Thu hút vốn đầu tư ngoại vào fintech
Việc đẩy mạnh kết nối với các ngành thuế, hải quan và dịch vụ công đã giúp mang lại kết quả khả quan cho hoạt động thanh toán điện tử trong năm qua. Cụ thể, hiện đã có 50 ngân hàng (NH) hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với thuế, hải quan trên 63 tỉnh/thành phố, 95% số thu hải quan được thực hiện qua NH; 99% doanh nghiệp (DN) đăng ký nộp thuế điện tử. Bên cạnh đó, có 27 NH và 10 tổ chức trung gian thanh toán đã phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của tổng công ty thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thanh toán qua NH lên tới gần 90%.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), tính đến 30/11/2019, số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên NH đạt gần 146,040 triệu món, tương ứng với 87,591 triệu tỉ đồng (tăng 17,77% về số lượng và 32,49% về giá trị so với cùng kì năm 2018). Trong thanh toán dịch vụ công, hệ thống thanh toán điện tử liên NH đã được kết nối với toàn bộ 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh trong cả nước, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách của người dân và DN một cách nhanh chóng, kịp thời.
Ngoài ra, đã có 30 bệnh viện kết nối triển khai thanh toán viện phí điện tử, một số bệnh viện đã đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; tổng số tiền chi các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân trên cả nước chiếm khoảng 23% tổng số tiền chi...
Cũng theo ông Dũng, năm 2019 hoạt động thanh toán đạt nhiều kết quả ấn tượng thể hiện qua những chỉ tiêu thanh toán không dùng tiền mặt tăng từ 2-3 con số. So với tháng 11/2018, giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ NH tăng 42,5% về số lượng và 35,4% về giá trị giao dịch; giao dịch qua kênh Internet tăng 69,4% về số lượng và tăng 37,1% giá trị; giao dịch qua điện thoại di động tăng 196,8% về số lượng và tăng 225,1% về giá trị.
Trong năm 2020, Ngành NH sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc chia sẻ, cung ứng các dịch vụ số; tăng cường tích hợp, kết nối với các lĩnh vực còn lại để mở rộng hệ sinh thái số.
Theo ông Dũng NHNN Việt Nam dự kiến sẽ trình Chính phủ không đưa tỷ lệ giới hạn (49%) vào Dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt để thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP. Lý do được NHNN đưa ra là dịch vụ trung gian thanh toán là loại hình dịch vụ mới dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của công nghệ nên đầu tư nước ngoài đóng vai trò khá quan trọng, nếu hạn chế có thể ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán nói riêng, và các fintech (sự kết hợp giữa tài chính và công nghệ) nói chung.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Ngoài ra, thực tế hiện nay có một số tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán lớn đã được cấp phép và có tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vượt mức 49%, nên việc đưa quy định về trần sở hữu nước ngoài cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các DN này.
Việc NHNN hướng tới một mục đích sâu xa hơn là để đạt mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực NH, nhằm mang lại những lợi ích cho người dân sử dụng dịch vụ tài chính cũng như phát triển hạ tầng thanh toán của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập trong lĩnh vực NH nói riêng.
Cùng với đó, để thực hiện các giải pháp được đề ra tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính trong nền kinh tế (Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ), một trong những chính sách mới được đề cập trong Dự thảo Nghị định đó là dự kiến quy định hoạt động đại lý thanh toán.
Theo đó, với mô hình giao đại lí, NH được giao cho bên đại lí cung ứng một phần các dịch vụ thanh toán như nộp/rút tiền mặt vào/ra tài khoản, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ,... Chính sách mới này nhằm mục tiêu hỗ trợ phổ cập tài chính sâu rộng hơn tới đông đảo người dân bằng việc tăng cường đưa dịch vụ tài chính tới những người dân vốn trước đây chưa có tài khoản NH, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa,.. Bên cạnh đó, quy định này cũng giúp cho NH có thể tiếp cận khách hàng mà không phải mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Cho đến nay NHNN đã cấp phép đủ điều kiện kinh doanh cho 32 đơn vị làm trung gian thanh toán, trong số đó chủ yếu là các nhà cung ứng ví điện tử ra thị trường. Tốc độ phát triển của các công ty Fintech đang tăng rất nhanh ở Việt Nam, nếu năm 2016 mới có khoảng 40 công ty, thì đến cuối năm 2019 đã tăng lên đến hơn 150 công ty. Fintech hoạt động theo Luật Đầu tư nhưng là một loại hình kinh doanh có điều kiện nên cần có thêm giấy phép do cơ quan quản lý tiền tệ cấp phép.
