thành đạt của tuổi trẻ, nghị lực sống của con người (qua các tấm gương Trần Lập, chú lính chì dũng cảm Nguyễn Thiện Nhân) …
Các em có thể thử sức với một đề nghị luận xã hội như sau:
Trong bài hát "Tâm hồn của đá", cố nhạc sỹ Trần Lập đã viết: "Đừng sống như hòn đá, sống không một tình yêu, sống chỉ biết thân mình, tâm hồn luôn luôn băng giá, đừng hoá thân thành đá…". Anh/chị hãy viết một bài văn khoảng 600 từ, trình bày suy nghĩ của mình về lời khuyên đó.
Phần đọc hiểu thí sinh cũng nên chú ý đến các văn bản liên quan đến các vấn đề trên, hoặc đề cập đến các vấn đề về bảo vệ văn hóa dân tộc, thói sùng ngoại, bài ngoại, lòng tự trọng, lòng nhân ái khoan dung, thói tham ô lãng phí…
Phần nghị luận văn học, theo tôi, thí sinh nên ôn tập tất cả các văn bản tác phẩm trong chương trình ngữ văn 12, đặc biệt chú trọng 6 bài Đất Nước, Đàn ghi-ta của Lor-ca, Việt Bắc, Người lái đò sông Đà, Rừng xà nu, Vợ nhặt.
Đối với các tác phẩm văn học, hay bài nghị luận xã hội, thí sinh cần lưu ý những gì khi làm bài thưa thầy?
Các tác phẩm văn học được học trong chương trình là chất liệu để xây dựng nên câu nghị luận văn học. Vì vậy đối với mỗi tác phẩm cần nắm được những nét đặc trưng nổi bật trong sáng tác của tác giả (khoảng 5 dòng), hoàn cảnh ra đời của tác phẩm (khoảng 5 dòng) cũng như những kiến thức trọng tâm, cơ bản về tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm.
Thí sinh cũng cần xâu chuỗi kiến thức, so sánh, khái quát, tổng hợp về các tác phẩm theo chủ đề, tìm ra điểm giống và khác nhau giữa chúng. Từ đó vận dụng kiến thức và kĩ năng để làm các đề nghị luận văn học cụ thể, nhất là các đề cảm nhận văn học, so sánh văn học, bình luận một vấn đề văn học. Nên luyện giải nhiều đề...
Ở câu nghị luận xã hội, hãy bám sát các sự kiện của đời sống xã hội, sử dụng nhuần nhuyễn những hiểu biết về đời sống xã hội cùng các phương pháp và kĩ năng làm bài, để bàn luận trong khoảng 54 phút, viết khoảng 600 từ. Điểm quan trọng của bài nghị luận xã hội là lập luận, lý lẽ, bày tỏ được suy nghĩ của người viết, chứ không phải là dẫn chứng.
Các em cũng cần lưu ý, hiện nay có nhiều thí sinh xác định không đúng yêu cầu về kĩ năng/ phương pháp và kiến thức cần huy động khi làm bài. Chẳng hạn, câu nghị luận xã hội bao giờ cũng yêu cầu thí sinh bình luận về một vấn đề xã hội chứ không phải chứng minh. Vì vậy các em cần trình bày được suy nghĩ, quan điểm, thái độ, cách nhìn nhận đánh giá của mình về vấn đê cần bàn luận chứ không phải đưa thật nhiều dẫn chứng từ đời sống xã hội vào để chứng minh vấn đề đó. Một bài nghị luận xã hội chỉ nên lấy khoảng 4 dẫn chứng là đủ, miễn là dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc, giàu sức thuyết phục và được nêu khéo léo, ngắn gọn.
Xin cảm ơn sự chia sẻ từ thầy!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.