Còn ông Nguyễn Hoàng Ly, Tổng giám đốc Công ty Fintech cho biết, hiện nay thị trường đã mở rộng theo chiều ngang, số lượng công ty Fintech tham gia rất đa dạng, chỉ riêng các công ty làm về trung gian thanh toán được cấp phép đã lên đến trên 30 công ty. Tuy vậy, thị trường sắp tới sẽ mở rộng theo chiều sâu, nghĩa là các công ty Fintech sẽ phải tập trung: Mở rộng danh sách dịch vụ, xu hướng one-stop-shop là khách hàng mong muốn sử dụng một dịch vụ duy nhất đáp ứng được nhiều yêu cầu của họ nhất, chứ không muốn sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau, mỗi dịch vụ cho 1 yêu cầu tài chính riêng biệt.
Bên cạnh đó, mở rộng tập khách hàng bằng các biện pháp kinh doanh, hợp tác hoặc sáp nhập. Ví dụ: công ty Fintech A đang tập trung giải pháp Ví điện tử và công ty Fintech B đang tập trung giải pháp quản lý tài chính cá nhân - PFM (Personal Financial Management). Theo đó, hoàn toàn có thể hợp tác để mở rộng cả dịch vụ lẫn tập khách hàng, tạo trải nghiệm one-stop-shop cho khách hàng để vừa quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, vừa kết hợp mua sắm thông qua Ví điện tử.
Mới đây, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ với Quyết định số 999/QĐ-TTg (ngày 12/8/2019). Điểm quan trọng trong Quyết định số 999/QĐ-TTg là việc thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (cơ chế sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới theo mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy). Quyết định này sẽ hỗ trợ các DN phát triển công nghệ mới, có điều kiện ứng dụng công nghệ mới (được phép thử nghiệm theo cơ chế sandbox) theo mô hình kinh tế chia sẻ.
Các DN Fintech ngay từ đầu nên chọn đối tác hợp tác là ngân hàng thương mại khi triển khai các mô hình kinh doanh mới (trong lĩnh vực tài chính). Kế đến là nên xây dựng hoặc nhắm tới một cơ sở dữ liệu khách hàng/khả năng kết nối.
Trong chiến dịch tài chính toàn diện thì việc các cá nhân và DN có thể tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ tài chính hữu ích với giá cả phải chăng. Khi tương lai phát triển đủ mạnh công nghệ tài chính, mỗi một smartphone sẽ là một chi nhánh NH. Theo đó, mô hình NH đại lí sẽ đáp ứng được ít nhất 5 dịch vụ căn bản như: tài khoản thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm. Khi tiện ích tài chính được đáp ứng đến tận vùng sâu, vùng xa cho người dân còn đẩy lùi được “tín dụng đen”, bởi khả năng tiếp cận tài chính cá nhân của người tiêu dùng ở các công ty công nghệ tài chính được nhà nước cấp phép sẽ không còn ai muốn đi “vay nóng” ngoài xã hội.
Hiện nay cơ quan quản lí đã cho phép tập đoàn FLC thí điểm cho vay ngang hàng (P2P Lending) trong nội bộ các công ty thành viên của tập đoàn. Bên cạnh đó Naspas, VietinBank, VIB, MB cũng được cơ quan quản lí nhà nước cho phép thí điểm chuyển tiền bằng công nghệ chuỗi khối (blockchain). Nếu chuyển tiền bằng công nghệ chuỗi khối thành công được áp dụng rộng rãi ra xã hội sẽ tiết giảm chi phí tối đa cho người dân. Khi đó các hoạt động chuyển tiền và bảo mật quốc tế bằng swift và mở thư tín dụng (L/C)… buộc phải giảm giá thành mới cạnh tranh được với chuyển tiền bằng công nghệ blockchain./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.